Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt
Thứ tư, 19 Tháng 5 2021 14:37
782 Lượt xem
(LLCT) – Việc xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế đã được thực hiện tại nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam hiện nay, phát triển một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là phù hợp với yêu cầu khách quan của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thời điểm Quốc hội đang thảo luận Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để tuyên truyền xuyên tạc, kích động người dân gây mất an ninh trật tự. Do vậy, cần làm rõ tính tất yếu khách quan đối với quá trình hình thành và phát triển đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ở nước ta, đồng thời nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề này.
Ảnh: Minh họa
Từ khóa: Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Việt Nam.
Việc hình thành các đặc khu kinh tế đã được các quốc gia tiến hành từ khá sớm và có các tên gọi khác nhau như: Khu kinh tế tự do (free economic zone – FEZ); khu vực tự do (Free zone – FZ)… là một lớp đặc khu kinh tế (Special economic zone – SEZ),… Đây cũng là tên gọi chung cho các khu kinh tế được thành lập trong một quốc gia nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt.
Hình thức ban đầu của các khu kinh tế tự do là các thành phố tự do, cảng tự do… là một khu trung chuyển hàng hóa quốc tế. Sau đó phát triển thành các khu chế xuất, khu công nghệ cao mà đồng bộ hơn là đặc khu kinh tế như hiện nay. Quá trình phát triển kinh tế trên thế giới tạo ra một lượng giá trị hàng hóa lớn, dưới sự tác động của toàn cầu hóa, sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ,… đòi hỏi các quốc gia có những thay đổi phù hợp để phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia mình và khu kinh tế tự do hay đặc khu kinh tế được ra đời. Mục đích là nhằm thu hút vốn đầu tư, khoa học – công nghệ, nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế, xã hội và tạo động lực cho nền kinh tế của quốc gia phát triển. Đồng thời, thông qua các đặc khu kinh tế này làm cầu nối trong quan hệ kinh tế quốc tế.
Đặc trưng của các khu kinh tế tự do này là: (1) có vị trí địa lý thuận lợi và diện tích rộng lớn hàng trăm km2 trở lên; (2) có cư dân sinh sống và làm việc, với quy mô hàng triệu dân, trong đó có cả người nước ngoài; (3) có hệ thống pháp lý tiên tiến và chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế; (4) được áp dụng nhiều ưu đãi về kinh doanh và sinh sống…
Thâm Quyến (Trung Quốc) một thời được coi là hình mẫu về áp dụng thành công mô hình đặc khu kinh tế. Thành phố này có vị trí chiến lược tại Quảng Đông, nằm tại lưu vực sông Châu Giang, gần Hong Kong, Macau và là cửa ngõ vào Trung Quốc (trước khi phát triển thành đặc khu thì đây là một làng chài chuyên đánh bắt và nuôi trồng thủy sản). Năm 1980, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã chỉ đạo xây dựng Thâm Quyến thành đặc khu đầu tiên trong nhóm năm đặc khu kinh tế của nước này. Chính phủ Trung Quốc đã giảm hoặc xóa bỏ thuế nhập khẩu, khuyến khích đầu tư nước ngoài, cho thuê đất thời gian dài để thu hút nguồn vốn, thành lập doanh nghiệp tư nhân, áp dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc khu sử dụng hệ thống quy định linh hoạt, nhằm giúp Trung Quốc phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Đây được đánh giá là một trong những quyết định thử nghiệm kinh tế táo bạo nhất khi đó. Quyết định này cũng vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ lãnh đạo và người dân Trung Quốc lúc bấy giờ.
Ở Việt Nam hiện nay, một trong những biện pháp để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững chính là xây dựng những đầu tàu kinh tế, là động lực, tạo bánh đà và sức lan tỏa trong vùng và ra cả nước, đó là thành lập một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Theo quy định hiện hành, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) là một trong bốn loại đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và do Quốc hội quyết định thành lập (Khoản 9 Điều 70 và Khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013). Điều 74 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập, được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế – xã hội, có chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó”.
Sự cần thiết thành lập một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ở Việt Nam hiện nay.
