Dạy Ngoại ngữ, Tin học bắt buộc từ lớp 3: Miền xuôi sẵn sàng, miền ngược còn nhiều âu lo

Phóng viên

– 28/03/2022 | 6:00 (GTM + 7)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nếu như ở các đô thị đã sớm làm quen với những môn Tiếng Anh và Tin Học, thì ở vùng sâu – vùng xa, các trường vẫn còn nhiều nỗi lo về cả trang thiết bị và đội ngũ giáo viên

Anh Bùi Văn Cọn, ở xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình có con đang học lớp 3. Dù cơ sở vật chất của trường còn nhiều hạn chế, nhưng các cháu đã được làm quen với Tiếng Anh, Tin học, và anh Cọn rất ủng hộ việc sớm phổ cập những môn học này:

 

“Ở đây chủ yếu là con em dân tộc, để đỡ tụt hậu so với các địa phương khác thì mình nghĩ càng sớm càng tốt. Nếu được quan tâm đầu tư hơn nữa về máy móc thì tốt, ví dụ như phòng Tin học. Thứ hai là thầy cô giáo, ở đây thu hút theo Chương trình 135, một thời gian các thầy cô đến rồi lại chuyển đi, rất khó để ổn định”.

Thiếu hụt cả về cơ sở vật chất lẫn nhân lực giảng dạy là thực trạng phổ biến ở các xã miền núi. Ông Đinh Trọng Đoàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, học sinh ở trường chủ yếu là đồng bào dân tộc, còn khó khăn về kinh tế.

Nhà trường đã triển khai dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 từ năm 2018, chương trình tự chọn 2 tiết/tuần. Cấp tiểu học mới chỉ có 3 máy tính trong tổng số 15 lớp. Trường đã xây dựng kế hoạch cho năm học tới, báo cáo Phòng và Sở GD-ĐT, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ thiết bị học tập:

 

“Môn Ngoại ngữ chúng tôi đã có 1 giáo viên dạy, Tin học thì tăng cường thầy ở cấp 2 sang cấp 1. Chúng tôi chưa có phòng nào chuyên dạy những môn này, thì cũng mong muốn được cấp một số thiết bị, ít nhất 20 máy tính dành cho môn Tin, các thiết bị nghe nhìn cho môn Tiếng Anh, có thể là máy chiếu hoặc TV hiện đại. Nếu không có thì đa số phải học “chay” tại các lớp học, cần thực hành thì chúng tôi điều động sang cấp THCS để học nhờ”.

Tại các địa phương vùng biên giới phía Nam, cả thầy và trò cũng sẽ phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thiếu thốn tương tự. Ông Lý Thanh Bình, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, Huyện và Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư để các trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất:

 

“Những năm gần đây có học Tiếng Anh, Tin học từ khối lớp 3 rồi, cho nên tới đây triển khai chương trình mới, bắt buộc thì không có ảnh hưởng gì lắm. Các phòng máy thì các trường đều có hết, dăm ba năm nó xuống cấp thì mình sửa chữa, bổ sung thôi. Từ nay đến khi triển khai chương trình SKG mới cho lớp 3 thì cũng đang tập huấn cho đội ngũ. Hằng năm liên tục tuyển bổ sung cho những vị trí còn thiếu”.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh chia sẻ một khó khăn khác về nhân lực. Cụ thể, Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học là cử nhân, do đó, các trường cũng thêm phần khó trong công tác tuyển dụng:

 

“Phải có chính sách đặc thù thì mới thu hút được giáo viên. Mình cũng có ý kiến là những vùng đó xây dựng đề án hỗ trợ, chẳng hạn như phụ cấp hoặc có nhà công vụ. Trước mắt, mình phải bồi dưỡng cho giáo viên đang dạy, về dài lâu thì chúng ta phải đào tạo ở cấp đại học. Họp bên Đại học Đồng Nai mình cũng có nói là phải nghiên cứu chương trình phổ thông, xây dựng chương trình để đào tạo giáo viên sau này”.

Còn tại các đô thị lớn, các trường ở thành thị hay nông thôn đều đã sẵn sàng triển khai dạy Ngoại ngữ, Tin học bắt buộc từ lớp 3. Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết:

 

“Điều kiện học Ngoại ngữ thì như mọi năm, Tin học đang từng bước được hoàn thiện. Khi nào Bộ có danh mục thiết bị tối thiểu và định hướng chung thì Thành phố cũng như Huyện sẽ trang bị cho các cháu. Về đội ngũ thì bên mình có đủ giáo viên từ rất lâu rồi. Việc tập huấn được thực hiện theo lộ trình của Sở”.

Dù ngành giáo dục đã được quan tâm đầu tư trong những năm qua, song sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa miền xuôi với miền ngược vẫn còn rất lớn. Và theo ThS. giáo dục Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng Khoa Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, những chích sách ưu đãi đặc biệt sẽ giảm bớt sự chênh lệch này:

 

“Lực lượng thầy cô giáo dạy 2 môn này không thiếu, cái khó là làm thế nào để thu hút thầy cô lên vùng khó khăn đó. Chúng ta cần phải có những chính sách trước mắt, cho phép các trường được ký hợp đồng khi chưa tuyển được biên chế, hợp đồng lâu dài. Và cũng phải đảm bảo chế độ lương bổng phù hợp để họ có thể bám trường, bám lớp. Về lâu dài, các nhà quản lý ở những nơi khó khăn đó phải đề xuất cấp đủ biên chế”.

