Đất đai là gì? Khái niệm đất đai theo Luật Đất đai 2013
Khái niệm đất đai theo Luật Đất đai 2013 thế nào? Có bao nhiêu nhóm đất đai theo quy định pháp luật? bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.
Đất đai là gì? Có mấy nhóm đất đai?
Khái niệm về đất đai được quy định Điều 4 tại Thông tư 14/2014/TT-BTNMT, theo đó:
Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế – xã hội như: thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.
Như vậy, khái niệm về đất đai được ghi nhận trong Thông tư 14/2021/TT-BTNMT. Còn tại Luật Đất đai 2013 sẽ quy định về các vấn đề pháp lý liên quan đến:
– Chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai;
– Chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai,…
Theo Điều 10 Luật Đất đai 2013 phân loại đất đai thành 03 nhóm sau đây:
– Nhóm đất nông nghiệp bao gồm:
+ Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
+ Đất trồng cây lâu năm;
+ Đất rừng sản xuất;
+ Đất rừng phòng hộ;…
– Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm :
+ Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
+ Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
+ Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
+ Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;
+ Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp;…
– Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng.
Khái niệm đất đai theo Luật Đất đai 2013 thế nào? (Ảnh minh họa)
Xác định loại đất theo những căn cứ nào?
Theo Điều 11 Luật Đất đai 2013, việc xác định loại đất dựa theo các căn cứ sau đây:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10/12/2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;
– Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận;
– Đối với trường hợp không có giấy tờ nêu trên thì việc xác định loại đất như sau:
+ Xác định loại đất theo hiện trạng đang sử dụng: Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
+ Trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép: Căn cứ vào nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất để xác định loại đất.
+ Xác định loại đất trong trường hợp thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất):
Nếu xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích sử dụng thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích theo hiện trạng sử dụng của từng thửa đất đó;
Nếu không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất hiện trạng có mức giá cao nhất trong bảng giá,…
Người sử dụng đất có những quyền gì theo Luật Đất đai?
Theo quy định tại Điều 166 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất có các quyền chung sau đây:
– Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
– Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
– Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
– Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
– Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai,…
Ngoài ra, người sử dụng đất còn được ghi nhận các quyền sau đây:
– Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất (Điều 167 Luật Đất đai 2013);
– Quyền được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Điều 169 Luật Đất đai 2013);
– Quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất (Điều 172 Luật Đất đai 2013);
– Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề (Điều 171 Luật Đất đai 2013).
Trên đây là giải đáp về Khái niệm đất đai theo Luật Đất đai 2013. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
Tham khảo thêm: