Dạy tiếng Việt ở nước ngoài: Tâm nguyện chắp cánh cho tiếng mẹ đẻ bay xa
Vừa qua, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo được khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Đại dịch khiến các khóa tập huấn thường niên không được tổ chức trực tiếp như thông lệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, với sự quyết tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), khóa học trực tuyến thu hút sự tham gia đông nhất từ trước đến nay với gần 400 giáo viên đăng ký.
Giáo viên kiều bào tại các nước tham dự khóa tập huấn trực tuyến. (Ảnh: An Bình)
Thách thức và tinh thần vượt khó
Thời gian qua, giữa muôn vàn khó khăn và thách thức tại nhiều địa bàn, những giáo viên kiều bào vẫn luôn tận tình và tâm huyết trong công tác giảng dạy tiếng Việt. Những giáo viên như cô Nguyễn Hà Chung ở Nhật Bản, thầy Nguyễn Trường Thi ở Thái Lan luôn cảm thấy tự hào được giữ vai trò gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Bởi vậy, họ vẫn luôn cầu thị trong việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để việc giảng dạy đạt hiệu quả tốt nhất.
Với cô Ngô Phẩm Trân ở Đài Loan (Trung Quốc) thì niềm tự hào lớn nhất lại là tiếng Việt ngày càng có vị thế quan trọng tại đây. Đặc biệt là từ năm 2017, môn tiếng Việt được đưa vào các trường học Đài Loan như một ngoại ngữ chính thức, thậm chí nhiều cơ quan, tổ chức còn mở những lớp tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên học tập.
Cùng với công việc giảng dạy, cô Trân còn là Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa – kinh tế – giáo dục Đài – Việt. Bởi vậy, cô thường xuyên mở các lớp học tiếng Việt miễn phí cho đối tượng là doanh nhân, người lao động tại các tập đoàn Đài Loan có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, con em kiều bào.
Là giáo viên tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Quốc gia Nhật Bản, cô Trần Thị Mỹ vui mừng cho biết, nhu cầu học tiếng Việt ở Nhật Bản ngày càng tăng. Gần đây, môn tiếng Việt tại trường luôn là một trong những môn học được đăng ký nhiều nhất. Thế nhưng, kthách thức lớn nhất là số giáo viên được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy tại Nhật còn rất hiếm.
Ở Hàn Quốc, cô giáo Vũ Thị Thái Linh đã có tám năm giảng dạy tại các công ty và trung tâm ngoại ngữ cho người nước ngoài và thế hệ con em gia đình Việt-Hàn. Cô nhận thấy nhu cầu học tiếng Việt lớn trong cộng đồng và người Hàn rất lớn nhưng giáo viên giảng dạy chủ yếu là “tay ngang”.
Đến từ Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, cô giáo Vũ Thị Thu Minh cũng cho rằng mặc dù giáo trình tiếng Việt hiện rất phong phú nhưng chủ yếu do người Hàn viết. Cũng do không có người hiệu đính nên nhiều giáo trình vẫn có lỗi sai về từ vựng, ngữ pháp và còn những khoảng trống về văn hóa Việt.
Có mối quan tâm chung về giáo trình, cô Nguyễn Thị Mai Lan ở Trung Quốc cũng mong có được bộ giáo trình giảng dạy tiếng Việt bài bản, thuần Việt được biên soạn riêng cho việc dạy ở nước ngoài. Bởi theo cô, việc đem áp dụng các giáo trình tiếng Việt ở quê nhà cho con em kiều bào ở nước ngoài cũng chưa phù hợp và khó tiếp cận so với môi trường đa văn hóa của các em.
Tại Nakhon Phanom (Thái Lan), phong trào tiếng Việt ngày càng phát triển mạnh mẽ với các dạy các lớp tiếng Việt đa dạng dành cho cộng đồng. Tuy nhiên, theo thầy Lê Quốc Vi, thời gian con em kiều bào học tiếng Việt hiện còn quá ít so với thời gian học tiếng Thái.
