Đề tài cấp Bộ “Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX trong bối cảnh văn hóa thời Lê mạt – Nguyễn” nghiệm thu đạt loại xuất sắc

Viết lịch sử văn học Việt Nam trung đại dưới những vấn đề lý thuyết mới luôn là một đòi hỏi cấp bách đối với việc nhìn nhận lại vấn đề của lịch sử văn học dân tộc nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có một bộ lịch sử văn học đáp ứng và làm nổi bật những thành tựu của giới học thuật và yêu cầu của bạn đọc về văn học.

Từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX là giai đoạn văn học dân tộc có những bước chuyển mạnh mẽ trên nhiều phương diện nghệ thuật. Văn học giai đoạn này đã kết tinh được những giá trị ngàn đời của văn hóa dân tộc, có nhiều tác giả đồng thời là những nhà văn hóa tiêu biểu cho văn hiến dân tộc.


PGS.TS. Vũ Thanh báo cáo kết quả đạt được của đề tài tại buổi nghiệm th

Phát biểu tại buổi nghiệm thu PGS.TS. Vũ Thanh cho biết: mục tiêu nghiên cứu của đề tài là tập trung nghiên cứu các thành tựu văn học giai đoạn thế kỷ XVIII- XIX như là thành quả của văn hóa dân tộc, gắn bó mật thiết với với hóa dân tộc thời Lê mạt – Nguyễn, với sự xuất hiện của các diễn ngôn nghệ thuật mới. Đây là giai đoạn có những thành tựu nổi bật trong tiến trình của lịch sử văn học Việt Nam trung đại. Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, những trào lưu, khuynh hướng văn học; các công trình văn học tiêu biểu được xuất bản….Với các góc tiếp cận như: góc nhìn văn hóa, phân tích văn học sử; nghiên cứu loại hình văn học; lý thuyết diễn ngôn, thi pháp, tự sự học… Đề tài đã tìm hiểu được các thành tựu cụ thể của văn học giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX ứng với các tác giả, tác phẩm, vùng miền, trào lưu nghệ thuật, thể loại và ngôn ngữ thể hiện. Qua đó giúp đọc giả có điều kiện tìm hiểu rõ nét và tổng quan hơn về lịch sử văn học tiêu biểu, đặc trưng nhất đạt được của văn học dân tộc giai đoạn này.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu 02 phần với các chương cụ thể như sau:

Phần 1: Văn học thế kỷ XVIII – nửa đầu XIX trong bối cảnh lịch sử – văn hóa thời Lê mạt – Nguyễn gồm 03 chương:

Chương 1: Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa thế kỷ XVIII- nửa đầu XIX cung cấp các thông tin nghiên cứu liên quan đến bối cảnh xã hội – văn hóa Việt Nam và thế giới; Sự suy thoái của xã hội thời Lê mạt, sự phục hưng của văn hóa bản địa đến sự phục hồi Nho giáo của nhà Nguyễn; sự xuất hiện của các trung tâm kinh tế, văn hóa giải trí và sự lớn mạnh của tầng lớp thị dân; công cuộc cải cách thực học và những thành tựu của văn hóa, văn học và học thuật.

Chương 2: Đặc điểm, diện mạo chung của đời sống văn học, bao gồm các thông tin nghiên cứu về sự hình thành các trung tâm, vùng miền, dòng họ văn học và sự thống nhất trong phát triển văn học của dân tộc; Lực lượng sáng tác, bạn đọc và những chuyển biến trong quan niệm nghệ thuật; Sự phát triển của một số khuynh hướng, cảm hứng nghệ thuật cơ bản trong đó tập trung vào các góc tiếp cận như: nhân đạo trở thành khuynh hướng chủ đạo trong đời sống văn học, biểu hiện đa dạng trong nhiều nội dung phản ánh, cảm hứng yêu nước qua các đề tài lịch sử, thơ đi sứ và văn học thời Tây Sơn; khuynh hướng văn học cung đình, nghệ thuật xây dựng nhân vật, trần thuật, diễn ngôn…

Chương 3: Các thể loại, hiện tượng và tác gia tiêu biểu, bao gồm các thông tin khoa học liên quan đến văn xuôi, thơ chữ Hán, văn học chữ Nôm mang đặc trưng văn hóa dân tộc như thể ngâm khúc, truyện thơ, Hát nói, thơ Nôm Đường luật, biên khảo, trước luật văn chương…

Phần 2: Văn học nửa cuối thế kỷ XIX trong bối cảnh văn hóa thời Nguyễn mạt và thực dân phong kiến gồm gồm 2 chương như sau:

Chương 4: Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa nửa cuối thế kỷ XIX trong đó tập trung nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh lịch sử – văn hóa khu vực và thế giới trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp; Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và những xung đột lịch sử và chỉnh trị nảy sinh trong xã hội; Xã hội Việt Nam chuyển dần từ xã hội phong kiến sang xã hội thực dân phong kiến.

Chương 5: Đặc điểm diện mạo nửa thế kỷ văn học với những khuynh hướng và tác gia tiêu biểu. Chương này tập trung vào các thông tin liên quan văn học yêu nước chống pháp, văn học trào phúng, phê phán và tố cáo chế độ thực dân – phong kiến, xu hướng văn học đô thị, văn học quốc ngữ Nam Bộ và tác thành tựu ngôn ngữ, thể loại văn học tiêu biểu.


Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt là tính mới của công trình nghiên cứu nhất là việc làm rõ được văn học thế kỷ XVIII đến hết thể kỷ XIX là một giai đoạn đặc biệt trong tiến trình vận động của văn học dân tộc, là thời kỳ phát triển đỉnh cao với những thành tựu rực rỡ và cũng là thời điểm xuất hiện những dấu hiệu hợp quy luật thúc đẩy văn học dân tộc chuyển sang một thời kỳ lịch sử mới. Là tiền đề quan trọng để Viện Văn học tập hợp để xuất bản một bộ sách về lịch sử văn học với cách tiếp cận mới hơn. Đồng thời kết quả của đề tài góp phần tổng kết được những thành quả mới về tư liệu phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và giảng dạy văn học trong các cấp học và đông đảo bạn đọc.

Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.  

Phạm Vĩnh Hà