Dấu hiệu nhận biết cơn đau do sỏi thận – VnExpress

Các cơn đau do sỏi thận thường xảy ra ở hông, lưng dưới, xảy ra theo từng đợt với cường độ không đồng nhất.

Các chuyên gia cho biết, sỏi thận có thể phát triển một cách thầm lặng mà không gây ra bất cứ triệu chứng nào rõ ràng trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Tuy nhiên, khi sỏi bị vỡ, những mảnh nhỏ có thể chặn niệu quản (ống nhỏ dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang) và bắt đầu gây ra các cơn đau.

Đặc điểm của các cơn đau

Theo các bác sĩ chuyên khoa thận và tiết niệu, các cơn đau thường xảy ra khi sỏi chặn dòng nước tiểu. Nước tiểu ứ đọng khiến thận sưng lên và gây ra cảm giác khó chịu. Kích thước sỏi không phải là yếu tố quan trọng quyết định mức độ đau. Ngay cả những viên sỏi nhỏ cũng có thể mắc kẹt trong niệu quản, dẫn đến ứ đọng nước tiểu và gây đau dữ dội.

Khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu, các cơn đau có thể chuyển từ khu vực hai bên lưng dưới, sang bụng hoặc ở vùng háng. Cảm giác phổ biến được mô tả là đau nhói, như dao đâm.

Triệu chứng thường giống nhau ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, đối với nam giới, cơn đau có thể lan đến bộ phận sinh dục khi sỏi thận ở vị trí thấp trong niệu quản.

Một số đặc điểm của đau do sỏi thận có thể kể đến như đau dữ dội ở hông, lưng và dưới xương sườn. Cơn đau lan xuống vùng bụng dưới và háng. Các cơn đau xuất hiện theo từng đợt và cường độ không giống nhau. Người bệnh cũng cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu. Ngoài ra, các vị trí và cường độ sẽ thay đổi khi viên sỏi di chuyển đến các khu vực khác nhau trong đường tiết niệu.

Sỏi thận có thể gây ra các cơn đau ở nhiều vị trí khác nhau. Ảnh: Xframe

Sỏi thận có thể gây ra các cơn đau ở nhiều vị trí khác nhau. Ảnh: Xframe

Dấu hiệu cần can thiệp của bác sĩ

Người bệnh cần tìm gặp bác sĩ ngay lập tức đến gặp các triệu chứng như: đau dữ dội đến mức không thể ngồi một cách thoải mái, đau kèm buồn nôn và nôn ói, đau kèm theo triệu chứng sốt và ớn lạnh, tiểu ra máu, khó đi tiểu, cảm thấy nóng rát khi đi tiểu.

Người bệnh vừa mắc sỏi thận, vừa mắc nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ cần phải được điều trị sớm để tránh nhiễm trùng máu. Theo giải thích của các bác sĩ, khi nước tiểu ứ đọng do sỏi thận chặn niệu quản, nước tiểu có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến nhiễm trùng lan ra các mô thận, hoặc lan sang các mạch máu và gây nhiễm trùng máu.

Tuy vậy, nếu các cơn đau không quá nghiêm trọng, người bị sỏi thận có thể được cấp thuốc giảm đau và hướng dẫn phương pháp để đào thải sỏi tại nhà. Bệnh nhân sẽ được khuyên uống nhiều nước lọc hoặc nước hoa quả chua như chanh, cam bưởi để gia tăng số lần đi tiểu, giúp sỏi di chuyển liên tục và sớm đào thải ra khỏi cơ thể.

Khoảng 80% những viên sỏi thận kích thước dưới 4 mm sẽ tự đào thải ra khỏi cơ thể trong trung bình 31 ngày. Sỏi từ 4-6mm có khả năng cần phải điều trị. Tỷ lệ những viên sỏi kích thước này tự trôi ra khỏi cơ thể là 60% và thường mất trung bình 45 ngày.

Thảo Miên (Theo Mayo, Everydayhealth)