Dấu ấn nông sản Việt

Đóng gói bưởi xuất khẩu tại nhà máy Công ty Chánh Thu. 	Ảnh: C.T Đóng gói bưởi xuất khẩu tại nhà máy Công ty Chánh Thu. Ảnh: C.T

Chính danh vào thị trường khó tính

Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, trái nhãn tươi vào Nhật Bản, trái bưởi vào Mỹ và Anh… Hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chính danh bước chân vào những thị trường “khó tính”, đánh dấu mốc son cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, nhiều loại đặc sản của Việt Nam sẽ trở thành mặt hàng phục vụ Tết tại nhiều nước lớn.

Với nhiều mặt hàng mới được xuất khẩu chính ngạch sang những thị trường lớn đã đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc trên 49 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 11,8%, vượt con số kỷ lục 48,6 tỷ USD của cả năm 2021.

Sau đặc sản bưởi đỏ Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tiếp tục có lô bưởi Diễn Yên Thủy đầu tiên đạt tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh. Lô hàng này được vận chuyển theo đường biển và dự kiến cập cảng nước Anh vào đúng dịp tết Nguyên đán 2023.

Cùng với đặc sản của Hòa Bình, cuối tháng 11/2022, lô hàng bưởi da xanh Bến Tre cũng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ, đưa loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Đây là trái cây có thời gian bảo quản dài, hứa hẹn là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường rộng lớn và là một trong những thị trường khó tính bậc nhất hiện nay. Đồng thời qua đó giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại trái cây đặc sản này.

Với thị trường Trung Quốc, nước nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau thị trường Mỹ. Mới đây, quả ớt tươi đã chính thức được xuất khẩu trở lại cùng với 9 loại hoa quả và thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng đã mở ra cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường rộng lớn này.

Nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu thành công sang thị trường khó tính có sự đầu tư đóng góp rất lớn từ người trồng và doanh nghiệp.

Là người có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây nhiều năm đi Mỹ và các thị trường lớn trên thế giới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VINA T&T chia sẻ, VINA T&T đã kết hợp cùng nông dân xây dựng các vùng trồng đảm bảo chất lượng, tuân thủ không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật mà các thị trường nhập khẩu cấm. “Muốn xuất khẩu đi các quốc gia khó tính, như đối với Mỹ thì cần có mã vùng trồng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp, đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá và cấp mã số đóng gói, các lô hàng xuất qua Mỹ cần chiếu xạ; thị trường châu Âu, yêu cầu phải có chứng nhận Global G.A.P., chứng nhận môi trường SMETA, ISO hay HACCP…”- ông Tùng chia sẻ kinh nghiệm.

Không chỉ mặt hàng trái cây, mặt hàng gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đã tạo dấu ấn trên trường quốc tế bằng chất lượng khi gạo Việt vượt gạo Thái Lan – đối thủ xuất khẩu lớn nhất trong phân khúc gạo. Hiện cả ở sân nhà lẫn trên thị trường quốc tế, gạo Việt đang dần thay thế gạo Thái Lan đến mức chiến lược của Thái Lan cũng đã phải thay đổi bởi sự lớn mạnh của gạo Việt. Theo các doanh nghiệp, gạo Việt Nam mới đây cũng ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành “bữa trưa đặc biệt” tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi ở châu Âu, thương hiệu gạo Việt được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, kết quả trên là hành trình nghiên cứu lai tạo của các nhà nông học, là quá trình liên kết, hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ chức nông dân; câu chuyện “4 nhà” (nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) trên những cánh đồng… Từ đó, giá trị lúa gạo có được từ chất lượng và sự thay đổi, thích ứng, phù hợp với xu thế thị trường.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ USD

Với nhiều mặt hàng mới được xuất khẩu chính ngạch sang những thị trường lớn đã đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc trên 49 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 11,8%, vượt con số kỷ lục 48,6 tỷ USD của cả năm 2021. Chia sẻ niềm vui về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, ngành nông nghiệp được Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD, nhưng khả năng sẽ đạt tới 53 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của toàn ngành trong điều kiện phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch.

Điều đáng nói trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, nhu cầu hàng hoá từ các thị trường có xu hướng giảm nhưng ngành nông nghiệp đã đạt được những điểm sáng tích cực. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đến nay đã đạt trên 6,5 triệu tấn vượt mục tiêu của cả năm hay ngành thuỷ sản cũng đạt kế hoạch 10 tỷ USD trước 1 tháng, mức cao nhất từ trước tới nay; mặt hàng cà phê đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng trên 31% so với năm trước… Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu trong nhóm tỷ USD ngày một tăng. Đến nay, ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Một trong những nguyên nhân quan trọng để ngành nông nghiệp đạt được kết quả trên, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là nhờ việc thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm thay vì theo đuổi sản lượng.

Chỉ ra tỷ trọng từ thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cơ cấu thị trường XK nông sản của Việt Nam hiện nay: Trung Quốc trên 18%; Mỹ trên 26%; châu Âu và một số thị trường khác gần 40%… Như vậy, từ một số khó khăn của thị trường, buộc doanh nghiệp phải xoay chuyển tình thế để phù hợp, bằng 3 giải pháp: một là, tập trung chế biến sâu; hai là, nguyên liệu phải truy xuất được nguồn gốc; ba là, xúc tiến thị trường một cách linh hoạt.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Đình Tùng cho rằng, cần phải đảm bảo vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa và công nghệ bảo quản: đối với mặt hàng trái cây tươi thì cần phải thu hoạch, xử lý, vận chuyển từ trang trại tới nhà máy trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các khâu trong quy trình cần phải khớp với các mốc thời gian. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho rằng các doanh nghiệp trong ngành đã có sự cải cách, thay đổi, đầu tư số hóa, đa dạng các mặt hàng, sản phẩm có chiều sâu hơn so với xuất thô như trước đây. Riêng công ty đã đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng cho tới chế biến thành phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, công ty còn tăng cường việc bán hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán tiếp tục mở rộng mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch, đồng thời triển khai mở rộng nhiều thị trường để giảm áp lực thị trường Trung Quốc cũng như thu được giá trị cao hơn. Theo đó, sẽ đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để không chỉ đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản… đều có thể đáp ứng được. Cộng với đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn các thị trường. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa thị trường truyền thống, tập trung phát huy các thị trường ngách, thị trường mới cũng cần nghiên cứu, phát huy. Phát triển toàn diện các thị trường, vừa để phát triển sản xuất vừa để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.