Đầu tư, phát triển chợ truyền thống: Những vấn đề pháp lý cần đặt ra

(LSVN) – Dù ở thời đại nào, chợ truyền thống vẫn luôn là mạch nguồn chính, đóng vai trò là mạng lưới chợ phân phối hàng hóa chủ yếu của người sản xuất và người tiêu dùng. Đây là mô hình đã có từ thời xa xưa và đến nay vẫn tồn tại và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của tất cả người dân. Theo thống kê, hiện nay cả nước hiện đang tồn tại trên 8.528 chợ truyền thống. Bài viết này nhằm tiếp cận vấn đề phát triển chợ truyền thống dưới góc độ pháp luật, để nhằm giữ được vị trí và vai trò của chợ truyền thống cần phải có một cơ sở hành lang pháp lý đồng bộ, quản lý và phát triển mô hình kinh tế vừa và nhỏ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong thời đại nền kinh tế phát triển như hiện nay, sự xuất hiện những mô hình bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích), các kênh thương mại điện tử (Shopee; Lazada,…) đang dần chiếm ưu thế, trở thành thói quen trong hoạt động mua bán, thương mại của người dân. Điều này đã ít nhiều tác động đến sự tồn tại và phát triển các khu chợ truyền thống, khi mà người dân đã dần có thói quen mua sắm theo mô hình mới, bởi sự tiện ích cũng như những ưu điểm nổi trội hơn so với mô hình chợ truyền thống cũ. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã có hướng chuyển dịch sự quan tâm và nguồn đầu tư sang phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Chính vì thế nhiều chợ truyền thống đã dần bị mất đi vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, rơi vào tình trạng xuống cấp, thiếu quy hoạch, nguồn vốn đầu tư…

Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, chợ truyền thống vẫn luôn là mạch nguồn chính, đóng vai trò là mạng lưới chợ phân phối hàng hóa chủ yếu của người sản xuất và người tiêu dùng. Đây là mô hình đã có từ thời xa xưa và đến nay vẫn tồn tại và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của tất cả người dân. Theo thống kê hiện nay cả nước hiện đang tồn tại trên 8.528 chợ truyền thống. Bài viết này nhằm tiếp cận vấn đề phát triển chợ truyền thống dưới góc độ pháp luật, để nhằm giữ được vị trí và vai trò của chợ truyền thống cần phải có một cơ sở hành lang pháp lý đồng bộ, quản lý và phát triển mô hình kinh tế vừa và nhỏ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Một số khái niệm về chợ truyền thống

Theo Đại Từ điển tiếng Việt thì  “Chợ” là nơi tụ họp giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hoá, thực phẩm hàng ngày theo từng buổi hoặc từng phiên nhất định (chợ phiên). Theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ: “Chợ là loại hình kinh doanh thương mại được hình thành và phát triển mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư”. Hiểu theo nghĩa đơn giản, chợ truyền thống hay còn được biết với cái tên chợ dân sinh, là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống, đồ dùng dân dụng quen thuộc cho nhiều thế hệ người Việt. Đây là một loại mô hình kinh doanh được phát triển dựa trên những hoạt động thương mại mang tính truyền thống, được tổ chức tại một điểm theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa – dịch vụ và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư. Yếu tố dân dã, tiện lợi, giá rẻ đã tạo nên nét đặc trưng riêng chỉ có ở chợ truyền thống Việt so với các Trung tâm thương mại, Siêu thị hiện đại.

Như vậy có thể hiểu, chợ truyền thống là loại hình kinh doanh thương mại được hình thành và phát triển mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm công cộng, tập trung đông người mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ với nhau, được hình thành do yêu cầu của sản xuất, lưu thông và đời sống tiêu dùng xã hội và hoạt động theo các chu kỳ thời gian nhất định.

Ý nghĩa của chợ truyền thống trong đời sống người dân

Theo bà Lê Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam, chợ truyền thống đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, điều đó được thể hiện qua một số yếu tố sau:

Nhà nước, thông qua mạng lưới phân phối hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, mở rộng phát triển thị trường giao lưu hàng hóa, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Đây là nơi tập kết các mặt hàng nông – lâm – thủy sản, nhu yếu phẩm để cung ứng cho các thị trường tiêu thụ lớn. Ngoài ra, chợ còn là nơi cung ứng hàng công nghiệp tiêu dùng, kim khí, điện dân dụng, vật tư, phân bón… phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển tại các đô thị hiện nay chính là sự xuất hiện của nhiều hình thức thương mại cạnh tranh trực tiếp với chợ. Do đó, một vấn đề đặt ra là cần phải nâng cấp, cải tạo các hệ thống chợ trên địa bàn, đầu tư vào cơ sở vật chất hạ tầng,… nâng tầm hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống để ngày càng văn minh hơn, đảm bảo an toàn và đáp ứng được quyền lợi của người dân.

