Dấu ấn 28 năm của GE tại Việt Nam

Có mặt từ năm 1993, GE là tập đoàn đa quốc gia gắn liền với quá trình mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế Việt Nam với ba thành tựu chính. Cụ
thể, công ty đã xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng “made in Vietnam” ra thị trường toàn cầu; tham gia xây dựng hạ tầng thiết yếu, góp phần vào
quá trình đổi mới và phát triển kinh tế; tạo dựng vị thế thị trường cho sản phẩm và giải pháp GE.

Những dấu ấn của GE hiện diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đại diện GE, cứ trung bình hai cơ sở y tế
Việt Nam hiện nay, sẽ có một cơ sở đang sử dụng thiết bị của GE với dải rộng về chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp, cộng hưởng từ, X-quang, siêu
âm, can thiệp tim mạch…

Ông Phạm Hồng Sơn – Tổng giám đốc GE Việt Nam đánh giá, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu lớn trong
chăm sóc y tế cao cấp. Trên thực tế, nhiều người Việt vẫn ra nước ngoài điều trị hằng năm, các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào thiết bị, chất
lượng để giữ chân bệnh nhân ở lại. Mô hình du lịch y tế được phát triển để thu hút bệnh nhân tại các nước phát triển đến du lịch và điều trị với
chi phí vừa phải.

Trong bối cảnh đó, GE đã tiếp cận thành công khách hàng. Ước tính gần 30% công suất điện lắp đặt của cả nước được tạo ra từ các thiết bị máy móc của GE.
Công ty cũng có mặt trên các hệ thống truyền tải điện quốc gia từ Nam tới Bắc, từ đồng bằng đến miền cao.

Trong ngành năng lượng, GE xuất hiện trong các giai đoạn của ngành điện khí Việt Nam. Năm 1995, GE bàn giao tuabin khí công suất lớn cho nhà
máy điện Phú Mỹ 2, sau đó cung cấp cho nhà máy điện Phú Mỹ 4, nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 1. Mười năm sau, GE cung cấp hai lò tầng
sôi tuần hoàn (CFB) lớn và năng lượng than sạch cho lưới điện quốc gia tại Nhiệt điện Thăng Long.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cũng lựa chọn hai bộ tua bin hơi nước và máy phát điện có hiệu suất cao của GE cho nhà máy nhiệt điện
Long Phú 1 ở Sóc Trăng công suất 1.200 MW điện, cung cấp điện cho khoảng bốn triệu hộ dân.

Vào tháng 5/2017, GE công bố một loạt thỏa thuận hợp tác trị giá hai tỷ USD nhằm tăng sản lượng điện nội địa của Việt Nam thêm 2,3 GW, trong
đó có mục tiêu phát triển các dự án điện khí tổng công suất 1.500 MW, thỏa thuận phát triển chung trang trại điện gió Phú Cường 800MW tại Sóc
Trăng.

Ông Phạm Hồng Sơn đánh giá GE là nhà cung cấp thiết bị điện gió có mặt sớm nhất, cung cấp hệ thống thiết bị, trang trại điện gió lớn nhất Việt
Nam.

Thiết bị điện gió cũng là một phần quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà GE đang theo đuổi với danh mục sản phẩm lớn. Năng lượng tái
tạo và số lượng thiết bị GE đã lắp đặt tạo nguồn năng lượng sạch lên tới 370 GW.

Trong vai trò nhà cung cấp giải pháp và thiết bị cho điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam, GE kỳ vọng Chính phủ sẽ có nhiều chính sách
khuyến khích năng lượng tái tạo ở thị trường này. Doanh nghiệp này dự báo, điện mặt trời và điện gió sẽ trở nên sôi động trong những năm tới. Đây
cũng là những lĩnh vực GE quan tâm, đồng thời đang làm việc với đối tác và khách hàng để đẩy mạnh.

Với những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, GE Renewable Energy đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió
đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Bạc Liêu với 62 tua bin gió có công suất trên 99MW đã hòa lưới điện quốc gia năm 2013. Tiếp đó là sự hiện diện ở
các dự án điện gió Tây Nguyên, thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng), thủy điện Lai Châu, điện gió Phú Cường (Sóc Trăng), điện gió Mũi Né, điện gió Phương
Mai 1.

