Đấu trường La Mã – kỳ quan thế giới

Lọt trong top 7 kỳ quan của thế giới mới, thành đấu trường La Mã ở thành phố Rome, Italia là một trong điểm tham quan hấp dẫn nhất địa cầu.

Ngày 7–7–2007, đấu trường Colosseum hay thường được biết đến với tên gọi đấu trường La Mã đã được vinh danh là một trong bảy kỳ quan kiến trúc mới của thế giới. Công trình hoành tráng gần 2.000 năm lịch sử này xứng đáng được xem là biểu tượng của kiến trúc La Mã.

Đấu trường La Mã xây dựng từ năm 72 và hoàn thành vào năm 80, lúc hoàng đế Titus trị vì. Với kích thước dài 188m, rộng 156m và cao 57m, có 3 tầng ghế ngồi với sức chứa lên đến 50.000 khán giả, đấu trường La Mã là đại hí viện lớn bậc nhất thế giới.

Đấu trường La Mã - kỳ quan thế giới 

 Công trình có kiến trúc độc đáo, khác biệt so với các tòa nhà công cộng của Hy Lạp và La Mã thời bấy giờ, được xây dựng theo mô hình cổ điển của các ngôi đền Hy Lạp, với các hàng cột hình chữ nhật, dầm và trán tường hình tam giác. Bên cạnh đó, đấu trường này cũng không giống với các rạp hát Hy Lạp trước đó thường được xây dựng bên cạnh sườn đồi mà là một công trình kiến trúc đứng tự do. Các nhà khoa học đã ước tính cần hơn 100.000m³ đá travertine để xây dựng bức tường bên ngoài. Các tảng đá này không liên kết bằng vữa mà bằng 300 tấn vòng sắt.

Đấu trường La Mã - kỳ quan thế giới 

Đấu trường được bao quanh bằng 80 lối vào trên mặt đất, trong đó có 76 lối có đánh số theo chữ số La Mã dành cho các khán giả bình thường. Cổng chính phía Bắc dành riêng cho các hoàng đế La Mã và các cận thần, ba lối còn lại dành cho tầng lớp thượng lưu. Tất cả 4 lối vào đặc biệt này đều được trang trí với các bức phù điêu bằng vữa sơn mà hiện nay vẫn còn một số mảnh vỡ. Sau bao thiên tai và chiến tranh, đấu trường Colosseum vẫn duy trì được phần lớn kiến trúc vĩ đại nguyên gốc.

Cùng với Vatican, đấu trường La Mã là địa điểm thu hút khách du lịch bậc nhất của thành Rome với 6 triệu du khách ghé thăm hàng năm.