Đấu bò tót – trò man rợ nhưng vinh quang ở Tây Ban Nha
Đấu bò tót, một nét văn hóa đặc trưng tại Tây Ban Nha, có những góc khuất không phải ai cũng biết.
Phòng vé tại trường đấu bò Las Ventas ở Madrid chật ních người, như thường lệ vào mỗi đầu tháng 5. Tiếng hò reo vang khắp các khán đài. Nhưng trong khoảnh khắc đấu thủ bước vào đấu trường, cả khán đài im bặt. Khán giả nín thở theo dõi và bùng nổ với tiếng vỗ tay khi người đấu bò trong chiếc áo choàng đỏ và chiếc mũ vàng rực rỡ đối đầu với những con bò đực. Sau Madrid, lễ hội truyền thống nguy hiểm này sẽ diễn ra ở tất cả các thành phố lớn tại Tây Ban Nha cho tới cuối mùa thu.
Nhiều nơi trên thế giới và ngay cả bản thân những người Tây Ban Nha cũng có những tranh cãi với loại hình giải trí này. Một số tin rằng đây là nét văn hoá man rợ, những người khác lại cho rằng cuộc đọ sức cao cả giữa con người và động vật này là minh chứng rõ ràng nhất cho cái tôi và tinh thần dân tộc.
Người đấu sĩ bò tót được xem là thể hiện nhiều phẩm chất đáng quý của người Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters/Vostock Photo
Cái chết vinh quang
Đối với các fan, đấu bò được coi một sự kiện lớn, một ngày lễ long trọng và cái chết thậm chí còn được coi là vinh quang chứ không đáng buồn. “Nếu loại bỏ cái chết khỏi trận đấu bò, nó sẽ chỉ đơn giản là một màn xiếc thú”, đó là một trong số nhiều lời biện minh cho lễ hội truyền thống này khi nó được yêu cầu trở nên ít bạo lực hơn và tránh đổ máu.
“Ở các quốc gia khác, chết là hết. Thời khắc cái chết gần kề là lúc hạ màn. Còn ở Tây Ban Nha thì ngược lại, đó mới là lúc khai màn”, nhà thơ nổi tiếng Federico Garcia Lorca tin chắc rằng bằng đôi mắt tập trung cao độ và không chớp, một người Tây Ban Nha mới có thể thể hiện những phẩm chất tốt nhất – lòng dũng cảm, coi thường hiểm nguy và sự cao thượng. Vì vậy, từ đầu thế kỷ 18 đến nay, những màn trình diễn đấu bò với một kết cục đẫm máu gần như không thể tránh khỏi vẫn là một phần cuộc sống hàng ngày ở Tây Ban Nha. Jose Luis Bote, một cựu vận động viên đấu bò và hiện là giám đốc của trường dạy đấu bò mang tên Martial Lavender, cho biết: “Bất cứ người đấu bò nào khi ra trận đều biết rằng cái chết luôn cận kề nhưng họ không bao giờ nghĩ đến nó. Đó là công việc của họ”. Giải thưởng cao nhất cho một đấu sĩ là tai và đuôi được cắt ra từ con vật bị họ đánh bại, đồng nghĩa với việc con bò trở thành tài sản của người đấu sĩ.
“Làm sao mọi người biết được làm nghề này phải đánh đổi bao nhiêu máu và nước mắt chứ”, Bote vén áo lên, cơ thể anh chằng chịt những vết sẹo. Ba lần trong 25 năm sự nghiệp của mình với tư cách là một đấu sĩ, anh đã liên tục đối mặt với tử thần. Lần đầu tiên là vào năm 17 tuổi, anh bị một con bò tót đâm sừng vào tĩnh mạch đùi. “Với vết thương như vậy, chỉ cần cấp cứu chậm vài phút thôi là tôi đã có thể chết do mất máu cấp. Họ khâu vết thương cho tôi ngay trên sân. Lần tiếp theo, con bò đã xé toạc bụng tôi. Trong vòng 48 giờ, không ai nghĩ rằng tôi còn sống: sừng đã xuyên qua đại tràng, gan và tụy. Tôi đã phải nằm bệnh viện một năm rưỡi, nhưng tôi đã vượt qua được. Lần thứ ba, tôi bị húc thẳng vào cột sống, làm tê liệt toàn bộ phần thân dưới. Các bác sĩ từng nói rằng tôi sẽ dành phần đời còn lại trên xe lăn”.
Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra, Bote đã đứng dậy, nhưng phải đi khập khiễng. Không bỏ cuộc, anh ấy phải nghĩ ra kỹ thuật chiến đấu của riêng mình. “Chúng tôi có một luật bất thành văn. Đó là không được mặc lại một bộ đồ mà bạn từng bị thương khi mặc trước đây. Tuy nhiên, tôi đã mặc nó với mục đích phá vỡ giới hạn bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Tại sao? Vì tôi cảm thấy mình không thể rời đi khi vẫn chưa có một trận đấu để đời”.
Trở thành đấu sĩ để thoát nghèo
Nghề võ sĩ đấu bò nguy hiểm nhưng có sức hấp dẫn khủng khiếp với người Tây Ban Nha. Chỉ khoảng nửa thế kỷ trước, những cậu bé nghèo sẵn sàng đặt cược mạng sống của mình để đánh đổi sự giàu có và nổi tiếng, thường tự luyện tập với những con bò tót của người khác vào ban đêm một cách bí mật. Năm 1976, ngôi trường dạy đấu bò đầu tiên được mở ở Madrid và kể từ đó, ai cũng có thể học cách trở thành một đấu sĩ.