Từ năm 2017, GE Renewable Energy cung cấp 1 GW điện gió với các dự án quan trọng và tiếp tục nâng công suất. Theo phân tích của Tổng giám đốc
Phạm Hồng Sơn, Việt Nam là nơi nhập khẩu điện khí, nguồn thủy điện đã khai thác cạn trong khi nhu cầu năng lượng tăng trưởng 11-15% hằng năm.
“Những lĩnh vực GE tham gia sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, vì chúng ta vẫn chưa phát triển đủ để phục vụ kịp cho nhu cầu tăng trưởng”,
ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, Chính phủ đang hướng đến phát triển nguồn năng lượng tái tạo, phát triển điện khí và khí hóa lỏng đồng thời đưa ra những
chiến lược lớn cho hai lĩnh vực này. GE đánh giá các chính sách để phát triển hai lĩnh vực này khá hấp dẫn, chưa kể mảng năng lượng tái tạo hiện
chỉ mới phát triển trên bờ, trong khi ngoài khơi vẫn đang bỏ ngỏ.

Hành trình 28 năm hiện diện tại Việt Nam của GE bắt đầu từ sự kiện ngày 14/12/1992, khi Tổng thống George Bush lần đầu cho phép các công ty Mỹ
có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Sáu tháng sau, GE trở thành một trong số ít công ty Mỹ đầu tiên quay trở lại Việt Nam.

Tiếp đó, sự kiện Tổng thống Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam ngày 3/2/1994 đã mở ra quan hệ
kinh doanh song phương của các doanh nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ. Đây cũng là dấu mốc mở ra hành trình mới cho GE.

Trong các bài thuyết trình của ông Andre Sauvageot – Cựu trưởng đại diện GE tại Việt Nam (giai đoạn từ năm 1993-2003), GE đại diện tiểu ban
thương mại doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam kêu gọi Mỹ đổi mới chính sách thương mại với Việt Nam. Thuyết trình năm 2000 của vị trưởng đại diện này
ghi lại: “Kể từ khi Eximbank Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký thỏa thuận khung (1999), GE đã nhanh chóng tăng khả năng cạnh tranh với các đề
xuất tài trợ trực tiếp cho khách hàng tại Việt Nam được chấp thuận”. Còn theo thuyết trình năm 2002, nhờ quyết định bãi bỏ áp dụng điều khoản
Jackson-Vanik (điều khoản năm 1974 trong luật liên bang hạn chế thương mại với các quốc gia chưa có nền kinh tế thị trường), GE có vị thế tốt hơn
để cạnh tranh tại thị trường đang phát triển Việt Nam.

Ông Andre Sauvageot là trưởng đại diện đầu tiên của GE tại Việt Nam (từ 1993). Đến năm 2003, bà Nguyễn My Lan trở thành nữ tổng giám đốc người
Việt đầu tiên tại GE. Năm 2015, ông Phạm Hồng Sơn tiếp quản vị trí Tổng giám đốc đồng thời phụ trách mảng thiết bị y tế.

Song song đó, GE cũng mở rộng chiến lược kinh doanh tại Việt Nam thông qua hợp đồng thương mại với nhiều đối tác. Vào giữa thập niên 1990, GE
Medical Systems phải cạnh tranh gay gắt với các công ty quốc tế của Đức và Nhật (vốn không bị hạn chế thương mại) để bán thiết bị y tế cao cấp
trị giá 1,3 triệu USD (1993) được Ngân hàng Thế giới tài trợ; máy nén khí cho dự án vận chuyển khí ngoài khơi Bạch Hổ (1995); hợp đồng cho thuê
ba máy bay Boeing 767-300ER mới cho Vietnam Airlines…

Ngày nay, động cơ máy bay của GE chiếm hơn nửa số máy bay trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, theo đại diện GE. Bằng việc sử dụng công
nghệ độc quyền, GE Aviation cung cấp cho ngành hàng không Việt Nam những sản phẩm và dịch vụ quy mô lớn.

Cuối năm 2013, GE ký cung cấp 40 động cơ GEnx cho đội Boeing 787 Dreamliner của Vietnam Airlines và một hợp đồng khác cung cấp 40 động cơ CFM
cho máy bay A320/A321 CEO của VietJet Air. Trong năm 2017, VietJet ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing B737-MAX sử dụng động cơ LEAP-1B của CFM
(liên doanh giữa GE và đối tác từ Pháp) với trị giá 5,3 tỷ USD theo công bố của hãng.