Một là, việc xây dựng và phát triển các đơn vị HCKTĐB là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong các văn kiện Đại hội Đảng khóa X, XI và XII, 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và XII, 6 kết luận của Bộ Chính trị, 4 nghị quyết của Quốc hội và đã được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (khoản 8 Điều 84), Hiến pháp năm 2013 (Khoản 9 Điều 70, Khoản 1 Điều 110 và Khoản 2 Điều 111) và nhiều đạo luật liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và mới đây nhất là Luật Quốc phòng. Theo đó, việc thành lập đơn vị HCKTĐB là để thực hiện chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước, các kết luận của Bộ Chính trị, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 và các quy định liên quan để tạo cực tăng trưởng và đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Hai là, việc thành lập đơn vị HCKTĐB tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không lỗi thời vì nhiều nước trên thế giới vẫn đang tiếp tục xây dựng các đặc khu kinh tế (ĐKKT) thế hệ mới hoặc hoàn thiện thể chế, chính sách về các ĐKKT hiện có ở mức cao hơn, tiếp tục thử nghiệm thể chế mới, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh. Thí dụ, Trung Quốc (thành lập ĐKKT Tiền Hải thuộc ĐKKT Thâm Quyến (2013); khu thương mại tự do Thượng Hải (2013); ĐKKT Hùng An (2017) và bổ sung chính sách ĐKKT Hải Nam (5-2018); Thái Lan (2015); Malaysia (2009); Indonesia (2012); Myanmar (2015); Nhật Bản (2015), Thành phố Quốc tế tự do Jeju Hàn Quốc (2011). Ấn Độ có 221 ĐKKT (2017). Mỹ có 177 khu ngoại thương đang hoạt động (2013).
Ba là, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) không có quy định cấm các nước thành viên thành lập ĐKKT. Việc tham gia các hiệp định này góp phần thúc đẩy cải cách thể chế trong nước nhưng chủ yếu tập trung vào cắt giảm hàng rào thuế quan, tạo thuận lợi về thương mại, đầu tư, hải quan mà không bao trùm tất cả các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, tổ chức chính quyền địa phương, tư pháp… như các quy định áp dụng tại đơn vị HCKTĐB.
Các đơn vị HCKTĐB của nước ta và các ĐKKT trên thế giới có mục tiêu thử nghiệm thể chế, chính sách của quốc gia, đồng thời tạo thuận lợi đặc biệt để thực thi các cam kết quốc tế trong bối cảnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong phạm vi cả nước vẫn còn hạn chế.
Bốn là, qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được hình thành và phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại do việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đang dần tới hạn và sức hút của các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao sau 25 năm phát triển giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá. Lý do là: hệ thống pháp luật thiếu thống nhất; thiếu một cơ quan có đủ thẩm quyền quản lý hoạt động trên các lĩnh vực; bộ máy quản lý với thẩm quyền phân tán và có sự chồng lấn giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên cùng lĩnh vực, địa bàn; chính sách ưu đãi đầu tư thiếu nhất quán, chưa đủ sức cạnh tranh quốc tế và kém linh hoạt do bị khống chế bởi khung pháp luật chuyên ngành; thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh còn chưa đủ thông thoáng; phương thức phát triển kết cấu hạ tầng chưa đa dạng hóa; kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…
Những vấn đề chưa thống nhất dẫn đến việc các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động người dân, đó là:
Một là, vấn đề cho thuê đất 99 năm. Có rất nhiều ý kiến, cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề này. Số năm cho thuê đất tối đa là 99 năm là thời gian rất dài, bằng hai, ba thế hệ hoặc hơn. Thực tế, theo quy định trong Luật Đất đai năm 2013 là đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn, tối đa không quá 70 năm. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc có thời hạn thuê tối đa 99 năm. Hết thời hạn, nếu có nhu cầu sử dụng đất thì được xem xét gia hạn hoặc cho thuê đất khác, mỗi lần gia hạn không quá 99 năm. Nhưng khi ban hành Luật Đất đai năm 2013, chúng ta chưa có chủ trương xây dựng một số đơn vị HCKTĐB.
Vậy mà, các thế lực phản động, thù địch đã xuyên tạc nội dung cho thuê đất 99 năm trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là chủ trương dành cho Trung Quốc thuê, biến nội dung đang thảo luận thành nội dung đã được Quốc hội và Chính phủ quyết định để kích động nhân dân gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực chất của các luận điệu trên là các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động người dân chống phá Đảng, Nhà nước. Theo thông tin của các cơ quan chức năng, một số đối tượng quá khích kích động người dân gây rối trật tự xã hội khi bị lực lượng chức năng bắt giữ đã tỏ rõ thái độ ăn năn, hối lỗi, khai nhận thành khẩn những hành động sai trái của họ là vì đã nhận tiền của tổ chức phản động nước ngoài tài trợ.
Hai là, quyền hạn của tòa án nước ngoài khi xét xử tranh chấp
Việc được lựa chọn pháp luật nước ngoài và tòa án nước ngoài để xử lý, giải quyết các hợp đồng, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài tại đặc khu cũng là một nội dung được nhiều người quan tâm. Đã có không ít lo ngại rằng ở các đặc khu thì mọi việc (trừ hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng tối thiểu theo quy định) đều bị luật nước ngoài (luật của nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào đặc khu) chi phối (?) Có hay không việc tòa án nước ngoài sẽ sang nước ta để xét xử các vụ việc có liên quan đến người Việt Nam?…
Với các quy định của Dự thảo thì không phải pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế mặc nhiên được áp dụng tại Việt Nam nói chung cũng như tại các đặc khu. Việc áp dụng pháp luật sẽ được thực hiện nếu các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài chọn lựa áp dụng luật nước ngoài hay áp dụng tập quán quốc tế cũng như căn cứ vào các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với nước ngoài có quy định về vấn đề áp dụng pháp luật nước ngoài hay tập quán quốc tế.
