Dạy trẻ tự kỷ: Nghề cần sự nhẫn nại và yêu thương
Dạy trẻ tự kỷ: Nghề cần sự nhẫn nại và yêu thương
Nghề giáo viên dạy trẻ tự kỷ gần đây đã được xã hội biết đến nhiều hơn do số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng tăng qua từng năm. Đây là công việc còn nhiều khó khăn, vất vả mà chỉ những người trong nghề, hoặc phụ huynh có con nhỏ mắc chứng tự kỷ mới có thể hiểu rõ.
Lớp học kỹ năng sống tại Trung tâm giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh.
Chúng tôi tìm đến Trung tâm giáo dục chuyên biệt Bầu Trời Xanh ở phố Thành Yên, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) để gặp gỡ những đứa trẻ “đặc biệt” và những cô giáo đang hàng ngày tận tụy với nghề. Ở đây, gần 100 trẻ là gần 100 tính cách khác nhau, mỗi đứa trẻ đều có một thế giới riêng đầy bí ẩn. Để tiếp xúc làm quen với trẻ tự kỷ đã khó, dạy trẻ làm theo ý mình lại càng khó hơn.
Do mỗi trẻ có một triệu chứng khác nhau đòi hỏi các giáo viên phải nắm rõ tình hình của từng em, dùng những phương pháp riêng biệt để các em có thể đạt tiến bộ nhanh nhất. Tất cả phụ thuộc vào độ nhạy bén, linh hoạt của người dạy. Chia sẻ về công việc của mình, chị Yến, giáo viên tại trung tâm cho biết: “Tại đây, các cô chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích hành vi ứng dụng (ABA) để can thiệp điều trị hành vi của trẻ. Ngoài ra, mỗi một trẻ là một thể riêng biệt, do đó sẽ có giáo án khác nhau cho từng bạn”.
Đối với trẻ tự kỷ, giáo viên phải dạy trẻ tất cả mọi thứ của những đứa trẻ bình thường khác, từ những động tác tưởng chừng đơn giản như thè lưỡi, liếm môi, thổi, nhai, chỉ tay bằng một ngón cho đến việc cầm, nắm đồ vật, thậm chí tập lăn, lộn, bò. Những phần khó hơn là dạy trẻ nghe lời, biết phân biệt màu sắc, chữ cái, hình ảnh… Để việc giảng dạy có hiệu quả, thay vì cố bắt trẻ theo một giáo án cố định đã chuẩn bị sẵn thì giáo viên phải linh loạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Đó là cách để cô bước vào thế giới riêng của trẻ, hiểu trẻ và cùng với trẻ chơi, học những kỹ năng xã hội hằng ngày.
Chăm sóc, giáo dục trẻ rối loạn tự kỷ không đơn giản như các trẻ em khác, các cô phải kiên trì, nhẫn nại và yêu thương trẻ hơn vì đa số trẻ đều gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực phát triển như ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, nhận thức, tự phục vụ… Chị Yến chia sẻ thêm: “Có những bạn khi mới tới trung tâm, không quen với môi trường nên quấy khóc, các cô phải bế ẵm cả tuần, hay cũng có những bạn thường xuyên la hét, nôn trớ vào người cô, không kiểm soát được hành vi, tự làm đau mình hoặc tấn công người khác… Khi đó đòi hỏi các cô phải gần gũi với trẻ, chơi cùng trẻ, hiểu được trẻ muốn gì và không muốn gì, sau đó mới có thể dạy được trẻ”.
Độ tuổi của các em dao động từ 18 tháng tuổi đến 15 tuổi.
Ngoài áp lực từ những học sinh chậm tiến bộ, từ phụ huynh học sinh, nhiều giáo viên cũng chịu sự phản đối từ chính gia đình của mình khi theo đuổi nghề này. Chị Chi, một giáo viên khác tại trung tâm tâm sự: “Đối với nhiều gia đình, do chủ quan, hoặc xấu hổ không dám đối diện với hội chứng của con cái mình nên không can thiệp điều trị cho trẻ sớm. Hoặc cũng có những gia đình phó mặc toàn bộ trách nhiệm, “trăm sự nhờ cô”, khiến các giáo viên khó khăn trong việc dạy dỗ trẻ”. Các giáo viên ở trung tâm luôn mong muốn bên cạnh sự nỗ lực của mình cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm con trẻ, phối hợp cùng với trung tâm để có phương pháp can thiệp sớm để giúp trẻ tiến bộ.
Chị Quách Thị Thao, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm có hơn 20 giáo viên trực tiếp giảng dạy cho gần 100 học sinh ở các độ tuổi khác nhau, từ 18 tháng tuổi đến 15 tuổi. Về chuyên môn, mỗi giáo viên đặc thù sẽ có chuyên môn khác nhau. Tuy nhiên, về tính chất công việc còn nhiều khó khăn và thử thách, để có thể gắn bó với nghề, giáo viên cần phải giữ cho mình nhiệt huyết, tận tâm với nghề.
Mặc dù còn nhiều vất vả nhưng động lực để các cô gắn bó với nghề là nhìn thấy học sinh của mình tiến bộ hơn từng ngày. Có thể chỉ đơn giản như hôm nay trẻ đã nhận biết được màu sắc, mùi vị hay biết lấy dép, lấy mũ, balô của mình và quay lại vẫy tay chào cô mỗi khi bố mẹ tới đón… Với các cô, dù yêu thương, gắn bó với trẻ là vậy, nhưng không hề mong muốn trẻ mãi phải ở lại đây, cũng như không hy vọng đến ngày sẽ đón trẻ trở lại trung tâm. Hạnh phúc lớn nhất chính là nhìn thấy các bé có thể “tốt nghiệp” trở về học tập và hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Thu Hoài