Để du lịch Tiền Giang cất cánh
Tạo “cú huých” mới cho du lịch
Từ ngày 10 đến 14-1-2019, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ long trọng tổ chức Lễ hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch 2019. Đây là hoạt động nhằm quảng bá các hoạt động về văn hóa, thể thao, thương mại kết hợp khai thác du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của người dân, du khách trong và ngoài nước. Chương trình lễ hội sẽ diễn ra tại quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang và các đường nội ô, bờ kè sông Tiền, thuộc địa bàn thành phố Mỹ Tho với nhiều hoạt động đặc sắc: Hội chợ, triển lãm, thương mại, ẩm thực; Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp về lĩnh vực du lịch”; tổ chức đoàn Farmtrip khảo sát các tua, tuyến, điểm du lịch, biểu diễn nhạc nước hàng đêm, Liên hoan các ban nhạc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giải đua xe đạp, hội thi hướng dẫn viên du lịch, giao lưu với hoa hậu đại sứ du lịch thế giới Phan Thị Mơ, ra mắt sản phẩm du lịch thông minh…
Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2019), kỷ niệm 340 năm thành lập đô thị Mỹ Tho và đón Tết cổ truyền của dân tộc – Xuân Kỷ Hợi 2019. Thông qua sự kiện này, ban tổ chức chương trình rất kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực, chắp thêm đôi cánh cho ngành du lịch Tiền Giang bước lên một nấc thang mới, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội một cách mạnh mẽ và bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Theo ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trong những năm gần đây, lễ hội văn hóa truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh ở Tiền Giang và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch. Tuy nhiên, các lễ hội tại Tiền Giang có quy mô nhỏ, mang tính chất địa phương; khách du lịch chủ yếu tham quan sông nước, miệt vườn, di tích lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc Tiền Giang tổ chức lễ hội lần này với quy mô lớn, hoạt động đa dạng và phong phú nhằm xây dựng lễ hội thành sản phẩm chính và đưa ra chiến lược xúc tiến, quảng bá nhằm duy trì, phát huy tốt bản sắc lễ hội. Đồng thời, chương trình kết hợp tổ chức các hoạt động, giới thiệu về kinh tế của tỉnh Tiền Giang đến với bạn bè trong nước và quốc tế để từng bước thu hút du lịch cũng như thu hút đầu tư phát triển. Hiện nay, công trình quảng trường trung tâm tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, sẽ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Nơi đây cơ bản có thể tổ chức các hoạt động của Lễ hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch 2019.
Mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tiền Giang có vị trí nằm ở cửa ngõ vùng ĐBSCL, có bờ biển dài 32 km, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hệ sinh thái đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử cùng lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của cư dân vùng sông nước Nam Bộ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đầu tư khai thác, xây dựng nên sản phẩm du lịch phong phú.
Những tua du lịch sinh thái sông nước Tiền Giang: Tham quan miệt vườn cù lao Thới Sơn, chùa Vĩnh Tràng, các danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa lịch sử, nhà cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi Cái Bè,… luôn đón đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, năm 2018 vừa qua, toàn tỉnh đón hơn 1,51 triệu lượt du khách, tăng 7,37% so năm trước, trong đó có hơn 568.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt hơn 803 tỷ đồng, tăng 22,68% so năm trước. Còn nếu tính trong giai đoạn 5 năm gần đây (2013 – 2017), lượng du khách hằng năm tăng bình quân 7,95%. Có được kết quả nêu trên là nhờ Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh du lịch.
Nhằm thúc đẩy du lịch Tiền Giang phát triển lên tầm cao mới, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 5-4-2017 về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của nghị quyết này là tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang.
