Đầu tư cho giáo dục là đầu tư để phát triển bền vững

Quy mô giáo dục nước nhà trong thời kỳ đổi mới đã tăng lên đáng kể, nhờ tăng quy mô giáo dục và đào tạo mà số sinh viên tốt nghiệp tăng lên đã bổ sung một lực lượng lao động có trình độ ngày càng lớn. Ngoài số sinh viên, số thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo cả trong và ngoài nước cũng đã tăng lên. Cơ sở vật chất của nhà trường đã được bổ sung từ ngân sách và sự đóng góp của dân và sự tài trợ, vốn vay các nước từ nguồn vốn ODA. Nhờ được đầu tư, nhiều cơ sở giáo dục, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên được đào tạo cũng đã được cải thiện phần nào. Giáo dục đào tạo đã đã đóng góp đáng kể về đội ngũ cán bộ được đào tạo từ nhà trường trong công cuộc đổi mới đất nước.

Để lựa chọn các giải pháp ưu tiên đầu tư cho giáo dục trong thời kỳ kinh tế suy thoái cần tập trung vào các mục tiêu sau đây:

– Ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non cả từ ngân sách và xã hội, chú trọng dinh dưỡng giúp cho trẻ khoẻ mạnh, vui chơi, và phát triển trí tuệ hồn nhiên ở cả thành thị, nông thôn và miền núi.

– Tập trung ngân sách đầu tư cho mục tiêu phổ cập. Không bỏ rơi một cháu nào bị thất học là trách nhiệm của gia đình, địa phương và Nhà nước. Hướng nghiệp để phân luồng từ giáo dục trung học cơ sở để các em có thể tiếp tục học lên hoặc học nghề đi vào cuộc sống lao động.

– Giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học cần phải sắp xếp lại về cơ cấu ngành nghề theo yêu cầu của một nền kinh tế công nghiệp để có một đội ngũ lao động có trình độ công nhân giỏi, kỹ sư giỏi phù hợp với cơ cấu lao động mới theo nhu cầu xã hội.

– Coi trọng và ưu tiên giáo dục cho giáo dục miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng khó khăn.

– Đầu tư đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cả số lượng và chất lượng, cả chuyên môn và đạo đức vì đây là đội ngũ nòng cốt tác động trực tiếp vào chất lượng giáo dục.

– Hợp tác với các trường danh tiếng trong khu vực và trên thế giới để xây dựng một số trường, một số ngành đào tạo và nghiên cứu phục vụ nền kinh tế nước nhà, có chất lượng tương đương với trình độ quốc tế.

– Có cơ chế, chính sách ưu tiên của Nhà nước và nhân dân trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường sở, ký túc xá, phòng thí nghiệm trong hệ thống giáo dục, để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý và nâng cao trình độ nghiên cứu, thực hành cho sinh viên.

Muốn trở thành nước công nghiệp thì nước ta phải có một đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề giỏi cho những ngành nghề đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và sự phát triển của đất nước. Hệ thống giáo dục nước ta khá phức tạp, một phần do cơ chế cũ để lại, một phần do bổ sung cái mới nhưng chưa hoàn chỉnh nên việc quản lý thiếu nề nếp, thiếu kỷ cương, thời gian đào tạo dài mà hiệu quả thấp. Nội dung, chương trình giáo dục chồng chéo, thiếu tính ổn định, thiếu tính kế thừa giữa các cấp học. Ngoại ngữ là một yêu cầu của người học và là yêu cầu của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý trong thời kỳ hội nhập. Tiếng Anh là một nhu cầu lớn hiện nay, đây là một nội dung không thể thiếu trong chương trình đào tạo nêu cần đầu tư cho người học có một ngoại ngữ đến nơi đến chốn. Ngoại ngữ của những nước gần nước ta như tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Cam phu chia, tiếng Hàn, tiếng Nhật… đều cần và cũng phải có các chuyên gia giỏi về các ngoại ngữ riêng biệt này đối với một số ngành nghề thích ứng.

