Đề thi học sinh giỏi Văn của Quảng Nam khiến cộng đồng mạng phát ‘sốt’
Mạng xã hội Facebook đang lan truyền một đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn, vào ngày 19/4 vừa qua tại tỉnh Quảng Nam về: “Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”.
Nội dung đề thi câu 1 với 8 điểm là nghị luận xã hội có nội dung:
a. Trong bộ phim “Repply 1988” sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.
b. Trong bài viết: Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ: Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.
Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”.
Dòng trạng thái được nhiều người dùng mạng quan tâm và chia sẻ, nhiều ý kiến đồng tình cao về đề thi này.
Người dùng có tên Nguyễn Thuỳ Trang bình luận: “Đề thi hay quá, vừa nhân văn vừa đúng trend. Có những đề văn thế này mới khai thác được nội tâm của các em chứ cách thi theo bài văn mẫu thì ngấy lắm rồi”.
Hay bạn Thanh Huyền viết: “…Bản thân mình chưa xem phim nhưng thấy đề rất hay và thực tế. Những câu trích dẫn cảm xúc thật sự. Các bạn có thể tự liên hệ và nêu lên ý kiến, cảm xúc của bản thân mình. Cái quan trọng là có kỹ năng và sự hiểu biết về văn học hay không thôi, còn không học được môn này thì đề nào chẳng khó”.
Cập nhật vấn đề thực tế cuộc sống
Ông Lê Văn Hiệp, Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, đề thi đang được mạng xã hội quan tâm là đề thi học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh diễn ra vào ngày 19/4 vừa qua.
“Ở góc độ quản lý ngành, người ra đề đã đề cập đến nội dung phù hợp với đối tượng học sinh lớp 9 về vấn đề giáo dục đạo đức học sinh.
Thứ nữa, đề thi cập nhật được vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, hiện nay giới trẻ, nhiều học sinh ỷ lại bố mẹ, đòi hỏi bố mẹ quá nhiều. Từ đó, nhiều học sinh quên đi sự thấu hiểu đối với bố mẹ”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, thông điệp ban ra đề hướng đến đó là giáo dục học sinh. Đối tượng hướng đến ở đây là học sinh lớp 9 nên mình phải giáo dục học sinh phải thấu hiểu bố mẹ.
“Trong cuộc sống hiện đại, những người làm bố, làm mẹ chịu rất nhiều áp lực trong việc mưu sinh và nuôi dạy con cái so với ngày xưa. Cho nên, việc giáo dục con cái chưa đúng cách đó là một thực tế đặt ra.
Vấn đề ngược lại, không ít những đứa trẻ hờ hững, không chịu thấu hiểu, thậm chí vô ơn, vô cảm đối với chính đấng sinh thành của mình”.
Ông Hiệp thông tin, đây là một đề thi học sinh giỏi môn Văn, chứ không phải một diễn đàn để bàn luận, trong bài thi yêu cầu bình luận thời gian 150 phút, nên ban ra đề chỉ đề cập một phía để đủ thời gian bàn luận. Từ đây, học sinh nếu thông minh sẽ đặt ra vấn đề bên cạnh việc con cái thấu hiểu bố mẹ, thì cũng mong muốn bố mẹ thấu hiểu con cái. Thậm chí nhà trường tạo điều kiện để học sinh thấu hiểu về bố mẹ nhiều hơn.
“Tôi ước mình bé lại để làm đề thi này”
Cô Nguyễn Thùy Mia, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Cát Linh (Hà Nội) chia sẻ ngay khi vừa đọc đề thi “cảm giác thốt lên là thích thú”.
Mặc dù chưa xem bộ phim Reply 1988, nhưng cô Nguyễn Thùy Mia cho biết vẫn cảm nhận được từ câu giãi bày tha thiết của người cha sự chân tình, cầu thị và đầy ắp tình yêu con.
“Tôi nghĩ câu hỏi nghị luận xã hội này hay, giản dị gần gũi mà sâu sắc, nhân văn. Vì lứa tuổi học sinh – lứa tuổi dậy thì với những biến đổi tâm sinh lí mạnh mẽ, các bạn thường mong muốn cha mẹ hiểu mình, tôn trọng mình nhưng nhiều khi cái tôi bùng nổ dẫn đến sự ích kỉ, lấn át lời khuyên của phụ huynh.
Các bậc phụ huynh giữa bộn bề cơm áo gạo tiền, quay cuồng trong áp lực công việc sẽ không tránh khỏi những bối rối khi con mình bùng nổ cá tính, lúng túng trong việc dung hoà mong muốn của mình với mong muốn của các con. Nên mâu thuẫn, xung đột, hiểu lầm giữa cha mẹ và con cái là khó tránh.
Đề Ngữ văn này rất nhân văn và văn minh ở chỗ, thứ nhất, là bộc lộ tấm lòng của bậc làm cha mẹ không theo kiểu áp đặt mà sẵn sàng lắng nghe con, sẵn sàng làm bạn của con, sẵn sàng dung hoà mối quan hệ với con, sẵn sàng nhìn thẳng vào cái chưa hợp lí của mình. Thứ hai là mong muốn các bạn học sinh biết đặt mình vào vị trí của cha mẹ, để thấu hiểu, đồng cảm hơn nữa với những khó khăn của phụ huynh, để thực sự thấu cảm tình yêu của cha mẹ dành cho mình”.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) cũng bày tỏ sự yêu mến với đề thi này.
“Về tổng thể, đề thi khá hay, đặc biệt là câu nghị luận xã hội rất nhẹ nhàng. Câu nghị luận văn học tương đối nhẹ nhàng, không quá nặng nề, cứng nhắc.
Khi đọc đề thi, tôi thực sự ao ước mình được bé lại, trở lại là một học sinh để làm đề thi này. Nếu là học sinh, tôi sẽ có rất nhiều ý để viết bài, nhiều tâm sự để chia sẻ”.
Theo thầy Đức Anh, đây là đề thi cho cơ hội để nhìn nhận lại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái – một vấn đề đang gây ra nhiều tranh luận, đánh giá, phân tích trong thời gian qua.
“Tôi hy vọng đáp án sẽ mở, chấp nhận những bài viết có cảm xúc thay vì chú trọng quá nhiều vào lập luận và lý lẽ của học sinh.
Chúng ta nên phát huy dạng đề thi như thế này để việc học và thi văn không khô khan hay nặng nề, cũng không cần phải có những câu mang tính chất đánh đố thí sinh, nhất là với những đề thi học sinh giỏi”.
Khi đề cập đến một số ý kiến cho rằng đề thi quá sức đối với một học sinh lớp 9, ông Hiệp chia sẻ, đối với một đề văn nói chung, không phải việc quá sức hay không quá sức mà phù thuộc vào hướng dẫn chấm.
“Khi vấn đề đặt ra, một học sinh THCS hay THPT đều có thể giải quyết được, và đôi khi một nhà nghiên cứu đều có thể giải quyết được. Quan trọng là yêu cầu mình đặt ra, yêu cầu này giải quyết đến ở mức độ nào?
Như đề thi đặt ra, đối với học sinh lớp 9 thì mình yêu cầu học sinh tuổi đó phù hợp với tâm lý, nhận thức những cái gì rất gần gũi. Còn đứng ở góc độ khoa học, để giải quyết vấn đề này cần một đề tài khoa học.
Chúng ta có thể hỏi học sinh lớp 5 về việc thấu hiểu đối với bố mẹ như thế nào? Chắc chắn các em có thể trả lời được”.
Công Sáng – Phương Chi