Liên quan đến quyền hạn của tòa án nước ngoài được xét xử các tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài (trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam). Tòa án nước ngoài được hiểu là các tòa án các cấp của một nhà nước nước ngoài có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài và việc xét xử này bao gồm việc áp dụng pháp luật về hình thức (tố tụng) và luật nội dung của nước có tòa án đó.
Theo nguyên tắc lex fori, một khi tòa án nước ngoài thực hiện quyền xét xử của mình thì tòa sẽ áp dụng luật tố tụng của nước đó (tức là nước có tòa án). Vấn đề còn lại là về luật nội dung, tức là các quy định của pháp luật cụ thể để tòa áp dụng cho vụ việc này, sẽ do tòa án quyết định căn cứ vào một trong hai yếu tố: Do sự thỏa thuận áp dụng luật nào của các bên hoặc do sự dẫn chiếu đến luật nước có tòa án căn cứ vào quy phạm xung đột.
Một khi tòa án một nước khác có thẩm quyền xét xử, theo nguyên tắc luật tòa án thì có hai vấn đề đặt ra: Vụ việc sẽ được xét xử tại nước có tòa án, tức là nước mà nguyên đơn gửi đơn kiện đến tòa yêu cầu giải quyết chứ không phải là một nơi nào khác; và tòa án nước này trong quá trình xét xử sẽ áp dụng luật hình thức của mình và luật nội dung tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên hay sự dẫn chiếu của các quy phạm xung đột. Như vậy, nếu như nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện tại tòa án nước họ về vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu thì không có chuyện tòa án nước này sang một nước khác và mặc nhiên áp dụng luật của nước mình để xét xử một vụ việc tranh chấp.
Ba là, về sự thành công trong việc thành lập và phát triển đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt của Việt Nam.
Sự thành công của một mô hình tổ chức chính quyền mới không chỉ dựa vào yếu tố thể chế, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: yếu tố bên trong, bao gồm: tiềm lực kinh tế hiện tại của vùng, của quốc gia; nguồn nhân lực (tài nguyên, con người); lợi thế về mặt chính trị (được sự ủng hộ tuyệt đối của đảng cầm quyền)… Yếu tố bên ngoài, bao gồm: mối quan hệ kinh tế với khu vực và trên thế giới, cấm vận kinh tế, sự tham gia các tổ chức thương mại, tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu; sự phát triển của khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, xác định mức độ thành công, đưa ra các tiêu chí phải đạt được trong khoảng thời gian nhất định mới khẳng định được sự thành công của mỗi đơn vị HCKTĐB. Đặc biệt, Việt Nam thành lập một số đơn vị HCKTĐB này đã xác định vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện. Chính vì vậy, một số quan điểm không ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước là thiếu xây dựng, không khách quan.
Từ một số nội dung còn chưa thống nhất như trên, các thế lực thù địch, phản động phát tán các bài viết trên internet, mạng xã hội, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm kích động những người dân nhẹ dạ, cả tin làm theo những xúi giục của chúng.
Để phòng, chống việc lợi dụng internet, mạng xã hội của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị tuyên truyền, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, vận động nhân dân không nghe theo kẻ xấu, không bị các thế lực thù địch lợi dụng, mua chuộc làm phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc; không tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, gây mất ổn định về an ninh, trật tự. Làm cho người dân nhận thức được rằng, lòng yêu nước chân chính chỉ thực sự phát huy khi mỗi người dân hành động trong đời sống thực tiễn theo đúng quy định pháp luật. Từ những vụ việc phức tạp liên quan đến Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vừa qua, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự luật, đặc biệt là việc xây dựng các chủ trương, chính sách lớn, nhất là các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, chính sách an sinh xã hội… có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, thông qua phương tiện thông tin đại chúng chính thống nhằm phòng ngừa tình trạng thông tin bị kẻ địch lợi dụng suy diễn, xuyên tạc. Tập trung chỉ đạo công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, dự báo chính xác tình hình và chủ động xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng mới nảy sinh, những bức xúc, nổi cộm ngay tại cơ sở; chỉ rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, không để trở thành điểm nóng, không để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng kích động tập trung đông người, gây rối mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần tỉnh táo, cẩn trọng và cảnh giác khi tham gia truy cập internet, các trang mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ các thông tin xấu độc, bịa đặt; tích cực sử dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube… để đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh vạch trần âm mưu, thủ đoạn và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2021
TS Đinh Thanh Tùng
Ban Thanh tra,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh