Đầu tư cho giáo dục: Luật đã có, sao khó thực hiện?
GD&TĐ – Việc giảm tỷ lệ chi đầu tư cho giáo dục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó, tăng chi giáo dục, đào tạo lúc nào cũng cần thiết. TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Chưa đáp ứng được định mức tối thiểu
– Luật Giáo dục 2019 quy định, Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục và bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng ngân sách. Đây là quy định không mới vì trước đây đã được quy định trong các nghị quyết. Nhưng tại sao lại khó thực hiện, thưa ông?
– Trước hết, phải khẳng định trong bối cảnh nguồn thu ngân sách còn hạn chế, Việt Nam mới là nước đang phát triển, trong nhóm thu nhập trung bình thấp, nhưng ưu tiên nguồn lực (chi giáo dục/tổng chi ngân sách Nhà nước hoặc chi GD/GDP) của Việt Nam so với các nước trên thế giới (nhất là khu vực) là không thấp hơn; thậm chí tương đối cao so với một số quốc gia có điều kiện tương đồng. Đây là nỗ lực và cố gắng của Chính phủ, thể hiện quan điểm đầu tư cho giáo dục và đào tạo chính là đầu tư cho phát triển, nhất là phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế.
Việc tỷ lệ tổng chi giáo dục chưa đáp ứng được định mức tối thiểu của Luật Giáo dục (theo công bố trên một số báo chỉ vào khoảng 17% – 18% trung bình giai đoạn 2016 – 2020) có nhiều nguyên nhân:
Trước hết, do cơ cấu và định mức chi (cả chi thường xuyên lẫn đầu tư từ ngân sách Nhà nước) vẫn còn bất cập giữa các phương án khác nhau và thực hiện cũng không giống nhau ở các địa phương, do vậy có sự vênh giữa các định mức và quy định tài chính công trong thanh toán/chi trả cho các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công nói chung và giáo dục, đào tạo nói riêng.
Tiếp đến, việc thống kê/công khai các số liệu chi ngân sách Nhà nước nói chung, trong đó đặc biệt chi cho giáo dục, đào tạo còn nhiều bất cập và không thống nhất. Thậm chí cách tiếp cận, cách hiểu khác nhau vì nhiều đơn vị/bộ ngành cũng có chức năng chi đầu tư, thường xuyên trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Ngay trong cơ cấu chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục có tới 9% là chi khác, không nằm trong các hạng mục do Bộ GD&ĐT trực tiếp quản lý/thống kê được. Hệ quả có nhiều tính toán và công bố khác nhau suốt nhiều năm qua về tỷ trọng chi ngân sách giáo dục/tổng chi ngân sách Nhà nước. Do vậy, việc lên dự toán chi tiết ngân sách Nhà nước ở Trung ương lẫn địa phương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo chắc chắn có những bất cập nhất định.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, Luật Giáo dục quy định định mức khá cao so với tiềm lực kinh tế thực tế của Việt Nam và mang tính phấn đấu. Do vậy, việc đạt được định mức là khó khăn trong bối cảnh nhiều năm qua Chính phủ phải thắt chặt bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công ở ngưỡng cho phép. Các tác động từ dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua cũng ảnh hưởng lớn đến ngân sách Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương nên phải cắt giảm các khoản chi đầu tư; trong đó có chi cho giáo dục, đào tạo.
Tiềm ẩn bất công trong tiếp cận
– Trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới giáo dục, tăng chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2019 là cần thiết?
– Đúng vậy. Việc ấn định tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục là 20% dựa trên tính toán định mức suất đầu tư trên đầu học sinh, sinh viên cũng phải đảm bảo những cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định. Ngoài ra, tăng chi giáo dục, đào tạo lúc nào cũng cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là phải đánh giá lại cơ cấu chi và tỷ trọng cụ thể.
Khi nguồn ngân sách Nhà nước có hạn thì việc đánh giá hiệu quả để đảm bảo các khoản chi phù hợp với nhu cầu, đáp ứng tốt nhất mục tiêu nâng cấp chất lượng giáo dục, đào tạo rất quan trọng. Chưa kể việc phối hợp giữa các nguồn ngân sách Nhà nước, ODA, huy động đóng góp doanh nghiệp và xã hội hóa từ người học, cần có cơ chế rất rành mạch, rõ ràng mới đảm bảo tính hiệu quả và tránh lãng phí, thậm chí là những hành vi trục lợi.
– Thực tế cho thấy, mức chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng ngân sách Nhà nước chưa bao giờ đạt. Theo TS, việc này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng GD-ĐT của ngành?
– Vì bất cứ lý do nào, việc giảm tỷ lệ chi thực tế nhiều năm qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục như nhiều chuyên gia đã phân tích. Cụ thể: Ngân sách chi thường xuyên thấp dẫn đến đời sống giáo viên không đảm bảo, khó tâm huyết và phát sinh tiêu cực như dạy thêm trực tiếp cho học sinh lớp mình. Ngoài ra, vì ngân sách thấp nên chi thường xuyên chủ yếu dành chi cho quỹ lương và chế độ chính sách. Chi phát triển con người và chi bổ sung trang thiết bị đồ dùng học tập hạn chế.
Bên cạnh đó, hệ quả của ngân sách Nhà nước không đáp ứng trong nhiều lĩnh vực, buộc lòng phải đẩy nhanh, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và tăng mức đóng góp của người học, gia đình. Mức chi tiêu tư nhân cho 1 đầu học sinh, sinh viên tăng từ khoảng 4 triệu đồng (năm 2012) lên 7 triệu (năm 2020). Điều này có thể gây bất bình đẳng giáo dục và khả năng tiếp cận giáo dục của một bộ phận học sinh, sinh viên!
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Các nguồn chi đầu tư thấp nên cơ sở vật chất trường học nhiều nơi còn chưa đáp ứng tiêu chuẩn/điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, chi cho lĩnh vực đào tạo bậc cao, nhất là đại học rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế cũng như phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. – TS Nguyễn Quốc Việt