Năm 2010, nhà máy sản xuất tuabin máy phát điện gió Hải Phòng do GE đầu tư đi vào hoạt động. Theo công bố của GE, đến nay nhà máy đã xuất khẩu
hơn 6.000 hệ thống máy phát điện gió, tạo giá trị xuất khẩu hằng năm hơn 300 triệu USD. “Đây là một trong bảy nhà máy theo mô hình thông minh của
GE toàn cầu, là thành công điển hình tạo tiền đề cho GE đầu tư vào các lĩnh vực khác và tiếp tục cân nhắc mở rộng sản xuất, phát triển thị trường
tại Việt Nam”, ông Sơn đánh giá.

Ở các lĩnh vực khác, GE không ngừng mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất. Năm 2015, GE mua Tập đoàn năng lượng và truyền tải điện Alstom, mở rộng
đầu tư vào xưởng dịch vụ Phú Mỹ, liên doanh Alstom với EVN trở thành một phần của GE từ cuối 2015.

Thời điểm đó, Steve Bolze – Chủ tịch và CEO của GE Power đã khẳng định việc sáp nhập Alstom giúp GE cung cấp giải pháp đồng bộ cho các nhà máy
điện, khai thác đúng nhu cầu của thị trường tuabin khí công suất lớn cho các nhà máy điện khí.

Năm 2016, GE Power tiếp tục mua nhà máy sản xuất lò hơi thu hồi nhiệt (HRSG) Doosan E&C tại Dung Quất, mở rộng chuỗi sản xuất của GE trên
bản đồ công nghiệp Việt Nam. Thương vụ này giúp GE Power đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giải pháp sử dụng công nghệ HRSG cho nhà máy điện chu
trình hỗn hợp và mở rộng dịch vụ cho khách hàng.

Cuối năm 2012, GE thành lập trung tâm Thiết kế Kỹ thuật Việt Nam (GE VEC) đầu tiên với khoảng 40 kỹ sư, thiết kế sản phẩm và dịch vụ ứng dụng
trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt tại Việt Nam và khu vực lân cận.

Tháng 7/2017, Baker Hughes, một công ty của GE hoàn tất sáp nhập bộ phận GE Oil & Gas, trở thành nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ, giải pháp
kỹ thuật số xuyên suốt trong ngành dầu khí.

Theo đại diện GE, các sản phẩm của công ty mang hàm lượng công nghệ cao và giá trị lớn. Do đó, thách thức đặt ra cho GE là thuyết phục khách
hàng đánh giá đúng hàm lượng công nghệ, đúng giá trị lâu dài trên toàn bộ vòng đời dự án, sản phẩm thay vì chỉ so sánh về giá. Dù vậy, ông Phạm
Hồng Sơn – Tổng giám đốc GE vẫn tin tưởng khoảng cách hay rào cản sẽ được rút ngắn bằng những nỗ lực của con người GE.

Trong kế hoạch dài hạn tại Việt Nam, CEO Phạm Hồng Sơn cho biết, GE sẽ đầu tư mở rộng các hoạt động sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng toàn
cầu, song song với việc tìm kiếm cơ hội để phát triển thị trường Việt Nam.

Dấu ấn 28 năm của GE tại Việt Nam

 

 

Dấu ấn 28 năm của GE tại Việt Nam

“Việc phát triển thị trường có thể theo phương thức GE cùng đầu tư vào các dự án điện khí LNG hoặc dự án điện gió cả trên bờ và ngoài khơi.
Chúng tôi vừa là nhà đầu tư vừa đi tạo ra thị trường cho chính mình”, ông Sơn tiết lộ.

Đại diện công ty mô tả phương thức điều hành và tương lai của GE qua hai trọng tâm gồm tạo ra môi trường làm việc thuận lợi, hiệu quả và thiết
lập quy trình, đặt nhân sự đúng vị trí làm việc, kết nối họ với nhau. “GE chú trọng phát triển con người, kết nối nhân tài, cân bằng nguồn lực,
hỗ trợ khách hàng và nuôi dưỡng thị trường”, ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.

Hà Thanh
Thiết kế: Tấn Nguyễn