Dấu hiệu và cách xử trí cơn thiếu máu não thoáng qua
Ảnh minh họa. Nguồn: TTTTGDSK Đồng Nai
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường xảy ra đột ngột trong khoảng thời gian ngắn, thường là dưới 1 giờ do sự lưu thông của máu trong động mạch bị giảm vì động mạch bị hẹp, bị co thắt hoặc bị tắc nghẽn do một cục máu đông hay một mảng xơ vữa từ động mạch lớn lưu thông đến một mạch máu nhỏ ở não.
Nguyên nhân gây ra cơn thiếu mãu não thoáng qua
Hầu hết các trường hợp vào viện vì cơn thiếu máu não thoáng qua đều do cục máu đông. Cục máu đông có thể là kết quả của xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim… Cục máu đông có thể làm tắc nghẽn dòng máu tới một phần não bộ. Tế bào não bị ảnh hưởng chỉ trong vòng vài giây sau khi dòng máu bị tắc nghẽn gây ra các triệu chứng ở các phần của cơ thể được kiểm soát bởi các tế bào não này. Sau khi cục máu tan ra các triệu chứng sẽ biến mất. Đôi khi, cơn thiếu máu não thoáng qua là do tụt huyết áp mạnh làm giảm lưu lượng máu lên não. Có nhiều yếu tố tác động đến cơn thiếu máu não thoáng qua như: Chủng tộc, tuổi, do di truyền. Những người có nguy cơ bị cơn thiếu máu não thoáng qua là: Người có cha mẹ bị bệnh tim mạch; người trên 55 tuổi ở nam gặp nhiều hơn nữ; người bị béo phì; người mắc các bệnh tăng huyết áp, bệnh van tim, suy tim, đái tháo đường, cholesterol trong máu cao, hút thuốc lá, sử dụng ma túy…
Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể xảy ra 1 lần, nhiều lần và dẫn đến tai biến mạch máu não (đột quỵ). Những người bị cơn thiếu máu não thoáng qua 1 lần có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 9 lần những người chưa bị lần nào; có đến 40% người đã từng mắc phải những cơn thiếu mãu não thoáng qua sẽ gặp phải 1 cơn đột quỵ.
Dấu hiệu và cách xử trí
Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua tương tự như triệu chứng của đột quỵ. Nhưng triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua không kéo dài. Hầu như các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng từ 10 đến 20 phú. Thiếu máu não thoáng qua được chia làm hai thể là xuất huyết não và nhồi máu não với 2 loại triệu chứng chủ yếu là triệu chứng điển hình và không điển hình. Triệu chứng điển hình là cảm giác nặng ở cánh tay, chân, làm rớt đồ vật đang cầm trên tay, thay đổi dáng đi, mất đồng bộ phối hợp trong vận động, thay đổi về cảm giác, tê rần, kiến bò, rối loạn giọng nói, nói khó, lộn xộn, sai lệch, không nói được, mất thăng bằng, chóng mặt bản thân quay hoặc đồ vật xung quanh quay.
Triệu chứng không điển hình là cơn choáng, ngất xỉu, bần thần, nhức đầu nhẹ, quên thoáng qua, nôn, buồn nôn, co giật, liệt mặt, đau ở mắt, méo miệng.
Khi bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua như chỉ choáng nhẹ, mất thăng bằng, chúng ta nên để bệnh nhân trên giường ở một mặt phẳng thông thoáng. Tháo bớt quần áo, nếu có áo khoác, cà vạt, thắt lưng thì tháo ra hoặc nới lỏng. Để đầu thấp để máu lưu thông lên não được dễ dàng, sau khi bệnh nhân tỉnh táo thì cho uống nước, sữa, ăn cháo loãng rồi để bệnh nhân nằm nghỉ yên tĩnh hồi phục.
Trong trường hợp bệnh nhân lơ mơ, ngất xỉu và có dấu hiệu nôn ói. Hãy đặt bệnh nhân ở tư thế hồi phục với các bước như sau: Cho nạn nhân nằm ngửa một tay đặt vuông góc với chân. Chân đối diện co lên vắt tay cùng bên với chân sang vai bên kia rồi lật nạn nhân sang một bên, lấy tay gối lên đầu bệnh nhân tay kia để vuông góc với thân giúp bệnh nhân thông thoáng đường thở. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị. (Ở bệnh nhân hôn mê không nên để bệnh nhân nằm ngửa vì sẽ làm lưỡi bị tụt xuống, làm lấp tắc đường thở từ đó dẫn đến suy hô hấp).
Trong điều trị cơn thiếu mãu não thoáng qua cần tuân thủ và thực hiện theo nguyên tắc FAST (có nghĩa là nhanh).
Đồng thời FAST là chữ viết tắt để nhớ những dấu hiệu của đột quỵ và những điều nên làm nếu bạn nghĩ đột quỵ đã xảy ra.
FAST có nghĩa là:
– (F)ACE (mặt): Yêu cầu bệnh nhân cười; kiểm tra để phát hiện nếu một bên mặt rũ xuống.
– (A)RMS (tay): Yêu cầu bệnh nhân đưa cả hai tay lên; kiểm tra để phát hiện nếu một tay rơi xuống.
– (S)PEECH (nói chuyện): Yêu cầu bệnh nhân lặp lại một câu đơn giản; kiểm tra để phát hiện nếu nói những từ không trôi chảy và kiểm tra sự lặp lại chính xác câu.
– (T)IME (thời gian): Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng nào của các triệu chứng này, thời gian là quan trọng để đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh chóng nếu có thể hoặc gọi cấp cứu 115.
Việc điều trị tích cực trong vòng 1 – 3 giờ và không quá 6 giờ có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm hạn chế những di chứng sau này. Nếu để quá lâu, tế bào não vì thế mà bị chết nhiều hơn thì nguy cơ tàn phế ở bệnh nhân là rất cao và di chứng để lại rất nặng nề.
Lời khuyên của bác sĩ
Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải những cơn thiếu máu não thoáng qua, nguy cơ càng cao khi chúng ta lớn tuổi cũng như bị các bệnh liên quan như trên. Vì vậy để hạn chế xảy ra cơn thiếu máu não thoáng, chúng ta cần phải kiểm soát và thay đổi những nguy cơ, hành vi có thể thay đổi được như: Có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, tập thể dục, bỏ thuốc lá, rượu, bia. Những người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp phải kiểm soát được đường huyết của mình… Đối với những người không có yếu tố nguy cơ thì thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị dứt điểm các dấu hiệu nguy cơ nếu có.
Cơn thiếu máu não thoáng qua là một cảnh báo, nghĩa là người bệnh có khả năng bị đột quỵ trong tương lai vì vậy cần điều trị sớm có thể giúp phòng ngừa đột quỵ. Nếu bạn nghĩ bạn hoặc người thân bị cơn thiếu máu não thoáng qua nhưng các triệu chứng đã biến mất thì vẫn cần phải đi khám sức khỏe để có cách phòng ngừa đúng.
Để điều trị hiệu quả, khi có dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, nhằm tránh mất thời gian trong nguyên tắc điều trị cơn thiếu mãu não thoáng qua và đột quỵ. Không nên cho bệnh nhân uống các loại thuốc hỗ trợ như huyết áp, tiểu đường vì điều này có thể làm cho tình trạng bệnh nhân càng nặng hơn. Nếu như người bị đột quỵ chỉ dùng 1 loại thuốc thì người bị cơn thiếu mãu não thoáng qua sẽ sử dụng 2 loại thuốc và thời gian điều trị thường từ 1-3 tháng để hồi phục.