Dạy học là gì? Quá trình dạy học. Hoạt động dạy học là gì? Các phương thức dạy
2022-07-13 14:58:01
Dạy là gì? Học là gì? Dạy học là gì? Hoạt động dạy học là gì?
1. Dạy học là gì?
Dạy học là gì?, các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng: “Dạy học là toàn bộ các thao tác có mục đích nhằm chuyển các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được hoặc cộng đồng đã đạt được vào bên trong một con người”, một số khác dựa trên quan điểm phát triển, nhất là phát triển về khoa học và công nghệ cho rằng “Dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các bài toán thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học”.
Dạy học là hoạt động đặc trưng nhất, chủ yếu nhất của nhà trường, diễn ra theo một quá trình nhất định từ t0 đến tn gọi là quá trình dạy học (QTDH). Đó là một quá trình xã hội bao gồm và gắn liền với hoạt động dạy và hoạt động học trong đó học sinh tự giác, tích cực, chủ động, tự tổ chức, tự điều khiển và điều chỉnh hoạt động nhận thức của mình dưới sự điều khiển chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn của giáo viên nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ dạy học.
Quá trình dạy học là chuỗi liên tiếp các hành động dạy, hành động của người dạy và hành động của người học đan xen và tương tác với nhau trong khoảng không gian và thời gian nhất định, nhằm thực hiện các nhiệm vụ dạy học.
2. Các dấu hiệu của quá trình dạy học
- Dạy học là một dạng hoạt động đặc thù của xã hội, nhằm truyền thụ và lĩnh hội kinh nghiệm xã hội, trên cơ sở đó hình thành và phát triển nhân cách của người học. Đó là sự vận động của một hoạt động kép, trong đó diễn ra hai hoạt động có chức năng khác nhau, đan xen và tương tác lẫn nhau trong khoảng không gian và thời gian nhất định: hoạt động dạy và hoạt động học.
- Hoạt động học, chủ thể là người học, hướng vào đối tượng học, tiếp nhận và chuyển hóa nó, biến thành của riêng, qua đó phát triển chính bản thân mình.
- Hoạt động dạy, chủ thể là người dạy, hướng vào đối tượng dạy, làm cho nó trở thành đối tượng của sự điều khiển của mình. Vai trò và tính chất của hoạt động dạy cũng như vị thế của người dạy tuỳ thuộc vào việc hoạt động dạy có đối tượng là gì.
- Hoạt động dạy và hoạt động học đều phải được tiến hành trên bản thể của QTDH là nội dung dạy học (NDDH). NDDH là yếu tố khách quan, quyết định tiến trình và phương pháp của hoạt động dạy và hoạt động học.
- Kết quả của QTDH là làm biến đổi ở người học những đặc tính nào đó đã được xác định từ trước và tương ứng với NDDH. Nói cách khác, phải thực hiện được mục tiêu dạy học của chính QTDH đó.
- Một QTDH bất kì bao giờ cũng phải được tiến hành trong khoảng không gian, thời gian nhất định (một tiết dạy, một bài, một khóa đào tạo bồi dưỡng,…) và chịu sự chế ước bởi các điều kiện kinh tế – xã hội – văn hóa nhất định. Nói cách khác, QTDH phải là một quá trình học tập có kiểm soát và điều khiển được.
Tóm lại quá trình dạy học hình thành và phát triển nhân cách của người học. Đó là sự vận động của một hoạt động kép dạy và học đan xen và tương tác lẫn nhau trong khoảng không gian và thời gian nhất định. Kết quả của QTDH là làm biến đổi ở người học những đặc tính nào đó đã được xác định từ trước (xem hình sau)
Mục Lục
3. Hoạt động dạy học
Dạy học tiếp cận theo quan điểm hoạt động bao gồm hai hoạt động: hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh.
Hoạt động dạy
- Hoạt động dạy với vai trò chủ đạo của giáo viên là sự tổ chức, điều khiển tối ưu quá trình truyền đạt nội dung hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách khoa học cho học sinh tiếp thu (lĩnh hội). Hoạt động dạy do giáo viên làm chủ thể và tác động vào đối tượng là học sinh và hoạt động nhận thức của học sinh.
