Đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản vào thị trường EU

Đáp ứng quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản vào thị trường EU

1. Tổng quan về truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý đối với hàng nông sản

– Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như EU. Các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Cơ sở của thực hiện truy xuất nguồn gốc là xác định xuất xứ hàng hóa. Đó là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Tại Việt Nam, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, trong đó Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức thuộc nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hóa cấp dựa trên quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó.

Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn Điều ước quốc tế đó. Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này và theo quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn quy tắc xuất xứ đó

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm được hiểu một cách chung nhất là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Điều 18, tiêu chuẩn EC 178/2002 quy định: “Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối”. Theo đó EU yêu cầu tất cả hàng hóa đưa ra thị trường phải được dán nhãn bằng phương thức thích hợp để truy xuất được nguồn gốc.

Tại Việt Nam, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 đã định nghĩa: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông thực phẩm”. Căn cứ qui định của Luật An toàn thực phẩm, Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn đã qui định: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh”

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những giải pháp giúp cho người tiêu dùng biết được rõ về nguồn gốc, xuất xứ cũng như các công đoạn để làm ra sản phẩm, quy trình vận chuyển, quy trình bảo quản. Người tiêu dùng sẽ biết được sản phẩm đó được làm, nuôi, trồng… ở đâu, các công đoạn chế biến như thế nào. truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng chính là thông điệp về chất lượng sản phẩm mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng một cách cụ thể nhất. Đối với doanh nghiệp, truy xuất thông tin sản phẩm là bước đầu tạo sự tin tưởng với khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết. Đối với người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn để đảm bảo mua hàng chính hãng và an toàn trong quá trình sử dụng.

Do yêu cầu khắt khe cho các mặt hàng nhập khẩu của một số nước phát triển trên thế giới, và yêu cầu về hàng hóa được đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng trong nước ngày càng cao. Nên các doanh nghiệp, hàng hóa muốn tồn tại và phát triển trên thị trường bắt buộc phải quan tâm và áp dụng việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từ đó nâng cao chất lượng và kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chí của thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Việc truy xuất nguồn gốc diễn ra trên thế giới cùng như ở Việt Nam là xu thế tất yếu và cũng là những thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc đổi mới, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và cải tiến chất lượng để cạnh tranh trong chính thị trường nội địa, và phát triển xuất khẩu sang thị trường thế giới.

Đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao, hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.

– Ý nghĩa và tác dụng của truy xuất nguồn gốc đối với tăng sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa

Trên thế giới hiện nay, tại một số nước tiến bộ đã xem truy xuất là điều bắt buộc không thể thiếu trước khi đưa sản phẩm lưu hành trên thị trường. Giúp các doanh nghiệp sản xuất ngày càng ý thức hơn trong công việc sản xuất hàng hóa, đồng thời giúp sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam có thể hội nhập với thế giới và dễ dàng thông quan hơn khi xuất khẩu. Hiện nay, vấn đề gian lận xuất xứ liên quan đến nguồn gốc nông sản đang ảnh hưởng rất lớn tới thương mại giữa Việt Nam với các nước, cũng như ảnh hưởng tới người tiêu dùng. truy xuất nguồn gốc sẽ giúp các bên minh bạch thông tin về sản phẩm và hàng hóa, đồng thời chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Phát hiện điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng và đặc biệt giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

+ Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trước

Truy xuất nguồn gốc là để trong mọi trường hợp, đặc biệt trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm lúc ấy phải truy xuất ngược trở lại nhà sản xuất. Bản thân nhà sản xuất phải có hệ thống nội bộ để truy xuất trong suốt quá trình từ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm đến quá trình sản xuất, phân phối… truy xuất nguồn gốc không chỉ liên quan đến việc chế biến, bảo quản mà còn liên quan đến vấn đề sản xuất ra sản phẩm như thế nào, sử dụng phân bón ra sao, thuốc bảo vệ thực vật… để tìm ra nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và có biện pháp khắc phục.

Bao bì thường không thể hiện đầy đủ những thông tin về nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu làm nên sản phẩm. Bằng công nghệ truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp có thể cung cấp nhanh đến người tiêu dùng những thông tin chi tiết hơn về xuất xứ sản phẩm như nơi sản xuất, nơi đóng gói, dùng nguyên liệu gì, nếu là sản phẩm nông sản thì dư lượng thuốc trừ sâu bao nhiêu, có sử dụng phân bón hóa học hay kháng sinh không. Thậm chí các thông tin về ngày tháng, thời gian thu hoạch, lưu kho và xuất đi cũng có thể được nhà sản xuất cung cấp thông qua công nghệ truy xuất nguồn gốc. Như vậy, bằng truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể có thêm nhiều thông tin về sản phẩm mình mua sắm và hạn chế nạn mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Như vậy, công nghệ truy xuất nguồn gốc khiến cho mọi dữ liệu liên quan đến quá trình tạo ra thành phẩm đều được công khai minh bạch.

