Dạy Yoga có thực sự hái ra tiền?
Một giờ dạy Yoga của cô Thủy.
Dạy Yoga đến mức quên ăn, quên ngủ có lúc kiệt sức
Một ngày làm việc của chị Lê Thị Thủy (29 tuổi, Thanh Hóa) bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Dù bắt đầu dạy Yoga vào 5 giờ sáng nhưng bao giờ chị cũng phải dạy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị đồ đạc, di chuyển tới địa điểm dạy. Có những phòng tập cách nhà ở đến 17km nên dù sáng sớm không kẹt xe chị cũng phải mất 30 phút di chuyển trên đường. Có ngày thì dạy ca tối, tới 22-23 giờ đêm mới về tới nhà.
Mới nghe kể thì có vẻ giáo viên Yoga là nghề hấp dẫn: Được làm tự do; thu nhập khá cao; vừa có tiền lại vừa được đẹp (vì tập nhiều – PV). Nghe là vậy nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy.
Chị Thủy chia sẻ: “Có những thời điểm số ca tăng cao, lịch dạy Yoga đan xen chiếm gần trọn cả ngày khiến mình rất căng thẳng, khá mệt mỏi”. Mặc dù phải đầu tư rất nhiều tâm sức, thời gian, cũng như sức khỏe nhưng mức lương trung bình của những cô giáo như chị Thủy cũng chỉ khoảng 15-17 triệu đồng/tháng.
Cô Thủy trong một buổi tập luyện hướng dẫn học sinh tập Yoga tại Hà Nội. Ảnh: NVCC
Thường lịch dạy phụ thuộc nhiều vào khách hàng, vì thế cứ khi nào khách hàng rảnh thì chị phải làm việc. Giờ làm việc chẳng kể, sáng – trưa- chiều – tối. Vì thế, nhiều khi chị cũng đối diện với những thời điểm bị rối loạn giấc ngủ, mắt thâm quầng.
Chị Vương Như Hồ, 34 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) là giáo viên dạy Yoga đã được 7 năm. Chị Hồ nói, trước đây chị học đại học chuyên ngành kế toán. Tốt nghiệp ra trường đi làm đc 3-4 năm thấy công việc căng thẳng, mệt mỏi chị xin nghỉ việc. Sau khi tìm thấy niềm vui từ Yoga chị đăng ký học lớp giảng viên sau đó về đi dạy luôn.
“Thời gian đầu mọi thứ có vẻ khó khăn. Từ việc giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn, cơ thể mình chưa làm quen được với việc thức khuya, dậy sớm nên rất mệt”, chị Hồ chia sẻ.
“Hiện nay các trường trung cấp cao đẳng và cả đại học chưa đưa vào đào tạo giáo viên dạy Yoga. Theo tôi được biết chỉ có một số trung tâm có liên kết với Liên đoàn Yoga Việt Nam để đào tạo giáo viên dạy Yoga trong nước”.
Ông Dương Đức Lân – Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Công tác xã hội Việt Nam
Giờ thì khác, dù đã chủ động được thời gian, nhưng có những quãng thời gian chị cũng vô tình bị đẩy vào thế phải “tăng tốc”. Chị Hồ kể: Có ngày chị phải dạy tới 9 ca. 9 ca có nghĩa là phải dạy tới 9 giờ đồng hồ. Dù thời gian dạy không liên tục nhưng thời gian phải di chuyển liên tục, nhất là vào thời điểm Hà Nội vào hè nắng nóng thì rất mệt.
“Có tháng thu nhập của em đã đạt 50 triệu đồng, nhưng đợt đó em kiệt sức, người mệt rã rời phải 2 tuần sau mới hồi phục sức khỏe và đi dạy lại được. Giờ nghĩ lại vẫn sợ, không dám nhận nhiều lớp, làm quá sức nữa”, chị Hồ chia sẻ.
Để có thể trở thành giáo viên dạy Yoga, người học phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài, kiên trì. Ảnh: NVCC
Không giống như chị Thủy hay chị Hồ, một số giáo viên dạy Yoga khác chỉ xem đây như là công việc tay trái. Thế nhưng, thu nhập cũng khá thấp chỉ đủ tiền cà phê, chè cháo.