- Dạy học được hiểu là một hình thức đặc biệt của giáo dục (nghĩa rộng), xem như là một trường hợp riêng của nó (của giáo dục). Dạy học là con đường đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ biện chứng và phối hợp với các con đường, các hoạt động khác trong quá trình giáo dục để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục đặt
- Dạy học là một quá trình truyền thụ, tổ chức nhận thức kiến thức, kinh nghiệm xã hội và nghề nghiệp cho người học nhằm hình thành và phát triển nhân cách nói chung và nhân cách nghề nghiệp nói riêng. Dạy học bao hàm trong nó sự học và sự dạy gắn bó với nhau, trong đó sự dạy không chỉ là sự giảng dạy mà còn là sự tổ chức, chỉ đạo và điều khiển sự học.
- Dạy học là một mặt của quá trình dạy và học do người giáo viên thực hiện theo nội dung, chương trình đào tạo đã định nhằm giúp người học đạt được các mục tiêu học tập theo từng bài học hoặc toàn khóa đào tạo. Hoạt động dạy học không chỉ hướng đến yêu cầu truyền thụ kiến thức, hình thành kĩ năng, kĩ xảo và thái độ nghề nghiệp đúng đắn ở người học mà còn góp phần phát triển tính tích cực và tổ chức các hoạt động học tập của học viên.
- Dạy là hoạt động của giáo viên, không chỉ là hoạt động truyền thụ cho học sinh những nội dung đáp ứng được các mục tiêu đề ra, mà còn hơn nữa là hoạt động giúp đỡ chỉ đạo và hướng dẫn học sinh trong quá trình lĩnh hội. Chỉ khi nào nắm bắt được các điều kiện bên trong (hiểu biết, năng lực, hứng thú,…) của học sinh thì giáo viên mới đưa ra được những tác động sư phạm phù hợp để hoạt động học đạt được kết quả mong muốn.
Hoạt động học
- Hoạt động học với vai trò chủ động của học sinh là sự tự điều khiển tối ưu quá trình tiếp thu (lĩnh hội) một cách tự giác, tích cực, tự lực nội dung hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo mà giáo viên truyền đạt nhằm phát triển và hình thành nhân cách học sinh. Hoạt động học do học sinh làm chủ thể và tác động vào đối tượng là nội dung kiến thức mới chứa đựng trong tài liệu học tập.
- Học, theo nghĩa rộng nhất, được hiểu là quá trình cơ bản của sự phát triển nhân cách trong hoạt động của con người, là sự lĩnh hội những “sức mạnh bản chất người” đã được đối tượng hóa trong các sản phẩm của hoạt động con người. Đó là hoạt động phản ánh những mặt nhất định của hiện thực khách quan vào ý thức người học. Tuy nhiên nó chủ yếu hướng người học vào lĩnh hội những chân lí đã được loài người phát hiện nhưng chúng lại là mới đối với họ.
- Hoạt động học là một hoạt động nhận thức độc đáo của người học, thông qua đó người học chủ yếu thay đổi chính bản thân mình và ngày càng có năng lực hơn trong hoạt động tích cực nhận thức và cải biến hiện thực khách quan.
Hoạt động dạy học gồm hai mặt của quá trình đó là dạy và học luôn đi kèm biện chứng với nhau. Hoạt động dạy – học có các đặc trưng sau đây:
- Thể hiện vai trò chủ đạo của giáo viên
- Là một hoạt động có mục đích rõ ràng
- Có nội dung, chương trình kế hoạch cụ thể
- Diễn ra trong một môi trường nhất định (lớp học, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm)
- Sử dụng các phương tiện đa dạng (ngôn ngữ, thiết bị, tài liệu)
- Đa dạng về hoạt động: nhận thức, trí tuệ, vận động, thao tác, …
- Kết quả hoạt động dạy được đánh giá thông qua kết quả hoạt động học tập.
