Đặt mình vào vị trí người dân khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính
Các tổ cơ động đến tận nhà hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính – Ảnh: VGP
Cải cách hành chính giúp giảm thời gian đi lại của người dân
Nhằm giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính, trong năm qua, UBND phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã ra mắt mô hình giải quyết thủ tục hành chính “5 thủ tục – 5 giải quyết tại chỗ”.
Theo Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc Nguyễn Anh Dũng, 5 thủ tục hành chính này bao gồm: Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; thủ tục chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký khai tử sẽ được giải quyết tại chỗ với 5 bước: tư vấn, hỗ trợ; tiếp nhận; thụ lý; phê duyệt và trả kết quả.
Chia sẻ của Chủ tịch phường Vĩnh Phúc cho thấy, bằng việc đặt mình vào vị trí của người dân, hiểu được mong muốn của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, UBND phường Vĩnh Phúc kỳ vọng mô hình “5 thủ tục – 5 giải quyết tại chỗ” sẽ đạt được hiệu quả cao, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Việc triển khai mô hình sẽ giúp giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính cấp phường, người dân chỉ cần đến một lần, chờ đợi trong thời gian ngắn để nhận kết quả. Từ đó, giữ vững tỷ lệ 100% hồ sơ hành chính cấp phường được xử lý đúng hạn, nâng cao hơn nữa tỷ lệ hồ sơ được thụ lý giải quyết và trả trước hạn. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trong công tác Cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước.
Phường Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục xây dựng, vận hành điểm kê khai đăng ký dịch vụ công trực tuyến tại Nhà sinh hoạt cộng đồng địa bàn dân cư số 13. Bố trí các đoàn viên thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm thời gian đi lại của công dân.
Trong năm 2022, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhiều lần nhấn mạnh, quan điểm cải cách hành chính của Thành phố là dù hiện đại hóa, số hóa đến đâu thì cuối cùng vẫn là con người. Bản chất của cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp.
Trên quan điểm này, trong năm qua, Hà Nội tiếp tục quan tâm thực hiện công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế Một cửa, một cửa liên thông để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Thành phố.
Xác định cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, Thành phố tập trung rà soát, công bố, công khai cách TTHC, xây dựng các quy trình liên thông TTHC, đổi mới thực hiện cơ chế Một cửa, một cửa liên thông theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, sau rà soát, đơn giản hóa TTHC, Hà Nội đã thông qua phương án đơn giản hóa 48 TTHC. Trên cơ sở kết quả rà soát, đơn giản hóa các TTHC, UBND Thành phố đã công bố công khai danh mục 603 TTHC, thay thế 54 TTHC, bãi bỏ 575 TTHC, ban hành 18 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là 1/910 TTHC.
Đến nay, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế Một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố về cơ bản đã thực hiện đồng bộ cới Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong giải quyết TTHC.
Trong năm 2022, Hà Nội đã tiếp nhận giải quyết trên 1 triệu hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỉ lệ 99,58%.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Tinh giảm trên 2.000 biên chế viên chức
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, năm 2022, Thành phố tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.
Theo đó, đã tổ chức có hiệu quả triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động bộ máy chính quyền các phường nhanh nhạy, thông suốt hơn, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, mối quan hệ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội. Thành phố đang tập trung chỉ đạo sơ kết 1 năm thực hiện thí điểm mô hình để sớm đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện cơ chế chính sách để đảm bảo triển khai mô hình mới đạt hiệu quả.
Hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, đảm bảo đúng quy định, không bỏ sót, trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ đơn vị chủ trì, nhằm tinh gọn bộ máy và hoạt động có hiệu quả từ Thành phố xuống cấp huyện.
Kết quả, Thành phố đã giảm từ 6 xuống còn 4 đơn vị đối với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành; giảm 2 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp; giảm 01 chi cục, 01 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thí điểm thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện (Chương Mỹ, Thanh Trì, Mê Linh) trên cơ sở hợp nhất các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm chăn nuôi và thủ y, trạm khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện nay, Hà Nội tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố thực hiện tinh giản biên chế giản biên chế 5% đối với biên chế công chức và 10% đối với biên chế viên chức theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm đến hết năm 2026, giảm 397 biên chế công chức so với năm 2022; giảm 9.516 biên chế viên chức so với số được giao năm 2022.
Tính riêng năm 2022, Hà Nội đã tinh giảm 2.321 biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước so với năm 2021 (đạt tỉ lệ 2%).
“Cầm tay chỉ việc” là một trong những cách Hà Nội tuyên truyền, hướng dẫn người dân về TTHC trong năm 2022 – Ảnh: VGP
Triển khai đồng loạt phần mềm, áp dụng công nghệ vào quản lý
Riêng về nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND Thành phố sẽ quyết liệt đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành trên nguyên tắc đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp, khắc phục triệt để hạn chế tồn tại đã chỉ ra năm 2022.
Cụ thể là đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số để cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí; hình thành trục mô hình “chính quyền số – công dân số” nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Ngay từ đầu năm 2023, Thành phố chỉ đạo đưa vào ứng dụng, vận hành đồng bộ 4 phần mềm phục vụ đổi mới công tác quản lý, điều hành của UBND Thành phố để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn Thành phố.
Đó là các hệ thống: 1) Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố; 2) Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố với 171 thông số báo cáo; 3) Hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao; 4) Hệ thống theo dõi giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Việc khai thác vận hành các Hệ thống trên sẽ giúp Thành phố kiểm điểm, đôn đốc có hiệu quả việc thực hiện các Chương trình công tác và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giao đảm bảo tiến độ, là cơ sở thông tin, dữ liệu để theo dõi, đánh giá cán bộ công chức, cơ quan đơn vị, làm căn cứ để xem xét thi đua khen thưởng và quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ, công chức.
“Đây là biện pháp mới để tăng cường quản lý, giám sát nhằm nâng cao kỷ cương kỷ luật, kỷ cương, thực hiện lời hứa với Nhân dân”, Chủ tịch TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết.
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục hành chính, phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu, các quy trình, các lĩnh vực, bảo đảm triển khai, vận hành tốt và nâng cao tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, với sự tham gia trực tiếp của đông đảo người dân. Thực hiện tốt việc phân cấp, ủy quyền cho cơ sở. Song song với đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các vi phạm; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo môi trường ổn định, bình yên cho phát triển kinh tế – xã hội.
Gia Huy