Giáo viên Ngoại ngữ, Tin học không chỉ cần đủ về số lượng mà phải đảm bảo đủ cả chất lượng, trình độ

Dạy Ngoại ngữ, Tin học bắt buộc từ lớp 3 trên toàn quốc từ năm học 2022-2023 là việc làm không thể trì hoãn để rút dần khoảng cách về điều kiện học tập giữa các vùng miền, đồng thời tạo ra thế hệ tương lai đủ sức hội nhập quốc tế.

Bên cạnh sự đầu tư trang thiết bị thì chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút giáo viên cần là giải pháp trọng tâm, giúp việc dạy và học thực sự hiệu quả chứ không chỉ mang tính hình thức.

Hãy đến với bài bình luận có nhan đề: Để Ngoại ngữ, Tin học là niềm vui thay vì bắt buộc

 

Ngoại ngữ và công nghệ thông tin là hai công cụ bắt buộc để thế hệ tương lai bước vào sân chơi toàn cầu. Vì vậy, việc phổ cập kiến thức càng sớm càng tốt sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ như: tư duy, khả năng giao tiếp, sự tự tin,… mà còn giúp đất nước sớm có thế hệ công dân toàn cầu và làm chủ công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, mục tiêu là một chuyện, còn thực hiện được đến đâu lại là chuyện khác. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là điều kiện bắt buộc, nhưng ở nông thôn hay miền núi, biên giới, hải đảo, cả hai đều khó được đáp ứng.

Sự khác biệt về điều kiện học tập của học sinh trong cùng một tỉnh thành, giữa thành thị với nông thôn, đã được nhìn thấy rõ trong thời gian học trực tuyến, chứ chưa nói đến vùng sâu, vùng xa, nhiều nơi còn thiếu trường lớp, chỗ ngồi không đủ, thì phòng máy tính quả là điều “xa xỉ”.

Cơ sở vật chất dẫu khó nhưng vẫn có thể sớm khắc phục. Vài chục bộ máy tính, bàn ghế cho một điểm trường chẳng phải là điều quá khó khăn với sự đầu tư của một tỉnh hay sự trợ giúp của các mạnh thường quân. Khó nhất là đội ngũ giáo viên ở các tỉnh miền núi thiếu trầm trọng, dù có ngân sách để mời thỉnh giảng thì cũng không có nguồn.

Không nhiều người sẵn sàng bỏ phố về rừng, rời xa người thân để đến một nơi thiếu thốn điều kiện vật chất, chứ chưa nói đến việc đồng lương có đủ sức hấp dẫn hay không.

Chính vì vậy, chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút thầy cô lên thôn bản là lời giải trước mắt cho “bài toán” khó về nhân sự. Chỉ khi hậu phương vững chắc thì các thầy cô mới có thể yên tâm công tác, bởi dạy học là nghề rất đặc biệt, cần sự hướng dẫn tâm huyết chứ không đơn giản là dạy kiến thức “bắt buộc” trong sách vở.

Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nhiều trẻ em các dân tộc thiểu số còn chưa thành thạo tiếng phổ thông; Ngoại ngữ và Tin học là những môn học đặc thù, không nhiều phụ huynh có thể theo kèm con cái, phải nhờ cậy hoàn toàn vào giáo viên; và môi trường mạng hiện nay đầy rẫy nội dung xấu, độc, lừa đảo.

Giáo viên Ngoại ngữ, Tin học không chỉ cần đủ về số lượng mà phải đảm bảo đủ cả chất lượng, trình độ. Ví dụ như môn Ngoại ngữ, giáo viên phải phát âm chuẩn, nếu ngay từ đầu học sinh phát âm sai thì sẽ ảnh hưởng lâu dài đến quá trình học tập sau này.

Việc tập huấn giáo viên cũng không thể trong “một sớm một chiều”, mà người dạy Ngoại ngữ phải được học bài bản, chuẩn mực mới dạy tốt cho học sinh phổ thông.

Do vậy, về lâu dài, việc đào tạo sinh viên sư phạm cho những môn học này cần được các tỉnh thành chú trọng, trong đó, cần ưu tiên phát triển đội ngũ giáo viên là người địa phương để không còn mòn mỏi trông chờ thầy cô đến từ nơi khác.

Chương trình giảng dạy cũng là một nội dung cần được các nhà quản lý cân nhắc và công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Đến thời điểm này, đa phần phụ huynh chưa biết con mình sẽ học gì trong SGK mới, vì thế, cần sớm công bố nội dung để dư luận có những phản biện kịp thời, tránh những “hạt sạn” từng có trong những bộ sách trước. Không chỉ có vậy, mỗi học sinh có điều kiện học tập khác nhau, có những trẻ sớm tiếp xúc với Tiếng Anh, Tin học.

Do đó, chương trình không thể “cào bằng”, những kiến thức có thể mới với vùng nông thôn, nhưng dạy lại với trẻ thành thị thì vừa lãng phí thời gian, vừa không đạt hiệu quả học tập.

Những chính sác đặc biệt để đầu tư cho giáo dục, cùng sự tâm huyết, trách nhiệm của những nhà quản lý, người đứng đầu địa phương sẽ giúp cho học sinh miền ngược không bị các bạn ở miền xuôi “bỏ xa” trên con đường “đến trường”.