Mối quan hệ giữa hoạt động dạy và hoạt động học trong quá trình dạy học
Qua phân tích quan niệm trên, ta thấy hoạt động dạy do giáo viên làm chủ thể có hai chức năng là truyền đạt thông tin và điều khiển quá trình nhận thức cho học sinh; còn hoạt động học do học sinh làm chủ thể có hai chức năng là lĩnh hội thông tin và tự điều khiển quá trình nhận thức của mình. Sự tương tác của các chức năng này làm cho hoạt động dạy và hoạt động học có mối quan hệ tác động biện chứng trong một hệ toàn vẹn, thống nhất và làm xuất hiện khái niệm dạy học: Dạy học là quá trình cộng tác giữa thầy và trò luôn tác động qua lại, bổ sung cho nhau để truyền đạt – điều khiển và lĩnh hội- tự điều khiển tri thức nhằm tạo cho người học khả năng phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách.
4. Nhiệm vụ của quá trình dạy học
Giáo dưỡng học sinh
Làm cho HS nắm vững hệ thống tri thức văn hóa, khoa học kỹ thuật, kỹ năng kỹ xảo lao động nghề nghiệp (người ta còn gọi là nhiệm vụ dạy nghề)
Chức năng giáo dưỡng bao gồm việc tiếp thu các tri thức khoa học, hình thành các kỹ năng, kỹ xảo chuyên môn nghề nghiệp.
Tri thức khoa học bao gồm các sự kiện, khái niệm, quy luật, lý thuyết … liên quan đến nghề nghiệp. Các kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp bao gồm các kỹ năng, kỹ xảo đặc thù của nghề tương ứng. Kết quả của giáo dưỡng là tạo ra các năng lực hoạt động nghề nghiệp cho HS.
Giáo dục học sinh
Đồng thời với giáo dưỡng, QTDH còn thực hiện chức năng giáo dục, hình thành cho HS thế giới quan, quan điểm đạo đức, niềm tin, lòng mong muốn, hành vi ứng xử và hoạt động thích hợp trong xã hội…. Nghĩa là một tổng thể phẩm chất nhân cách tiêu biểu cho xã hội (người ta còn gọi là nhiệm vụ dạy làm người)
Thực hiện chức năng giáo dục bắt nguồn hữu cơ từ chính nội dung, phương pháp, phương tiện, nhưng đồng thời cũng từ sự giao tiếp, giao lưu giữa GV và HS.
Thực chất chức năng giáo dục của dạy học là chức năng làm cho quá trình dạy học mang tính mục tiêu và có tính giá trị của xã hội nhất định.
Phát triển học sinh
Dạy học là tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân như năng lực nhận thức và năng lực hành động, năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, năng lực tự học, tự thích ứng (người ta còn gọi là nhiệm vụ dạy phương pháp).
Nhiệm vụ phát triển sẽ có hữu hiệu hơn nếu có phương hướng rõ ràng lôi cuốn HS vào những loại hình hoạt động có tác dụng phát triển sự cảm thụ và lĩnh vực vận động trí tuệ, ý chí, cảm xúc, động cơ của cá nhân HS.
Cần nhấn mạnh rằng dạy học bao giờ cũng mang tính phát triển cá thể người học nhưng chúng ta chưa định hướng rõ rệt các phương pháp và nội dung dạy học theo hướng đó cho nên phạm vi những phẩm chất cần phát triển có phần nào bị thu hẹp. Với ý nghĩa đó, việc quá độ sang dạy học theo hướng phát triển có ý nghĩa là mở rộng phạm vi các ảnh hưởng phát triển, tăng cường các yếu tố sáng tạo trong hoạt động học tập.
Đặc điểm của nhiệm vụ phát triển là nó không tồn tại tự nó mà là kết quả của hai chức năng giáo dục và giáo dưỡng. Nhưng cường độ, mức độ đa dạng, chiều sâu của sự phát triển phụ thuộc vào giáo dưỡng và giáo dục.
Mối quan hệ giữa ba nhiệm vụ
Cả ba có mối quan hệ mật thiết với nhau: cái này đi trước cái kia, cái kia là hậu quả của cái này, nhưng đồng thời là điều kiện tích cực hóa nguyên nhân ban đầu. Hai nhiệm vụ giáo dưỡng và giáo dục hợp lại thành cơ sở cho nhiệm vụ phát triển.
Nhiệm vụ thứ ba đến lượt mình, sau đó tích cực hóa hai chức năng đầu. Bởi vậy cần xét đến tính biện chứng thống nhất của ba chức năng ấy khi tiếp cận đến mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau.
