Dấu hiệu cảnh báo sinh non – VnExpress
Việc sớm phát hiện các dấu hiệu sinh non sẽ phần nào ngăn được cơn chuyển dạ và tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Một thai kỳ điển hình kéo dài khoảng 40 tuần. Tuy nhiên, đôi khi chuyển dạ bắt đầu sớm vì các cơn co thắt tử cung có thể khiến cổ tử cung mở sớm hơn bình thường. Theo các nhà khoa học, tình trạng sinh non thường xảy ra sau tuần 20 và trước tuần 37 của thai kỳ. Sinh non là tình trạng nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng cho sức khỏe của bé và thậm chí dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là những dấu hiệu dự báo sinh non.
Cơn gò
Sau khoảng 30 tuần mang thai, nhiều bà bầu nhận thấy tử cung thỉnh thoảng có những cơn co thắt. Những cơn co thắt không chuyển dạ này được gọi là cơn gò giả (braxton hick). Đây là cách cơ thể chuẩn bị cho việc sinh nở bằng cách làm mềm và mỏng cổ tử cung. Chúng không gây đau và có xu hướng xảy ra khi thai phụ mệt mỏi hoặc gắng sức và thường ngừng lại khi cơ thể được nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, khi các cơn co thắt xảy ra đều đặn và dần dần trở nên thường xuyên hoặc đau đớn hơn thì đó là dấu hiệu của cơn gò chuyển dạ sinh non. Theo các chuyên gia y tế, các bà mẹ ở tuần thai thứ 37 nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các biểu hiện như cơn gò mạnh, đau, đi kèm tình trạng chuột rút với cường độ tăng dần và cảm giác đau bao quanh bụng.
Sinh non càng xảy ra sớm thì nguy cơ sức khỏe cho em bé của bạn càng lớn. Ảnh: Freepik
Chảy máu
Chảy máu khi mang thai là hiện tượng phổ biến, nhất là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, sản phụ ra máu nhiều vào giai đoạn cuối là vấn đề nghiêm trọng. Theo các chuyên gia y tế, hiện tượng này có thể là dấu hiệu sinh non hoặc nhau thai có vấn đề. Do đó, thai phụ nên lưu ý trước bất kỳ tình trạng chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân. Nếu các bà mẹ nhận thấy dịch tiết âm đạo thay đổi, hãy đến bệnh viện sớm.
Vỡ nước ối
Dịch ối được sản xuất liên tục trong quá trình phát triển của thai nhi. Thông thường, nước ối sẽ duy trì ổn định trong túi ối cho đến thời điểm chuyển dạ, khi trẻ được đưa ra ngoài. Tuy nhiên do nhiều yếu tố mà không ít thai phụ bị vỡ ối sớm dẫn đến sinh non.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vỡ ối sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và trẻ. Vì thế, các thai phụ cần phòng ngừa và phát hiện sớm vỡ ối sớm bằng việc khám thai, siêu âm định kỳ.
Đau lưng âm ỉ
Các cơn co thắt sớm hoặc chuyển dạ sớm có thể khiến một số người cảm thấy đau lưng. Theo các chuyên gia, cơn đau lưng có thể đến rồi đi hoặc dai dẳng nhưng thường nằm ở lưng dưới. Ngoài ra, cơn đau này không thuyên giảm khi thai phụ thay đổi tư thế.
Theo Hội Sản Phụ khoa Mỹ, các yếu tố sau có thể góp phần gây đau lưng khi mang thai như: nội tiết tố, tăng trọng lượng cơ thể và tử cung mở rộng.
Cách tránh chuyển dạ sớm
Theo các chuyên gia y tế, để các thai phụ tránh chuyển dạ sớm là rất khó. Tuy nhiên, một số cách sau đây có thể giảm nguy cơ chuyển dạ sinh non.
Sống lành mạnh: Lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc kích thích hoặc sử dụng thuốc theo toa không đúng cách có thể giúp thai phụ phòng tránh nguy cơ sinh non.
Giữ tâm trạng thoải mái: Tinh thần tốt là một yếu tố giúp thai phụ và thai nhi khỏe mạnh. Theo đó, các thai phụ cần ăn thực phẩm lành mạnh và uống vitamin trước khi sinh. Đồng thời, tập thói quen vận động bằng cách đi dạo, đọc sách hoặc dành thời gian để thư giãn mỗi ngày.
Ngoài ra, thai phụ cũng cần tuân thủ việc khám thai định kỳ và sớm điều trị các tình trạng y tế đang mắc phải như tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, trầm cảm hoặc nhiễm trùng âm đạo.
Huyền My (Theo Cleveland Clinic, Parents.com)