Bà Lê Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam.

Thứ hai, về mặt xã hội, chợ giúp nâng cao ý thức về kinh tế hàng hóa của người dân nhất, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, chợ cũng như là một xã hội thu nhỏ, là nơi lưu thông hàng hóa, trao đổi các thông tin về giá cả, ý thức xã hội, làm tăng khả năng phản ứng của người dân với thị trường. Chợ luôn thu hút đông đảo đội ngũ lao động của mỗi địa phương, không tính đối tượng là lao động thời vụ, trên cả nước hiện có gần 2,5 triệu người kinh doanh và lao động ổn định tại chợ. Chợ chính là nơi giải quyết được vấn đề về việc làm cho rất nhiều người lao động thất nghiệp. Mặt khác, số lượng người lao động từ nhiều nơi đổ về làm việc tại các khu công nghiệp khiến nhu cầu mua bán qua chợ ngày càng tăng.

Thứ ba, về văn hóa, chợ cũng được coi là bộ mặt về kinh tế, xã hội của từng địa phương, phản ánh rõ tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và bản sắc văn hóa riêng của mỗi vùng, miền. Nhìn vào chợ, người ta có thể đánh giá chất lượng đời sống của nhân dân khu vực đó, đánh giá được sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng miền đó nhanh hay chậm, phong cách tiêu dùng của người dân vùng miền đó như thế nào. Như vậy, những yếu tố trên một lần nữa khẳng định chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế – xã hội của mỗi địa phương trong nhiều năm tới.

Nội dung phát triển chợ truyền thống

Phát triển về quy mô chợ truyền thống có thể hiểu là quá trình duy trì và mở rộng thêm quy mô hoạt động, phát triển của chợ truyền thống. Đây là quá trình nâng cấp, hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng của chợ truyền thống để thực hiện tốt hơn chức năng hoạt động thương mại. Phát triển về quy mô chợ được thực hiện thông qua việc huy động các nguồn lực như vốn, lao động, công nghệ và trình độ quản lý. Cụ thể, huy động vốn cho phát triển chợ truyền thống; Lao động cho chợ truyền thống; Công nghệ – tổ chức hoạt động thương mại khoa học…

Gia tăng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ phát triển chợ truyền thống còn bao hàm cả việc không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ. Hay nói cách khác, đây là quá trình cần tăng thêm số lượng các loại hình dịch vụ bằng việc loại bỏ các dịch vụ cũ, lỗi thời, hình thành dịch vụ mới, các ngành hàng, mặt hàng tại các chợ để tăng thêm sự phong phú, đa dạng, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Thực hiện hoạt động liên kết của chợ truyền thống là hoạt động của các chủ thể trong hệ thống cùng phối hợp với nhau, thực hiện một hoặc nhiều chức năng kế tiếp, bổ sung cho nhau trong cùng một chuỗi giá trị hàng hóa dịch vụ. Liên kết hoạt động của chợ truyền thống có thể diễn ra giữa các chủ thể của chợ truyền thống với các nhà cung cấp các dịch vụ bổ sung cho hoạt động của họ ví dụ như vận tải, kho bãi, tài chính, bảo hiểm…

Thành lập tổ quản lý, Ban Quản lý chợ thành đơn vị sự nghiệp để tự trang trải các chi phí hoạt động, trực tiếp quản lý điều hành các hoạt động kinh doanh của chợ, thực hiện bảo trì thường xuyên cơ sở vật chất của chợ đảm bảo hoạt động chợ được an toàn, văn minh, hiệu quả.

Cơ sở pháp lý quy định đối với mô hình chợ truyền thống

Khái niệm “Chợ” được quy định rõ trong Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ là: “Chợ được điều chỉnh trong nghị định này là loại chợ mang tính truyền thống, được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch, đáp ứng các nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư. Các loại siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm giao dịch mua bán hàng hóa, bao gồm cả siêu thị, trung tâm thương mại có vốn đầu tư nước ngoài, không thuộc đối tượng điều chỉnh Nghị định này”. Theo Luật sư Nguyễn Đình Ngãi – Công ty Luật ThinkSmart, hiện nay phát triển mô hình chợ truyền thống có quá nhiều nguồn thành lập, cơ sở pháp lý chưa thống nhất, đồng bộ, vẫn còn chồng chéo gây khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.