Ba nhiệm vụ cơ bản này được thực hiện bằng cách lên kế hoạch tổng thể các nhiệm vụ của bài dạy (giáo dưỡng, giáo dục, phát triển), rồi lựa chọn nội dung hoạt động của giáo viên và học sinh, kết hợp với các phương pháp, hình thức và phương tiện dạy học để giải quyết lần lượt các nhiệm vụ một cách thích hợp trong mỗi giai đoạn của bài học, cuối cùng kiểm tra, phân tích kết quả, đồng thời đánh giá tiến độ thực hiện ba chức năng trên.
5. Các phương thức dạy
Việc dạy có nhiều mức độ và phương thức khác nhau. Tuỳ theo nội dung kinh nghiệm được truyền thụ và cách thức truyền thụ những kinh nghiệm đó, ta có hai phương thức dạy phổ biến: Dạy kết hợp(dạy trao tay) và dạy theo phương thức nhà trường(dạy học).
Dạy kết hợp
Dạy kết hợp là phương thức đơn giản nhất để thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm của mình.
Người nông dân truyền lại cho con những kinh nghiệm sản xuất đã tích lũy được thông qua việc hướng dẫn trực tiếp các hoạt động thực tiễn ngay trên cánh đồng. Bác thợ cả truyền lại cho người học kinh nghiệm và kỹ năng lao động nghề nghiệp của mình ngay trên công trường, trong xưởng thủ công, ngay trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm.v.v…Người mẹ truyền lại cho con gái của mình kinh nghiệm may vá, nội trợ và cách ứng xử với các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội, thông qua hướng dẫn trực tiếp những việc tương ứng. Phương thức truyền thụ như vậy được gọi là phương thức dạy kết hợp.
Dạy kết hợp là sự truyền thụ những kinh nghiệm cá nhân, thông qua việc hướng dẫn trực tiếp người học thực hiện các hoạt động thực tiễn. .
Đặc trưng của dạy kết hợp là người dạy truyền lại kinh nghiệm cho người học một cách trực tiếp theo kiểu cầm tay chỉ việc thông qua hướng dẫn một hoạt động cụ thể. Vì vậy, dạy kết hợp còn gọi là dạy trao tay.
Ưu điểm của phương thức dạy kết hợp là người dạy truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm của chính mình. Trong các trường hợp trên, kinh nghiệm của người nông dân, của bà mẹ là những trải nghiệm cá nhân mà họ thu được qua thực tiễn lao động sản xuất và ứng xử xã hội. Vì vậy, những kinh nghiệm này thường rất sâu sắc. Tuy nhiên, do chưa được thực nghiệm và khái quát hóa khoa học nên chúng chưa trở thành tri thức phổ biến.
Các thuật ngữ kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm cá nhân cần được hiểu theo các góc độ khác. Theo tính chất và mức độ khoa học thì kinh nghiệm cá nhân cũng là kinh nghiệm xã hội (với tư cách là kinh nghiệm của các thành viên trong xã hội). Tuy nhiên đây là kinh nghiệm của từng cá nhân. Chúng được hình thành qua thực tiễn hoạt động và ứng xử của cá nhân đó. Những kinh nghiệm này chưa được khái quát trở thành chân lý khoa học. Còn kinh nghiệm xã hội là kinh nghiệm của toàn xã hội, được hình thành bằng con đường nghiên cứu khoa học. Chúng có tính chân thực, ổn định, phổ biến và khái quát hơn nhiều so với kinh nghiệm cá nhân. Theo phương diện quá trình xã hội hóa thì kinh nghiệm cá nhân là những kinh nghiệm chung của xã hội (Ở bên ngoài cá nhân) được cá nhân tiếp nhận và chuyển hóa thành kinh nghiệm của riêng mình.
Một lợi thế khác của dạy kết hợp là tính linh hoạt của phương thức dạy. Nó có thể được thực hiện ở mọi lúc mọi nơi: trên cánh đồng, trong xưởng thủ công, trong bếp, ngoài chợ, trong bữa ăn, lúc sinh viên chuyện hay trong lễ hội .v.v…mà không đòi hỏi phải có phương pháp và phương tiện chuyên biệt. Vì vậy dạy trao tay là phương thức tất yếu để xã hội duy trì sự tồn tại của mình qua các thế hệ.