“Khi lớn lên, cậu bé nào cũng mơ ước được trải qua một cuộc phiêu lưu mạo hiểm và trở thành ngôi sao. Và có lẽ, điều này tiếp tục thu hút những người trẻ tuổi, mặc dù vinh quang của người đấu bò không còn như trước đây, và nhu cầu kiếm tiền bằng cách buộc phải đánh đổi mạng sống như thế này không còn nữa”, Bote nói. Đối với chính Bote, ban đầu anh lựa chọn trở thành một đấu sĩ để thoát cảnh nghèo đói. Vào cuối những năm 1960, những đấu sĩ bò tót thành công kiếm được số tiền khổng lồ và trở thành thần tượng giống như những cầu thủ bóng đá ngày nay. Hiện tại, họ được trả khoảng 35.000 cho đến 350.000 euro cho một buổi tối tại nhà thi đấu.
Nghề đấu bò vinh quang nhưng có nhiều góc khuất. Ảnh: AP/EastNews
Số phận của những con bò tót
Sự hổ thẹn của một người đấu sĩ lại là vinh dự của người chăn nuôi bò tót. Nếu con bò đực mà anh ta nuôi chiến thắng người đấu sĩ và thể hiện những phẩm chất chiến đấu đặc biệt, đồng nghĩa người chăn nuôi đã thực hiện công việc của mình một cách hoàn hảo. Sau đó, con bò đực được rời khỏi đấu trường để tiếp tục sinh ra những thế hệ bò con hung hãn.
Trang trại gia súc danh giá của Alvaro Nunez cung cấp bò cho các cuộc đấu trên toàn quốc với giá 13.000 euro/con, mặc dù một con bò đực nhỏ hơn có thể được mua với giá bằng 1/3 số tiền đó. Alvaro giải thích: “Thương hiệu của chúng tôi được tin tưởng vì những con vật thể hiện kết quả xuất sắc, không bỏ chạy khỏi cuộc chiến và luôn tấn công”.
Chiều cao trung bình đến vai của một con bò tót trưởng thành là 155 cm. Cân nặng của con đực là 500 kg, con cái là 350 kg. Những con bò đực ở độ tuổi 4-6, nặng 410-460 kg là đủ điều kiện tham gia một cuộc đấu. Nunez cho biết: “Những con bò đực thường hay đánh nhau, vì vậy chúng tôi đặt những lớp bọc đặc biệt lên sừng cho những con đầu đàn, nếu không chúng có thể sẽ giết lẫn nhau”. Với chi phí nuôi một con bò tót vào khoảng 4.000 euro, Nunez không tiếc khi chuyển chúng đến những sàn đấu bò. Ngược lại, anh còn vui mừng vì cuối cùng các con vật cũng có thể bộc lộ bản chất hoang dã. “Vì quá tải, chúng tôi không thể giữ cả đàn gia súc và phải gửi một số con đến lò mổ. Nếu như trong đấu trường, chúng chiến thắng được đấu sĩ thì sẽ được bảo vệ. Còn nếu nó chết trong trận đấu, làm sao có một cái chết vinh quang hơn?”
Các quy định về đấu bò tót yêu cầu các đấu sĩ giết con vật bằng cách đâm thanh kiếm vào chính giữa đốt sống thứ 3 và thứ 4. Đây là một điều khó khăn vì tại thời điểm giáng đòn chí mạng ấy, đấu sĩ có nguy cơ cao bị húc bởi những cặp sừng sắc nhọn. Nếu đấu sĩ không hạ được đối thủ bằng một động tác ấy và gây ra sự đau đớn không cần thiết cho con vật, nhờ đến sự giúp đỡ của các trợ lý, đồng nghĩa với việc anh ta đã không làm tốt nhiệm vụ của mình, xứng đáng bị thổi còi ra khỏi sân thay vì vỗ tay.
Những khán giả cực đoan
Vận động viên đấu bò người Bồ Đào Nha João Mora từng đứng trên bãi cát vàng của nhà thi đấu Las Ventas ở Madrid và bật khóc. Đây là buổi biểu diễn cuối cùng của anh sau gần 40 năm sự nghiệp lẫy lừng, tuy nhiên Mora thất bại trong việc giết con bò chỉ bằng một nhát kiếm. Anh ta xấu hổ và khán giả thì la ó.
Khán giả xem đấu bò cuồng nhiệt. Ảnh: AFP/EastNews
Khán giả cư xử như thể không có chút run sợ nào khi nói đến một cuộc đấu tay đôi chết người. Họ ăn uống, nhấm nháp hạt hướng dương và hút thuốc. Khán giả không chỉ vô tình đến một trận đấu bò ở Tây Ban Nha bởi vì không có việc gì phải làm. Đối với họ, đấu sĩ là một thần tượng, hiện thân của niềm tin rằng khi đối mặt với cái chết, người ta vẫn có thể can đảm, thanh lịch và kiêu hãnh. Nếu đấu sĩ không đủ khả năng để thoả mãn những kỳ vọng này, khán giả sẽ nhẫn tâm quay lưng với anh ta.
Ngày nay, nhiều người Tây Ban Nha không còn quá quan tâm đến đấu bò. Dưới áp lực của các phong trào xã hội ủng hộ việc cấm đổ máu trong đấu trường, nghi lễ chết chóc đang dần mai một. Tuy nhiên, lễ hội này đã in sâu vào đời sống, khiến nhiều người vẫn luôn gọi “xứ sở bò tót” khi nhắc đến đất nước này.
Duy Phong (Theo Vokrug Sveta)