Vì vậy, để việc giảng dạy tiếng Việt hiệu quả và đi vào thực chất, thầy hy vọng với sự hợp tác của ngành giáo dục hai nước, tiếng Việt sẽ sớm trở thành một môn học chính thức tại các trường học tại Thái Lan để con em kiều bào được dạy học một cách bài bản (nghe, nói, đọc, viết) ngay từ bậc tiểu học.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó nhấn mạnh nội dung thứ 4:
“Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hoá. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Chắp cánh cho tiếng Việt
Có thể thấy, Nhà nước và Chính phủ ta luôn quan tâm đặc biệt đến việc gìn giữ và phát huy tiếng Việt. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho NVNONN” và Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho NVNONN” nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Đức Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên cho biết, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức khóa tập huấn cho giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài vào tháng Tám hằng năm tại Việt Nam hoặc tại nước sở tại nếu có nhu cầu.
Thực tế, từ năm 2013-2019, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia về Việt Nam tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng người Việt Nam ở các nước sở tại.
Tiếp tục tinh thần ấy, năm nay, khóa tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong thời gian từ 9/10-7/11, gồm hai lớp: Lớp học thứ nhất dành cho địa bàn châu Á – Australia và Lớp học thứ hai dành cho địa bàn châu Âu – Bắc Mỹ.
Là giảng viên đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS. TS Dương Tuấn Anh cho rằng, chính sự tham gia nhiệt tình và tâm huyết của các giáo viên kiều bào đã trở thành nguồn cổ vũ tích cực cho các giảng viên và Ban Tổ chức lớp học trực tuyến năm nay.
Ông chia sẻ: “Dù có nhiều khó khăn và thách thức ở các địa bàn khác nhau, nhưng tất cả học viên và giảng viên đều có chung tâm nguyện chắp cánh cho tiếng Việt đi xa hơn, đồng thời thêm yêu những giá trị văn hóa truyền thống được lắng trong từng con chữ giống như những trầm tích văn hóa. Cùng với việc trang bị về phương pháp và kiến thức văn hóa, chương trình mong muốn kết nối tình yêu với văn hóa dân tộc thông qua ngôn ngữ”.
Đại diện Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Su phạm Hà Nội trao đổi với các giáo viên kiều bào về các biện pháp thúc đẩy dạy tiếng Việt trong tình hình mới. (Ảnh: An Bình)
Quê hương luôn đồng hành
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.
Mới đây, tại Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh việc phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Trước những trăn trở của giáo viên về vấn đề giáo trình, TS. Lê Thị Thanh Tâm – Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), thông báo tin vui rằng, bộ giáo trình giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN (công trình của tập thể hơn 60 chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ), hiện đã biên soạn xong và đang trong quá trình nghiệm thu. Bên cạnh đó, các tài liệu quý khác cũng được biên soạn như giáo trình song ngữ cho trẻ em, sách hướng dẫn cho phụ huynh, sách tham khảo về văn hóa…
Nhận thức việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài là công việc đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo, PGS. TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá cao nỗ lực của các giáo viên kiều bào.
Theo bà Vũ Thị Tú Anh, để việc giảng dạy đạt hiệu quả cao, ở mỗi địa bàn, các giáo viên nên tạo thành nhóm để kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Mặt khác, để khắc phục khó khăn ở từng nước, các giáo viên có thể chủ động thông báo nhu cầu về quê nhà.
Bà Tú Anh cho biết: “Chúng tôi luôn đồng hành, sẵn sàng giới thiệu các giáo viên hoặc giới thiệu chuyên gia sang đào tạo theo nguồn hỗ trợ của Nhà nước hoặc kinh phí xã hội hóa”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị: “Bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ là sức mạnh, là tài sản vô hình của mỗi quốc gia. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Khai giảng trực tuyến Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào
Ngày 9/10, Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài đã được Ủy ban Nhà …
Bộ sách song ngữ tâm huyết của cô giáo dạy tiếng Việt ở Ukraine
Bốn năm là khoảng thời gian mà cô giáo Hà Thị Vân Anh miệt mài viết bộ sách tiếng Việt để dành tặng cho các …