Đầu tư nước ngoài là gì? Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua các hình thức đầu tư được quy định theo quy định của pháp luật đầu tư tại Việt Nam. Luật đầu tư năm 2020 có quy định các hình thức đầu tư bao gồm đầu tư thành lập các tổ chức kinh tế; Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

1. Khái niệm về đầu tư nước ngoài.

Đầu tư nước ngoài là việc các tổ chức, cá nhân của một quốc gia đưa vốn dưới các hình thức khác nhau vào một quốc gia khác để tiến hành các hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Đầu tư nước ngoài được thực hiện dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp.

Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được quy định từ Nghị định số 115/CP ngày 18.4.1977 ban hành bản điều lệ về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và thực sự phát triển sau khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29.12.1987. Theo pháp luật Việt Nam thì đầu tư nước ngoài có các dấu hiệu sau: 1) Người bỏ vốn đầu tư là các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài; 2) Vốn đầu tư được: dịch chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc có nguồn gốc đầu tư tại Việt Nam và có thể là tiền mặt, tài sản bằng hiện vật hoặc quyền tài sản; 3) Hoạt động đầu tư được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam để thu lợi nhuận và lợi nhuận này có thể được chuyển ra nước ngoài hoặc dùng để tái đầu tư tại Việt Nam; 4) Hoạt động đầu tư có thể được thực hiện dưới hình thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài có tác dụng mở rộng hợp tác kinh tế với nước ngoài, tranh thủ vốn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lí kinh tế tiên tiến của nước ngoài để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

 

2. Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng những điều kiện như sau:

– Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộ các ngành nghề khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư đối với các ngành, nghề đó.

– Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó; trường hợp đã lựa chọn một điều ước quốc tế thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của điều ước quốc tế đó;

– Nhà đầu tư nước ngoài thuộc vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật và điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác;

– Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam;

–  Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và điều ước quốc tế về đầu tư khác mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định;

–  Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đã được phép thực hiện hoạt động đầu tư trong các ngành, phân ngành dịch vụ quy định này và các ngành, phân ngành dịch vụ này đã được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài theo quy định, Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong cùng ngành, nghề đó mà không phải lấy ý kiến của Bộ quản lý ngành.

 

3. Các hình thức đầu tư nước ngoài.

Luật đầu tư năm 2020 quy định các hình thức đầu tư cụ thể như sau:

– Đầu tư thành lập các tổ chức kinh tế;

– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

– Thực hiện dự án đầu tư;

– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

 

3.1 Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

Hình thức thành lập tổ chức kinh tế bao gồm hai phương thức đó là:

– Thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài;

– Thành lập công ty giữa các nhà đầu tư trong nước hoặc Chính phủ trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều kiện theo quy định của pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

3.2 Thực hiện dự án đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài có thể ký kết hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP) đây là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết hợp đồng PPP để thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện dự án đầu tư PPP.

 

3.3 Đầu tư theo hợp đồng BCC

BCC là hình thức đầu tư được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới. Hình thức đầu tư này giúp các nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư được nhanh chóng mà không mất thời gian, tiền bạc để thành lập và quản lý một pháp nhân mới được thành lập. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Đối với hợp đồng BCC có ít nhất 1 bên là nhà đầu tư nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

 

3.4 Đầu tư góp vốn , mua cổ phần, mua phần vốn góp.

Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế là hình thức đầu tư gián tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài. Hình thức đầu tư gián tiếp này thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Khi thực hiện hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cần tuân thủ các hình thức và thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

 

4. Những điểm cần lưu ý trong đầu tư nước ngoài.

Trong quá trình tư vấn hỗ trợ tham gia các dự án đầu tư nước ngào cần phải làm rõ một số các vấn đề như sau:

– Thứ nhất: Vấn đề về quốc tịch của các nhà đầu tư. Quốc tịch là yếu tố đầu tiên cần phải lưu ý khi tham gia các dự án đầu tư, làm rõ yếu tố về quốc tịch của các nhà đầu tư nước ngoài ta có thể xác định được về Hiệp định tự do thương mại sẽ được sử dụng và điều chỉnh hay các văn kiện liên Chính phủ cần áp dụng. Bởi vì không phải bất cứ nhà đầu tư đến từ bất kỳ quốc gia nào đều có các quyền ngang nhau khi đầu tư vào Việt Nam, thường thì trên thực tế sẽ có sự khác nhau trong các quyết định của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư đến từ Quốc gia thành viên WTO và Quốc gia không phải là thành viên WTO. Sự phân biệt này không được quy định thành một chính sách hay quy định pháp luật thực định, nhưng thể hiện rất rõ khi giải trình về đáp ứng điều kiện đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

– Thứ hai: Xác định hoạt động kinh doanh nào mà nhà đầu tư có kế hoạch thực hiện. Đề cập đến vấn đề này bởi theo quy định của pháp luật có một số lĩnh vực ngành nghề bị cấm đầu tư, hạn chế đầu tư hoặc kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư, do đó trước khi thực hiện dự án đầu tư cần tìm hiểu kỹ về lĩnh vực kinh doanh mà các nhà đầu tư muốn thực hiện khi tiến hành làm các thủ tục xin dự án đầu tư.

– Thứ ba: Vốn đầu tư, điều này liên quan đến việc gải trình về vấn đề quy mô đầu tư, năng lực tài chính của nhà đầu tư của như tính khả thi cho việc thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam như thế nào.

– Thứ tư là nên lưu ý về hình thức đầu tư có đúng với quy định của pháp lật về đầu tư.

 

5. Quy định của pháp luật Việt Nam về những ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật đầu tư năm 2020 quy định về các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài, cụ thể như sau:

“Điều 53. Ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài

1. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan.

2. Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.

3. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư”.

 Lần đầu tiên, các ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài được quy định trong Luật đầu tư năm 2020, bao gồm: ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan; ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước  tiếp nhận đầu tư.

Việc ghi nhận này vừa hướng đến việc tuân thủ nguyên tắc đầu tư nói chung, chống lại các hoạt động đầu tư gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội cũng như các hiệp ước Việt Nam tham gia ký kết, là thành viên.

Ngoài ra pháp luật về đầu tư cũng quy định những ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, cụ thể như sau:

“Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Luật Minh Khuê (Biên tập và sưu tầm)