Dạy theo phương thức nhà trường (hoạt động dạy)
Thông qua dạy trao tay, các thế hệ trước có thể truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm của mình để tồn tại. Tuy nhiên, xã hội không chỉ tồn tại mà còn phát triển. Muốn vậy, phải chinh phục tự nhiên và chinh phục chính bản thân mình. Từ đó xuất hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, mà sản phẩm là các tri thức khoa học, được hình thành bởi hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm và khái quát khoa học. Đây là những tri thức có bản chất khác với kinh nghiệm thu được qua trải nghiệm cá nhân. Đồng thời chúng có tính phổ biến và khái quát cao.
Việc truyền thụ những tri thức này không thể bằng phương thức trao tay mà phải được thực hiện theo quy trình có tổ chức khoa học, được tiến hành bởi một hoạt động chuyên biệt: Hoạt động dạy. Đó là hoạt động có mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện xác định.
Về phía người học, cũng phải tiến hành hoạt động chuyên biệt: Hoạt động học. Hai hoạt động này đan xen và gắn bó hữu cơ với nhau, tạo thành hoạt động dạy học. Việc truyền thụ theo phương thức này được gọi là phương thức nhà trường.
Để giúp con phân biệt giữa nước và rượu, người cha có thể dạy con bằng cách ngửi hoặc uống thử, điều này đã có trong kinh nghiệm của ông. Tuy nhiên, ông không thể dạy con các thành phần và công thức hóa học của chúng. Vì vậy đối với các loại hóa chất, cách dạy của người cha không đáp ứng được. Ở đây cần có phương thức dạy đặc thù của nhà trường.
Dạy học theo phương thức nhà trường là sự truyền thụ những tri thức khoa học, những kỹ năng và phương pháp hành động, thông qua hoạt động chuyên biệt của xã hội: Hoạt động dạy. Có thể gọi vắn tắt, dạy và học theo phương thức nhà trường là hoạt động dạy học. Đây là phương thức chủ yếu để cá nhân và xã hội phát triển, đặc biệt là các xã hội hiện đại.
Theo cách phân loại trên, việc dạy ở mức độ thấp có thể diễn ra ở cả người và động vật, còn hoạt động dạy học là mức độ cao và chỉ có ở xã hội loài người.
Trong điều kiện tự nhiên, nhiều loài động vật cũng dạy con các hành vi bắt mồi hay tự vệ. Chẳng hạn, con mèo mẹ dạy con cách bắt chuột. Tuy nhiên ở động vật không có hoạt động dạy có tính chuyên biệt.
Sự khác biệt giữa dạy trao tay và dạy theo phương thức nhà trường chủ yếu diễn ra ở nội dung kinh nghiệm được truyền thụ và phương thức truyền thụ. Một bên (dạy trao tay) là những kinh nghiệm cá nhân riêng lẻ, những trải nghiệm thực tiễn, một bên (nhà trường) là tri thức khoa học (cần nhấn mạnh, phương thức nhà trường chỉ dạy tri thức khoa học – không dạy tri thức kinh nghiệm). Trong dạy trao tay, việc dạy và học được thực hiện kết hợp với hoạt động thực tiễn, thông qua hoạt động thực tiễn, còn dạy theo phương thức nhà trường được thực hiện bởi các hoạt động dạy và hoạt động học. Hai hoạt động này tương tác hữu cơ với nhau, góp phần tạo nên bản chất của quá trình dạy học.
Vai trò và quan hệ giữa hoạt động thực tiễn với dạy trao tay và dạy học theo phương thức nhà trường rất khác nhau. Cả dạy trao tay va dạy học theo phương thức nhà trường đều cần có hoạt động thực tiễn, nhưng trong dạy trao tay hoạt động thực tiễn là bản thể, việc dạy chỉ là phương tiện. Còn trong dạy học theo phương thức nhà trường, hoạt động dạy và hoạt động học là bản thể, còn hoạt động thực tiễn là phương tiện để đạt mục đích dạy học.
Hy vọng bài viết Dạy học là gì? Hoạt động dạy học là gì? Các phương thức dạy giúp bạn hiểu hơn về Dạy và Học. Mọi thông tin chỉ giúp bạn tham khảo.
MMin