Đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tự

 

vảnh minh họa

Bộ Công an cho biết Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để đảm bảo công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự,… Theo đó, một số chức danh có thẩm quyền xử phạt đã không còn được quy định hoặc thay đổi về tên gọi, nhiều hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính, như: Một số hành vi chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng, cụ thể gây khó khăn, lúng túng trong công tác xử lý vi phạm hành chính; mức phạt tiền nhiều hành vi vi phạm còn thấp; chưa có hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả nên tính răn đe, giáo dục còn hạn chế.

Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với các quy định mới của pháp luật, không trái với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính khả thi, tăng cường răn đe, giáo dục cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, Bộ Công an soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Dự thảo quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30 triệu đồng, đối với tổ chức là 60 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với cá nhân là 40 triệu đồng, đối với tổ chức là 80 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng.

Căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nói trên còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung:

a- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 3 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành;

b- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 3 tháng đến 12 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành;

c- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc hủy bỏ hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật; buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.

Theo Baochinhphu.vn