Đề thi học sinh giỏi Văn của Quảng Nam: Vì sao lại ‘phát sốt’?
TPO – Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn vừa qua với nội dung sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ đang được cộng đồng mạng quan tâm. Vì sao đề này lại được đón nhận như vậy?
Mạng xã hội Facebook đang lan truyền một đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn, vào ngày 19/4 vừa qua tại tỉnh Quảng Nam về: “Sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”.
Nội dung đề thi câu 1 với 8 điểm là nghị luận xã hội có nội dung:
a. Trong bộ phim “Repply 1988” sau những ứng xử thiếu tinh tế đối với cô con gái tên Duk Sun, người bố giãi bày: Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố.
b. Trong bài viết: Nếu ba mẹ lỡ không may đi xa lạc mình, hãy chỉ đường, hướng dẫn, kéo tay ba mẹ với nhé!, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ:
Mẹ tuy nhiều tuổi hơn nhưng về việc làm mẹ, mẹ cũng chỉ bằng tuổi con. Con lúng túng, mẹ cũng lúng túng; con sai lầm, mẹ cũng sai lầm. Con thất vọng về mẹ có khi còn ít hơn mẹ thất vọng về chính mình nữa.
Từ những lời tâm sự trên, em hãy trình bày suy nghĩ về vấn đề: sự thấu hiểu của con cái đối với cha mẹ”.
Nhiều ý kiến đồng tình cao về đề thi này và cho rằng đề khá hay, đánh thức được nhận thức và suy nghĩ của học sinh.
Trả lời báo chí, Ông Lê Văn Hiệp, Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, đề thi đang được mạng xã hội quan tâm là đề thi học sinh giỏi lớp 9 của tỉnh diễn ra vào ngày 19/4 vừa qua.
Ông Hiệp cho rằng, đề thi cập nhật được vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, hiện nay giới trẻ, nhiều học sinh ỷ lại bố mẹ, đòi hỏi bố mẹ quá nhiều. Từ đó, nhiều học sinh quên đi sự thấu hiểu đối với bố mẹ.
Đề hay vì đánh thức được nhận thức và suy nghĩ của học sinh
Cô Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy văn trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, đề đã chạm đến vấn đề xã hội đáng quan tâm, vừa có tính thời sự, vừa khơi gợi suy nghĩ sâu lắng. Đánh thức mối liên hệ giữa con cái – cha mẹ và ngược lại
Cũng theo cô Thủy, ngữ liệu trong đề thể hiện được sự chân thành từ người lớn (cha – mẹ) khiến con trẻ dễ mở lòng thấu hiểu, bao dung với những điều chúng vốn cho là “sai” của cha mẹ.
“Nói chung đề đánh thức nhận thức và suy nghĩ của học sinh, giúp học sinh có cái nhìn rộng mở, thấu đáo hơn về cha mẹ, từ đó tạo điều kiện cho khoảng cách cha mẹ – con cái xích lại gần nhau hơn. Với đề này, học sinh cũng có thể phát huy tính phản biện”- cô Thủy nêu quan điểm.
Một số ý kiến cho rằng đề thi này quá sức đối với một học sinh lớp 9, cô Thủy cho rằng, đề thi này cũng có tác động đến nhận thức với lớp 9 nhưng khả năng để hiểu sâu sắc và đón nhận được thông điệp của đề thì chắc cần thêm thời gian.
Cô Nguyễn Ngọc Dung, giáo viên dạy Văn ở Hà Nội cho biết, về tổng thể, đề thi khá hay, đặc biệt là câu nghị luận xã hội rất nhẹ nhàng. Câu nghị luận văn học tương đối nhẹ nhàng, không quá nặng nề, cứng nhắc.
“Đây là một đề thi cho học sinh giỏi là hoàn toàn xứng đáng”- cô Dung nói.
Cũng theo cô Dung, đây là đề thi cho cơ hội để nhìn nhận lại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái – một vấn đề đang gây ra nhiều tranh luận, đánh giá, phân tích trong thời gian qua.
Cô Dung cho rằng, thời gian gần đây, khi ra đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn đã để ý có những câu hỏi mang tính thời sự, ngữ liệu ra thường mới. Vấn đề mang tính giáo dục đạo đức học sinh thì đề ở đâu cũng muốn hướng tới. Để có những đề gây ấn tượng, “tươi mới” như thế thì người ra đề cần cập nhật các vấn đề mang tính thời sự, theo dõi những đầu sách mới,…. Và quan trọng, người ra đề phải có tư duy mới, bản lĩnh.