Chị Võ Xuân Trang (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một giáo viên dạy Yoga kiêm nhiệm. Chị cho biết, trước đây học nghề xong tính bỏ làm nhân viên văn phòng về dạy Yoga luôn nhưng dạy thử thời gian thấy công việc vất vả, không ăn thua nên giờ chỉ dạy cho các chị em ở chung cư. “Mình dạy cho vui vì đằng nào cũng phải đi tập. Vừa dạy vừa tập nên thu nhập không đáng kể, chỉ đủ tiền mua mỹ phẩm”.
Vì là tay trái nên bản thân chị Trang cũng không thiết tha đi học tăng cường hay nâng cao tay nghề. Gọi là có sao dạy thế, các bài tập cũng ít đa dạng.
“Mọi người cứ bảo ‘nghề tay trái hái ra tiền’ nhưng làm gì có. Thu nhập tháng 3-4 triệu đồng thì làm gì đủ sống mà bảo hái ra tiền hay ăn chơi gì”, chị Trang vui vẻ chia sẻ.
Thu nhập của giáo viên dạy Yoga cao nhưng công việc bấp bênh
Nghe có vẻ nghề “hot” nhưng thực chất có tìm hiểu sâu công việc của những giáo viên dạy Yoga mới thấy công việc không dễ “ăn” như vậy.
Thông thường, một giờ dạy của giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm, tiền công chỉ vào khoảng 100-150 nghìn đồng. Với giáo viên có thâm niên, có trình độ cao thì mức tiền công vào khoảng 300-350.000 đồng/1 ca/1 giờ. Lương thấp, nhưng nhiều trung tâm còn đổi giáo viên liên tục vì theo người quản lý “Giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm, dạy không đạt yêu cầu”.
Vì vậy, cơ hội việc làm cho giáo viên mới thường rất thấp. Đó là chưa kể tới việc giáo viên mới, chưa có thâm niên cũng thường bị xếp lịch dạy vào những khung giờ khó nhất. Ví dụ dạy sáng sớm từ lúc 4-5 giờ sáng hoặc tối muộn… vì thế không phải ai được đào tạo ra làm giáo viên dạy Yoga cũng có thể gắn bó với nghề.
Giáo viên dạy Yoga có thâm niên và kỹ thuật tốt thường được mức tiền công từ 300-500 nghìn đồng/ca/1 giờ. Ảnh: NVCC
Chị Nguyễn Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) từng là giáo viên dạy Yoga cho biết, cách đây khoảng 7-8 năm, nghề giáo viên dạy Yoga đang rất hot. Lúc đó giáo viên ít, nên tiền công dạy cũng cao. Giờ thì lượng giáo viên cũng bão hòa vì thế nhu cầu thuê tuyển giáo viên không cao.
Sau 3 năm đầu tư học hành để có thể đứng lớp, mất tới 30-40 triệu đồng, chị Lan Anh quyết tâm bỏ nghề vì thấy thu nhập bấp bênh, công việc vất vả.
“Lúc cao điểm mỗi tháng đi dạy Yoga tôi có thể kiếm được 20-30 triệu đồng. Cách đây gần chục năm 20-30 triệu đồng là cao lắm chứ. Thế nhưng cũng chỉ được 2-3 năm, dần dần nhu cầu thấp hơn, công việc bấp bênh, tháng dạy full, tháng lèo tèo vài lớp nên tôi bỏ”, chị Lan Anh kể.
Theo tâm sự của những thầy cô dạy Yoga, giáo viên dạy Yoga muốn có thu nhập tốt ngoài việc có kinh nghiệm và chuyên môn cao ra thì cần phải chăm chỉ, chịu khó.
Như cô Thủy, 1 ngày chạy xe tới 30-40km là chuyện bình thường. Chưa kể phải thức khuya, dậy rất sớm. Lịch làm việc thay đổi liên tục, không có thời gian cho gia đình, con cái…
“Điều mà em mong muốn là nghề dạy Yoga có thể được chính quy như một số nghề khác. Giáo viên có nơi làm việc ổn định, không phải nay đây mai đó, được đóng BHXH. Các trường Cao đẳng, trung cấp nghề mở ngành đào tạo chính quy để những giáo viên có nhu cầu được đào tạo bài bản, gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm”, chị Vương Thị Hồ tâm sự.