Trên thực tế có những loại chợ không nằm trong quy hoạch, được hình thành một cách tự phát (gọi là chợ tự phát) nhưng chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn ngầm cho tồn tại để thu phí, phục vụ phúc lợi riêng của địa phương. Trên nhiều tuyến đường người dân công khai buôn bán, lấn chiếm lòng đường, gây khó khăn cho giao thông nhưng chính quyền địa phương lại không xử lý, ngó lơ thực trạng. Đó là những hoạt động không hợp pháp, thực tế diễn ra ở nhiều địa phương, có sự tiếp tay của chính quyền cấp xã, phường. Thực trạng này cần được giải quyết dứt điểm, quy hoạch tổ chức các khu chợ tự phát thành một chợ lớn để Nhà nước, địa phương thuận tiện trong việc quản lý và đảm bảo sự phát triển ổn định của các tiểu thương trong chợ.

Một số chợ được nhà nước bỏ tiền đầu tư xây dựng, song công tác quản lý không đồng bộ nên các tiểu thương kinh doanh không hiệu quả. Cụ thể, việc cho phép buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, xử lý không triệt để chợ tự phát đã dẫn đến người buôn bán hợp pháp trong chợ ế ẩm vì khách mua ngoài lòng lề đường tiện hơn. Đó là một sự cạnh tranh không công bằng và nguyên nhân xuất phát từ việc giải quyết không dứt điểm của chính quyền địa phương .

Trong khi theo Nghị định 02/2003/NĐ-CP quy định nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm: “Nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và của nhân dân đóng góp; nguồn vốn vay tín dụng; nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước; trong đó, chủ yếu là nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và nguồn vốn vay tín dụng. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng các loại chợ”. Nhưng thực tế rất ít khi kêu gọi được nguồn vốn đầu tư bên ngoài. Nếu kêu gọi vốn đầu tư vào chợ truyền thống thì phải thỏa mãn điều kiện trong Nghị định 51/1999/NĐ-CP, có nghĩa là phải thành lập doanh nghiệp, nhà nước cùng tham gia góp vốn bằng tiền hoặc đất, được thuê đất, mua đất…

Những vấn đề pháp lý đặt ra

Một số giải pháp được đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước đối với sự phát triển hệ thống chợ dân sinh; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin một cách thuận lợi và đầy đủ hơn đối với hệ thống chợ trên phạm vi cả nước để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện tốt hơn trong việc xem xét, quyết định đầu tư vào lĩnh vực này như sau:

Thứ nhất, đối với Bộ Công thương thông qua Vụ Thị trường trong nước cần tham mưu hơn nữa trong việc triển khai thực hiện xây dựng bản đồ số hóa hệ thống chợ trên phạm vi cả nước.

Thứ hai, cần nâng cấp quy mô đầu tư các dự án chợ dân sinh. Hiện nay, đa phần các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo chợ đều có quy mô nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, đặc biệt, trong quá trình triển khai thường hay gặp phản ứng không đồng thuận của tiểu thương. Một số chợ mặc dù đã được Chính quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhưng mô hình chợ không phù hợp với thói quen mua bán của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện, gây mất ổn định, trật tự xã hội nên doanh nghiệp không muốn đầu tư. Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến xã hội hóa vốn đầu tư xây dựng chợ đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp thực tế… Chính vì thế cần có những quy định cụ thể, thống nhất đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư, giảm bớt các thủ tục pháp lý rườm rà gây ảnh hưởng đến quá trình đầu tư phát triển dự án chợ.

Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất cho Doanh nghiệp đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, khai thác chợ. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư xây dựng chợ… Cụ thể, cần bảo đảm chi phí đầu vào cho chủ đầu tư, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện thu tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ. Bộ Công thương cần có quy định rõ hơn liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh đối với từng trường hợp được giao hoặc cho thuê điểm kinh doanh, cũng như cách thức xử lý đối với các trường hợp hộ kinh doanh đã ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và đóng trước tiền thuê điểm kinh danh để xây dựng chợ… Bên cạnh đó, UBND các cấp sớm phê duyệt Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn; đồng thời, cho phép các doanh nghiệp quản lý, kinh doanh chợ, khi đầu tư, cải tạo được vay vốn ưu đãi tại quỹ đầu tư và phát triển của địa phương.

Thứ tư, các địa phương cần sửa đổi quyết định ban hành giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn sao cho phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước. Chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế, các đơn vị liên quan có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quản lý, kinh doanh chợ về tiền thuê đất theo quy định của Luật Đất đai hiện nay, giãn tiến độ nộp tiền, miễn giảm…

Chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành một nếp sống, một nét văn hoá đặc trưng của người dân Việt Nam. Chính vì thế, chúng ta cần gìn giữ nét văn hoá này đồng thời kết hợp yếu tố hiện đại để phù hợp với sự phát triển của thời đại. Muốn làm được điều này, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh lên một tầm cao mới, giữ vững vai trò, vị trí của chợ đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam.

Tiến sĩ, Luật sư NGÔ NGỌC DIỄM

NGÔ NGỌC TRÀ

Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Bàn về áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự phạm tội có tính chất chuyên nghiệp và phạm tội 02 lần trở lên