Đâu là phiên bản chuyển thể ‘Con nhà giàu’ hay nhất?

Dù cũ hay mới, hay hay dở, tôn trọng hay xa rời nguyên tác, mỗi bản phim chuyển thể từ “Con nhà giàu” vẫn có những nét độc đáo riêng khiến người xem không thể nhầm lẫn.

Bộ truyện tranh Con nhà giàu ra đời đã 28 năm và được chuyển thể thành phiên bản truyền hình 5 lần tại Đài Loan, Nhật, Hàn và Trung Quốc. Mỗi bản chuyển thể đều nhanh chóng trở thành hiện tượng và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Vườn sao băng (2001) – bình minh của phim thần tượng

Phiên bản 2001 của biên kịch Sài Trí Bình quy tụ dàn diễn viên còn lạ lẫm với phần lớn khán giả truyền hình khi ấy. Vai chính Sam Thái (Tsukushi phiên bản Đài Loan) và nhóm Flower 4 được giao cho Từ Hy Viên và bốn chàng trai của nhóm F4.

Vì đều là những gương mặt ca sĩ lần đầu tiên lấn sân sang truyền hình, nên diễn xuất của họ bước đầu vẫn còn gượng gạo. Tuy nhiên, dàn diễn viên trai xinh gái đẹp – đặc biệt là nhóm nhạc thần tượng F4 – vẫn chiếm trọn trái tim khán giả.

Một phần không nhỏ thành công Vườn sao băng khi ấy có được là nhờ bàn tay biến hóa của biên kịch Sài Trí Bình. Bà đã biến bộ truyện tranh đậm chất Nhật Bản (tên gốc của bộ truyện, Hana Yori Dango, là phép chơi chữ từ câu thành ngữ Bánh ngon hơn hoa đẹp dựa trên cách đọc tương đồng) của Con nhà giàu thành một bộ phim truyền hình châu Á mà bất kỳ ai cũng có thể xem.

Đâu là phiên bản chuyển thể Con nhà giàu hay nhất?-1
Nhiều năm trôi qua, nhưng Vườn sao băng (2001) vẫn được nhắc tới và yêu thích.

Tuy nhiên, dù Vườn sao băng là phiên bản chuyển thể thành công đầu tiên của Con nhà giàu, đây vẫn chưa phải bản phim thỏa mãn người hâm mộ nguyên tác. Kịch bản phim bị đánh giá là sa đà vào chuyện tình cảm giữa “cỏ dại” Sam Thái và “thủ lĩnh F4” Đạo Minh Tự (Ngôn Thừa Húc).

Hướng phát triển khác biệt so với nguyên tác càng được thể hiện rõ trong phần 2 của phim. Trong Vườn sao băng 2, Đạo Minh Tự bị mất trí nhớ và được gia đình một cô gái cưu mang. Anh đã phải lòng cô gái này. Tình huống khiến Sam Thái từ chỗ tình yêu duy nhất nay bị Đạo Minh Tự đối xử như kẻ xen ngang phiền phức.

Tam giác tình yêu được giải quyết khi anh nhớ lại mọi việc, còn cô gái kia lâm bệnh nặng và chấp nhận rời xa anh mãi mãi. Dù Vườn sao băng 2 kết thúc trọn vẹn “ai về nhà nấy” theo đúng nguyên tác, khán giả vẫn không cảm nhận được trọn vẹn tinh thần của bộ truyện năm nào.

Dù vậy, Vườn sao băng vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của phim truyền hình Đài Loan. Nó đã khai sinh ra thể loại phim thần tượng, tạo thành trào lưu có sức ảnh hưởng tới nhiều quốc gia châu Á.

Hana Yori Dango (2005-2008) – phiên bản chuyển thể mọi người đều mong đợi

Thành công của Vườn sao băng có lẽ đã khiến người Nhật nhận ra họ phải làm một phiên bản mới cho Con nhà giàu. Không hổ danh đất nước của những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh (live-action), Hana Yori Dango (2005) đã biến câu chuyện trên giấy trở thành bộ phim người đóng với toàn bộ tinh thần của nguyên tác.

Phiên bản truyền hình của Nhật không phức tạp hóa quan hệ tình cảm giữa các nhân vật, hay cố tình phóng đại Flower 4 thành bốn chàng bạch mã hoàng tử trong lâu đài cổ tích. Nó tập trung vào xây dựng những giá trị cốt lõi làm nên thành công của bộ truyện.

