Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch
Kêu gọi cộng đồng giúp người sản xuất tiêu thụ sản phẩm là việc không còn mới với nhiều người dân nước ta trong thời gian gần đây. Tận mắt chứng kiến bắp cải, cà chua, dưa hấu bị bỏ mặc ngoài đồng, không ai thu hoạch mới thấy xót xa. Trong khi đó, người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn còn hết sức khó khăn. Được mùa, mất giá vẫn luôn là nỗi lo của người làm nông nghiệp.
Lý giải về tình trạng này không ít chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản, nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở các nước đang phát triển lên đến 20 – 30%, nghĩa là chừng ấy tỷ lệ nông sản được sản xuất ra nhưng không đến được tay người tiêu dùng. Tại Việt Nam, tổn thất sau thu hoạch đối với cây có hạt là khoảng 10%, đối với cây có củ là 10 đến 20% và rau quả là 10 đến 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người sản xuất nông nghiệp không thể chuyển sang chế biến, bảo quản.
Vài năm gần đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có bước phát triển khá mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua các năm và tăng hơn 30% trong năm 2016. Tuy vậy, có đến 65% giá trị xuất khẩu rau quả nằm ở thị trường Trung Quốc. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, nếu vận chuyển qua đường biên giới thì chỉ cần ba đến năm ngày để giao hàng, nên các doanh nghiệp ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Đây cũng là lý do chính khiến xuất khẩu rau quả sang các thị trường khó tính mặc dù đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nghị (Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh), để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt, trong thời gian gần đây, vấn đề bảo quản nông sản sau thu hoạch được các nhà vườn, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Một số công trình nghiên cứu bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng đang cho những kết quả khả quan.
Mới đây, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu thành công màng bao gói biến đổi khí quyển (GreenMAP) giúp rau quả tươi lâu gấp ba lần bình thường mà không bị tác động của hóa chất. Công nghệ mới này sử dụng khá đơn giản, chi phí thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch đã giảm xuống chỉ còn 5%; đồng thời phù hợp cho mục đích chiếu xạ theo yêu cầu của một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Thụy Sĩ… Hiện, màng bao gói này đã được sử dụng ở vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); nho (Ninh Thuận); một số đơn vị sản xuất rau mầm, chuỗi cung ứng rau quả…
Dòng sản phẩm máy sấy nông sản cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu đưa vào ứng dụng rộng rãi. Đơn cử như máy sấy năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam; công nghệ sấy đảo chiều đa năng trong sấy nông sản của Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp (Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh)… đang được kỳ vọng là giải pháp quan trọng cho một nền nông nghiệp xanh.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP Hồ Chí Minh – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ, việc nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường sản xuất sản phẩm bảo quản nông sản là cách nhanh nhất để giảm tổn thất ở nông sản hiện nay. Bên cạnh đó, để cải thiện tình trạng áp dụng công nghệ vào khâu sau thu hoạch ở Việt Nam cần tăng cường thu hút nhân lực trẻ vào ngành nông nghiệp. Đào tạo cho họ kỹ năng vận hành công nghệ chính xác, phương pháp bảo quản nông sản ngay sau khi thu hoạch, cách thức làm lạnh, vận chuyển, nhất là cách thức bảo quản ở nơi tiêu thụ…