Một số giải pháp cấp bách cần lựa chọn đầu tư:

1. Đầu tư điều chỉnh cơ cấu đào tạo và đào tạo theo nhu cầu xã hội

Cơ cấu đào tạo chưa theo kịp với yêu cầu xã hội, yêu cầu phát triển kinh tế ở nước ta đang là một vấn đề cần đặt ra trong giáo dục hiện nay. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, thiếu việc làm, các nước thường thu hút người lao động, thanh niên vào học các ngành nghề mới hoặc đào tạo lại ở trình độ cao. Ở nước ta trong giai đoạn này việc đào tạo theo nhu cầu xã hội cần quan tâm đào tạo lại nguồn nhân lực đã được đào tạo mà nguồn đầu tư phải từ doanh nghiệp sa thải công nhân, bảo hiểm, ngân sách và người lao động để chuẩn bị cho đội ngũ lao động khi nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Chương trình, nội dung đào tạo cũng phải mạnh dạn thay đổi, lấy mục tiêu hiệu quả và chất lượng để phấn đấu ở mọi cơ sở đào tạo. Chương trình đào tạo phải gọn, nội dung phải thiết thực, cần giảm lý thuyết, trùng lắp và tăng thời lượng thực hành cho sinh viên ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, kể cả thạc sĩ, tiến sĩ. Phần lớn các nước sinh viên sau khi tốt nghiệp khoảng 3, 4 năm đều quay lại trường để bổ sung và nâng cao kiến thức nghề nghệp mới, phục vụ nhu cầu công việc cho người lao động. Chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội cần có chính sách đào tạo lại sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trang bị lại, trang bị thêm kiến thức mới, công nghệ mới cho người lao động giống như việc tu dưỡng, sửa chữa máy móc sau một thời gian sử dụng.

2. Đầu tư xây dựng các trường danh tiếng, chất lượng cao

Nước ta rất cần có một số trường, một số ngành đại học mũi nhọn, có danh tiếng để thu hút học sinh giỏi trong nước và sinh viên nước ngoài đến học. Để xây dựng một trường, một ngành đào tạo có danh tiếng thì việc đầu tiên là đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi có năng lực Để có một giáo viên giỏi là cả một quá trình đầu tư của bản thân, gia đình và xã hội. Cần tập trung đầu tư để có đội ngũ giáo viên trẻ thay thế đội ngũ giáo viên cũ.

3. Đầu tư xây dựng các cơ sở trường đại học nghiên cứu

Nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu là hướng đi đúng và cần làm. Trước mắt và lâu dài, các trường đại học quốc gia (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, đại học kinh tế quốc dân, kinh tế Hồ Chí Minh, Đại học nông nghiệp Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, phải là những trường trụ cột, đứng đầu tập hợp các trường đại học cùng khối ngành và hợp tác với hai viện nghiên cứu quốc gia về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có sự hỗ trợ của các trường, viện trong khu vực và quốc tế để nghiên cứu, chuyển giao những vấn đề khoa học cơ bản phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trước mắt và trong tương lai. Đầu tư và tạo cơ chế cho các trường đại học kể trên có được những công trình nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng cùng với hệ thống các trường đại học trong cả nước đào tạo được một đội ngũ các nhà khoa học trẻ cho đất nước cũng là một kết quả đáng ghi nhận, theo mục tiêu của Đảng đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp.

4. Đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên ,cán bộ quản lý đủ về số lượng và chất lượng

Đào tạo được một đội ngũ giáo viên giỏi từ mầm non đến đại học là rất công phu và phải có cơ chế, chính sách sử dụng, đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nói chung và đối với những người có tài năng để họ cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giáo dục. Muốn đất nước phát triển, cạnh tranh với các nước, chúng ta cần có một lực lượng lao động giỏi, có chuyên môn, ngoại ngữ làm việc tại các tổ chức quốc tế và tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học với các trường, viện trong khu vực và thế giới. Các trường, các ngành danh tiếng không thể thiếu đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học có tiếng tăm thực sự.

5. Đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống giáo dục

Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho giáo dục trong thời kỳ đổi mới đã được nâng dần qua các năm. Năm 1986 chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục là 6,9%, so với GDP là 1,4%; Năm 2007 chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục là 19%, so với GDP là 6,3%, năm 2008 là 20%, so với GDP là 6,5%. Ngoài ngân sách sự đầu tư do người học và xã hội đóng góp cũng khá lớn.

Tuy vậy, cơ sở vật chất của các trường học trong hệ thống giáo dục của nước ta còn rất thấp so với các nước, nhất là cơ sở vật chất của các trường Đại học, cao đẳng và các trường phổ thông ở vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các trường thiếu phòng học, giảng đường, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ và thư viện. Ký túc xá sinh viên thiếu trầm trọng, số ký túc xá cũ được xây dựng từ những năm 1960 đã hư hỏng, số xây dựng mới chưa đáng kể. Quy mô diện tích trường đại học của các nước là rất lớn khoảng vài chục ha, có nơi vài trăm ha, nhưng ở nước ta diện tích của trường đại học chỉ vài ha. Sân vận động là nơi rất cần cho việc giáo dục thể chất, giúp sinh viên rèn luyện sức khỏe, nhưng số trường có sân vận động cũng không phải là lớn. Trong số 369 trường đại học, cao đẳng thì 122 trường không có sân vận động cho sinh viên luyện tập thể dục, thể thao. Quy mô học sinh, sinh viên ngày càng lớn, cơ sở trường đại học, cao đẳng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không được tăng lên tương xứng thì không thể đảm bảo điều kiện học tập có chất lượng, việc thực hành, thực tập của học sinh, sinh viên đang gặp khó khăn mọi bề.

Đại học của nhiều nước chỉ đào tạo 3, 4 năm, của ta kéo quá dài từ 4 đến 6 năm. Cần nghiên cứu rút ngắn thời gian đào tạo nghề nghiệp, giảm tải lý thuyết, cắt bỏ trùng lắp, tăng thực hành, để người học sớm ra trường có việc làm, đỡ tốn kém. Đất nước nghèo, Nhà nước và nhân dân đã và đang chắt chiu tiền để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường học. Nhưng việc xây dựng trường học ở đâu cũng kéo dài vượt thời gian quy định. Cần tăng cường quản lý, giám sát để việc xây dựng trường học, bệnh viện không bị rút ruột, thất thoát là việc cần phải quan tâm của mọi cấp, mọi ngành.

Trong giai đoạn nền kinh tế đang suy thoái, Nhà nước cần có những cơ chế để Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo có thể tạo ra tiền để bổ sung xây dựng cơ sở vật chất của mình. Các nước trong giai đoạn đầu phát triển đã khuyến khích các trường năng động trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn để có tiền xây dựng cơ sở vật chất. Tiền nhà trường làm ra, Chính phủ không thu thuế mà để lại cho các trường xây dựng cơ sở vật chất bằng một cơ chế minh bạch, công khai, có sự giám sát của Nhà nước và cán bộ, giáo viên, sinh viên của trường. Các doanh nghiệp, cựu sinh viên được khuyến khích đóng góp vốn xây dựng trường và Nhà nước không tính thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp đối với các khoản tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở trường học, bệnh viện. Ký túc xá sinh viên có thể xã hội hóa, tạo cơ chế về đất đai để cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư cho giáo dục. Chúng ta cần có những cơ chế đột phá về huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, ký túc xá sinh viên, và phải giám sát để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng trụ sở.

Trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái cần phải điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế và kéo theo là điều chỉnh cơ cấu nguồn lao động được đào tạo. Cần tập hợp mọi trí tuệ và sáng kiến của nhân dân để đầu tư cho giáo dục.