Theo Nghị quyết số 11, Tiền Giang đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỉnh đón khoảng 2,2 triệu lượt khách (tăng bình quân từ 8 đến 10%), trong đó, có hơn 900 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 7,3 nghìn tỷ đồng (tăng bình quân khoảng 10%); có ít nhất 290 cơ sở lưu trú, với 7,2 nghìn phòng; có ít nhất 34,8 nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có khoảng 7.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2030, toàn tỉnh đón hơn 4,74 triệu lượt khách, trong đó, có khoảng 1,988 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Để hiện thực hóa các chỉ tiêu này, địa phương đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng và các thiết chế phục vụ du lịch theo hướng xã hội hóa đồng thời có giải pháp hữu hiệu phát triển du lịch, giúp bạn bè trong nước và quốc tế hiểu thêm về đất và người Tiền Giang hồn hậu, mến khách và chân tình, cởi mở.
Du lịch sinh thái là ưu thế của tỉnh Tiền Giang.
Liên kết để đa dạng hóa tua du lịch
Trước đây, hoạt động du lịch của Tiền Giang chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm tỉnh với các điểm du lịch nổi tiếng đã được khẳng định: cù lao Thới Sơn, trại rắn Đồng Tâm, chùa Vĩnh Tràng… nằm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho thì ngày nay, các tua, tuyến du lịch mở rộng sang các địa bàn lân cận như: huyện Cai Lậy và Cái Bè nằm trong vùng ngập lũ phía tây, huyện Tân Phước trong vùng Đồng Tháp Mười, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông ở duyên hải phía đông.
Liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh cũng là một nét mới mở ra cơ hội phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Tiền Giang. Hiện nay, Khu du lịch Cái Bè và Khu du lịch Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) kết nối du lịch trong tỉnh với các tua tuyến du lịch ngoài tỉnh khá hiệu quả. Cụ thể, Khu du lịch Cái Bè (huyện Cái Bè) thực hiện liên kết phát triển du lịch với các doanh nghiệp khai thác tuyến du lịch Cái Bè – cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) – cù lao Bình Hòa Phước (Vĩnh Long), đồng thời kết nối tuyến du lịch đường sông Mê Công đến các tỉnh An Giang, Cần Thơ, qua nước bạn Cam-pu-chia và ngược lại.
Tại Khu du lịch Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), các doanh nghiệp lữ hành liên kết với nhiều hộ dân tại địa phương hình thành các điểm du lịch sinh thái miệt vườn phục vụ du khách trong và ngoài nước như: Thới Sơn 1, Thới Sơn 3, Thới Sơn 4, Thới Sơn 5,… kết nối với các hộ dân kinh doanh du lịch sinh thái ở cồn Phụng, cồn Qui (tỉnh Bến Tre), góp phần hình thành nên tuyến du lịch cộng đồng, thiết thực nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, tạo sức hấp dẫn cho du khách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương thông qua hoạt động dịch vụ du lịch.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, nằm trong mục tiêu liên kết khai thác tốt tiềm năng du lịch, tạo sức hấp dẫn du khách, Tiền Giang cũng vừa tổ chức đoàn Farmtrip nhằm khảo sát phát triển sản phẩm du lịch tại ba tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, đặt nền móng để du lịch Tiền Giang nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung phát triển sản phẩm du lịch mới, lạ, đầy hấp dẫn.
Còn hiện nay, tua du lịch tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng, tham quan các di tích lịch sử – văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe…được xem là đặc sản du lịch Tiền Giang với các điểm đến đã khẳng định trên bản đồ du lịch phía nam lâu nay: cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho); làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi và làng nghề truyền thống Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè); vườn cây ăn quả cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy); khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và Thiền viện Trúc lâm Chánh giác (huyện Tân Phước)… Gắn với các điểm đến đó còn phải kể đến các hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc miệt vườn sông nước: đờn ca tài tử, lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội làng cổ,… hết sức hấp dẫn và tạo nét đặc sắc riêng cho du lịch Tiền Giang. Nhờ vậy, du lịch Tiền Giang được chắp thêm đôi cánh mới, thị trường du lịch ngày càng mở rộng, lượng du khách trong nước và nước ngoài ngày càng tăng cao. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tỉnh Tiền Giang kỳ vọng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của du khách trong thời gian tới.