Nhờ thế, Hana Yori Dango (2005) được đánh giá là phiên bản người hâm mộ nguyên tác truyện tranh yêu thích nhất. Khán giả cảm nhận được nhân vật trong phim vẫn giữ được chính xác những nét tính cách của họ trong nguyên tác.

Tsukasa (Matsumoto Jun) cứng đầu và hống hách, biểu hiện của đứa trẻ mới lớn được nuông chiều, nhưng ẩn bên dưới lớp vỏ ấy là tình cảm ấm áp, chân thành. Cậu sinh ra là để dành cho Tsukushi – cô gái kiên cường, sâu sắc nhưng cũng vô cùng lạc quan.

Rui, mảnh F4 với tình yêu đơn phương dành cho một cô gái lớn hơn mình, luôn trầm tư và lặng lẽ. Rui có thể không biết mình muốn gì, nhưng cậu luôn biết rõ mình phải làm gì, và hành động đúng theo niềm tin ấy.

Đâu là phiên bản chuyển thể Con nhà giàu hay nhất?-2
Phiên bản “Hana Yori Dango” (2015) của Nhật được người hâm mộ nguyên tác đón nhật nồng nhiệt.

Chân dung F4 và quan hệ giữa họ được xây dựng chi tiết khiến khán giả thấy được tình cảm bền chắc Tsukasa và Rui. Họ không chỉ là hai đứa bạn vì đều là con nhà giàu nên chơi với nhau. Cả hai là những người bạn tri kỷ.

Không chỉ là phiên bản chuyển thể nức lòng người hâm mộ nguyên tác, Hana Yori Dango (2005) và các phần phim tiếp theo còn có giá trị xem lại nhiều lần nhờ cốt chuyện bất ngờ, tình tiết vui nhộn và khả năng khơi gợi nơi người xem vô vàn cảm xúc.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của Internet những năm giữa thập niên 2000, Hana Yori Dango (2005) góp phần đưa việc xem phim Nhật, nghe nhạc Nhật, tìm hiểu văn hóa Nhật trở thành một làn sóng.

Boys Over Flowers (2009) – phiên bản chuyển thể cầu kỳ nhất

Thành công của Boys Over Flowers, phiên bản Hàn của Con nhà giàu, một phần được nâng đỡ bởi làn sóng Hallyu những năm cuối thập niên 2000, chủ yếu vẫn nằm ở “công thức phim truyền hình Hàn Quốc” chưa bao giờ lỗi thời.

Bộ phim cho khán giả thấy mọi thứ họ ao ước: dàn diễn viên ưa nhìn, bối cảnh xa hoa lộng lẫy khó thấy trong đời thực và quan trọng nhất, chuyện tình chick flick xoay quanh một cô gái kém hấp dẫn và hai chàng trai hoàn hảo.

Nhưng dưới góc độ của một phim chuyển thể, Boys Over Flowers vẫn chưa đạt tới độ hoàn mỹ. Phim xây dựng hình tượng các nhân vật chính thiếu hấp dẫn, cũng như khiến chuyện yêu đương giữa họ trở nên quá phức tạp.

Đã có một giai đoạn, phim truyền hình Hàn chuộng lối nhân vật nam chính có tính gia trưởng, thích chiếm hữu bên cạnh nữ chính có xu hướng thu mình. Boys Over Flowers tình cờ ra đời vào những ngày vàng son của mô hình nhân vật ấy.

Goo Jun Pyo (Lee Min Ho) ưa bạo lực, thích được phục tùng, Geum Jan Di (Goo Hye Sun) sống thu mình, học hành dở tệ và Yoon Ji Hoo (Kim Hyun Joong), “nam phụ bạn đồng hành của nữ chính”, là mẫu bạn trai tốt hoàn hảo đến nhàm chán… Đôi lúc, các nhân vật khiến khán giả băn khoăn liệu có phải họ được tạo ra từ những điểm kém hấp dẫn nhất của nguyên mẫu hay không.

Đâu là phiên bản chuyển thể Con nhà giàu hay nhất?-3
“Boys Over Flowers” được xây dựng theo công thức phim truyền hình ăn khách của Hàn.

Chưa kể việc quan hệ giữa các nhân vật cũng tỏ ra rối rắm và gượng ép. Jun Pyo và Ji Hoo tạo cảm giác như thể họ chơi với nhau chỉ vì cùng là hai đứa con nhà giàu. Tính sở hữu khiến tình yêu của Jun Pyo với Jan Di giống như một sự bắt nạt.

Trong khi đó, những tình huống mà Ji Hoo và Jan Di cùng nhau trải qua lại cho thấy quan hệ giữa họ không thể là bạn bè đơn thuần. Cảm xúc Jan Di dành cho Ji Hoo cũng không có sự thay đổi đáng kể sau khi cô nhận lời yêu Jun Pyo.

Cái kết của Boys Over Flowers cũng khiến nhiều người xem tự hỏi, tại sao Jan Di lại đến được với Jun Pyo? Tuy vậy, tính tới lúc này, Boys Over Flowers vẫn là phiên bản được nhắc đến nhiều nhất.

Cùng ngắm mưa sao băng (2009) và Vườn sao băng (2018) – những phiên bản gây ngỡ ngàng nhất

Hai phiên bản chuyển thể Con nhà giàu của Trung Quốc đưa người xem đến hai thái cực cảm xúc trái ngược: cực kỳ hài lòng và thất vọng toàn tập. Chúng cũng là hai bộ phim truyền hình gây ngỡ ngàng vì cải biên quá nhiều so với nguyên tác.

Từ chỗ câu chuyện về cậu ấm nhà giàu ngông nghênh thích đi bắt nạt người khác, kết quả là phải lòng luôn người mình bắt nạt, phim trở thành tác phẩm thanh xuân vườn trường êm dịu, với nhóm F4 và nàng Sam Thái cùng giúp đỡ nhau học tập, chuẩn bị cho tương lai mai sau.

Ra mắt vào năm 2009, trực tiếp đối đầu với Boys Over Flowers, Cùng ngắm mưa sao băng lép vế về tên tuổi trên thị trường quốc tế. Nhưng tại Trung Quốc đại lục, phim lại lập kỷ lục về lượng người xem, bỏ xa phiên bản Hàn bị nhận xét là không có gì mới mẻ và xa lạ với thị hiếu khán giả.

Thay đổi lớn nhất của Cùng ngắm mưa sao băng là loại bỏ sự tồn tại của “những chàng trai đẹp như hoa” Flower 4. Họ bị thay thế bằng High 4 – “những chàng trai cao mét tám”. Tiếp đó, H4 cũng tỏ ra không mặn mà với cuộc sống giàu sang của mình. Mọi trò phá phách của họ chỉ nhằm đến một mục tiêu duy nhất: bị đuổi học, tự bước đi trên đôi chân của mình.

Đâu là phiên bản chuyển thể Con nhà giàu hay nhất?-4
“Cùng ngắm mưa sao băng” gặt hái thành công rực rỡ tại Trung Quốc.

Tình huống “cải biên F4” tương tự cũng xảy ra với Vườn sao băng (2018). Nhưng thay vì gọi họ bằng một cái tên khác, bản phim 2018 biến bốn anh chàng thành nhóm học sinh ưu tú. Trên thông tinh văn, dưới tường địa lý, ngoại ngữ làu làu như cháo chảy, được thầy yêu bạn mến… đây chính là mô tả chung của phiên bản F4 “thế hệ mới này”.

Cũng vì sự đảo lộn này, mà nhân vật nữ chính (Thẩm Nguyệt) của Vườn sao băng (2018) cũng mất đi đối trọng, trở thành một cô bánh bèo sũng nước mắt. Cô ưa dựa dẫm, lại còn dễ dãi khi thường xuyên để người khác hôn mình.

Tạm gác lại một bên chất lượng hay dở, nếu chỉ xem xét dưới góc độ của một bộ phim chuyển thể, thì cả hai bộ phim của Trung Quốc đều không thể coi là phiên bản chuyển thể trung thành với nguyên tác Con nhà giàu.

Mỗi phiên bản chuyển thể của Con nhà giàu đều phản ánh những đặc trưng riêng của thời đại, cũng như nền văn hóa đã làm ra đó. Tuy nhiên, điểm chung của tất cả bộ phim này đều là tinh thần lạc quan, vui tươi của tuổi trẻ.

Theo Zing