Đấu vật – nét đẹp cổ truyền trong văn hóa Việt Nam

Mùa xuân đến, các trận đấu vật xuất hiện nhiều hơn trong các lễ hội. Xới vật tưng bừng, nhộn nhịp bởi các đô vật và khán giả đến cổ vũ. Đó là nét đẹp trong văn hóa cổ truyền vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay.

 

Đến hẹn lại lên, các đô vật lại xuất hiện ở các xới vật với trang phục đơn giản cùng nhiệt huyết căng tràn. Đấu vật truyền thống – trải qua biết bao đổi thay của cuộc sống, bao thăng trầm của lịch sử vẫn sống, vẫn phát triển bền vững. Nhìn hình ảnh của những đô vật trên xới, tiếng hò reo, tiếng trống vang, và ánh mắt theo dõi đến từng chi tiết, cũng đủ thấy được sức sống của nó trong thời đại ngày nay. 
 

Bức tranh dân gian “Đấu vật”

Đôi nét về đấu vật truyền thống
 

Vật là một bộ môn thể thao rất được ưa chuộng trong giới nông dân Việt Nam thời xưa. Những ngày đầu của mùa Xuân thuở thanh bình hay những buổi hội hè đình đám nơi thôn dã, dân làng thường tổ chức những cuộc vui như hát quan họ, thi nấu cơm, chọi trâu, đá gà, đánh đu, kéo co, bắùn nỏ, đánh gậy trung bình tiên, đấu vật, v.v… Nhất là đấu vật, mở hội ngày Xuân mà không có thi vật thì thật là thiếu thú vị của những ngày Tết. 
 

Vật là môn thể thao dân gian rất được ưa chuộng trong giới nông dân ngày xưa

 

Trống vật nổi lên là có sức thu hút mọi người, già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh đấu trường; người ta bình luận say sưa, chê khen rành rọt từng thế, từng miếng vật, từng keo vật từng tác phong của mỗi đô. Bộ môn vật, ngoài tính cách giải trí vui chơi, còn là một môn thể thao hữu ích, giúp thanh niên trong làng thêm cường tráng, thêm nghị lực, lòng dũng cảm, để giữ làng, giữ lúa và giữ nước. Đấu vật đã trở thành một tục lệ, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 
 

Đấu vật thường xuất hiện trong các mùa lễ hội hàng năm

 

Bức tranh dân gian Du Xuân Đồ đã miêu tả sống động cảnh tượng sinh hoạt văn nghệ, thể thao của nhân dân Việt Nam xưa vào dịp đầu Xuân với lời thơ chú thích:  
 

Thái bình mở hội xuân,  

Nô nức quyết xa gần,  

Nhạc dâng ca trong điện,  

Trò thưởng vật ngoài sân  

Ca dao vùng Sơn Nam có câu:  

Ba năm chúa mở khoa thi  

Đệ nhất thi vật, đệ nhì thi bơi,  

Đệ tứ thi đánh cờ người,  

Phường Bông tứ xứ mồng Mười tháng Ba.
 

Ngay từ thời xa xưa, khi mới có của bộ môn này tại nước ta, vật đã được coi là một phương pháp dùng để luyện sức, đo tài, chọn người ra giúp dân giúp nước. Điều đó đã thể hiện ngay trong kỹ thuật, phong cách và lối chơi. 
 

Ngày xưa đây được xem là một phương pháp rèn sức, đo tài 

 

Quanh năm, cứ xong việc đồng áng, được lúc nào rảnh rỗi, trai tráng trong làng thường rủ nhau tập dượt võ thuật hay vật, họ chỉ bào lẫn nhau, ai có miếng võ nào hay, ngón vật nào độc đáo thì lại truyền dậy cho anh em cùng tập. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nếu trong làng có ông thày võ, họ đến tụ tập tại nhà ông thày để luyện tập thêm; làng nào không có thì cử người đi đón thày ở lò võ, lò vật các làng lân cận về để dạy. 
 

Đấu vật ngày xưa như một thói quen của người dân mỗi mùa Tết đến xuân về, người ta xem nó như một điểm hò hẹn, một trò chơi để vui vẻ trong những ngày rảnh rỗi mùa xuân. 
 

Đấu vật thể hiện tinh thần thể thao của người dân xưa

 

Trang phục của các đô vật khi luyện tập cũng như khi thi đấu vô cùng đơn giản. Chỉ có một cái khố với màu sắc khác nhau để phân biệt giữa người này với người khác. Không đai, không quần, không áo, nó khiến cho cuộc chơi được công bằng và thuận tiện hơn. 
 

Kỹ thuật và nghi lễ đấu vật
 

Đấu vật là môn võ dân gian, không cầu kỳ trong nghi lễ, nhưng chiến thuật và kỹ thuật chơi thì được đúc rút qua nhiều đời. Đến ngày nay, không phải ai cũng được học hết những chiến thuật trong đấu vật để có một trận đấu toàn thắng. 
 

Trước hết, các đô vật được tập cách luyện thể lực cho dai sứ, mạnh tay mạnh chân, cách đứng thủ thế nào cho vững chắc, cách “lồng tay tư”sao cho có ưu thế và những bộ pháp như cách di chuyển từng bước chân, khi tới, khi lui, khi bước ngang, bước xéo, xoay vòng,… Họ còn được tập luyện cách té ngã thế nào cho khỏi đập đầu xuống đất, khỏi gẫy tay, tập cách né tránh, thoát hiểm, “cầu vồng”, kể cả những nghi thức có tính cách tôn giáo dành riêng cho mỗi lò vật, như Múa Hoa, Xe Đài hay còn gọi là Ra Giàng, hoặc Múa Hạc,…
 

Chơi đấu vật cũng phải có chiến thuật

 

Đến xem một trận đấu vật, bạn có thể thấy được các đô vật trước khi bước vào trận đấu sẽ nhảy một điệu đặc trưng. Đó là nghi lễ đặc biệt của một trận đấu vật. Ra Giàng, Múa Hạc hay Xe Đài là một lễ nghi thành kính của các đô vật, và còn một hình thức khởi động của đô vật có mang tính dân tộc, vừa là cách trình diễn của đô vật với khán giả, tạo một không khí hào hứng lành mạnh trước khi vào cuộc đấu thực sự. 
 

Ngoài ra Ra Giàng, hai bên vờn nhau, còn đánh đòn tâm lý, gây cho đối phương tư tưởng hoang mang, giao động với những lối Ra Giàng hùng dũng, chân đứng hình con hạc, hay đứng theo kiểu con phượng nhích chân, con dang cất cánh hoặc con công múa xòe, cổ tay uốn lượn, ngón tay múa may mền dẻo, uốn éo, giống như những nghi thức tay Ấn tay Quyết của các thầy tế, pháp sư hay phù thủy.
 

Ra Giàng, hai bên vờn nhau, gây đòn tâm lí cho đối thủ

 

Để nói hết những điều thú vị của đấu vật, có lẽ sẽ phải tốn rất nhiều giấy mực. Người ta yêu đấu vật như yêu chính làng quê, đất nước mình vậy. Bởi nó cho con người ta được thư giãn, thảnh thơi, được vui cười trong không khí mùa xuân trong trẻo. Mùa xuân đến, muôn hoa đua nở, cờ lễ hội cắm khắp con đường dẫn vào làng, vào hội. Bao người đón chờ tiếng trống, đón chờ hình ảnh của các đô vật trên xới thi đấu, đón chờ người người nô nức đến xem, để thấy được mùa xuân thật sự đang về.