+ Giúp Doanh nghiệp truy cập thông tin chính xác, thuận lợi nhất

Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã số trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết.

Thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời sự cố xảy ra đối với sản phẩm, đồng thời giúp xác định và khoanh vùng chính xác sản phẩm có vấn đề để thực hiện kịp thời các hành động thu hồi hoặc loại bỏ sản phẩm khỏi chuỗi cung ứng. Có thể nói truy xuất nguồn gốc đang từng bước trở thành công cụ đắc lực góp phần quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu quả và bảo vệ người tiêu dùng.

+ Truy xuất nguồn gốc giúp các đơn vị quản lý phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vì hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ứng dụng truy xuất nguồn gốc không những tạo thuận lợi thương mại mà còn là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như: sữa nhiễm melamine, quần áo chứa dư lượng formaldehyte hay nông sản “tắm hóa chất”, đội lốt hàng Việt Nam…

Các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn do không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm diễn ra ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn như vụ việc sữa Melamine, quần áo dư lượng formaldehyte, thực phẩm chức năng giả… nếu không truy xuất được nguồn gốc sẽ rất nguy hiểm như “tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống cũng xử lý được bằng truy xuất” và việc dư luận cả nước bất bình với việc khoai tây Trung Quốc “đội lốt” khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ tại Việt Nam. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng gây nhức nhối toàn cầu.

+ Truy xuất nguồn gốc là chìa khóa giúp nông sản của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường tiêu chuẩn chất lượng cao.

Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mà còn là đòn bẩy để tăng trưởng xuất khẩu, giúp DN đáp ứng được những yêu cầu cao về chất lượng, công nghệ và kỹ thuật ở những thị trường lớn trên thế giới. Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Ngoài ra ứng dụng truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ góp phần thắt chặt liên kết, tương tác đa chiều và giúp doanh nghiệp hai bên dễ dàng tìm ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nhất là với sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Hiện tại, các sản phẩm nông – thủy sản từ Việt Nam đang xuất khẩu sang EU với số lượng ngày càng nhiều, do đó truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra một chuỗi cung ứng an toàn, từ đó hình tành sự an tâm, tin tưởng và trung thành của khách hàng nhập khẩu với các sản phẩm và uy tín thương hiệu của doanh nghiệp. Toàn bộ hàng nông sản và thủy sản nhập khẩu vào EU bắt buộc phải thực hiện truy xuất nguồn gốc nếu muốn xuất khẩu vào các quốc gia này.

Doanh nghiệp Việt Nam muốn có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường này phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, áp dụng những công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, và nâng cao chất chất lượng và hoàn thiện quy trình sản phẩm dựa theo tiêu chuẩn quốc t.

+ Giúp các cơ quan chính sách trong việc thay đổi dần cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung và chuyên nghiệp

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc góp phần từng bước giúp thay đổi nhận thức, tập quán canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất liên kết tập trung; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong nuôi trồng và sản xuất sản phẩm tạo ra phải đảm bảo an toàn; kết nối được người thu mua, pân phối, tiêu thụ với người nuôi trồng qua đó tạo thuận lợi cho việc mở rộng thị trường của người sản xuất

Trong bối cảnh tham gia vào EVFTA hiện nay, sự cạnh tranh không chỉ xuất hiện khi hàng hóa Việt Nam đi ra thế giới mà còn ở ngay thị trường trong nước, khi hàng hóa thế giới tiến vào Việt Nam. Việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng tốt là điều rất quan trọng cho khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đảm bảo cơ sở cho niềm tin của người tiêu dùng. Giải pháp truy xuất nguồn gốc là hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ.

+ Tại hầu hết những nước trong EU, truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng và bắt buộc đối với nhiều loại sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng dinh dưỡng. Tuy nhiên ở nước ta, vấn đề này chưa thực sự được chú ý bởi người dân thường hay mua sản phẩm ở những khu chợ trời không có người quản lý hay kiểm tra đúng quy trình.

+ Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP…, nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.

+ Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Hiện tại cho thấy, có khoảng 95% sản phẩm đang được bày bán ở ngoài các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR code và được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu… truy xuất nguồn gốc cần nhiều thông tin hơn. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể. Do vậy, doanh nghiệp cần phải cập nhật thông tin về việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa trong từng công đoạn của sản phẩm, để tận dụng tốt cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 22005: 2008 – Xác định nguồn gốc trong chuỗi thực phẩm và thức ăn chăn nuôi – Nguyên tắc chung và yêu cầu cơ bản đối với việc thiết kế và thực hiện hệ thống; Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn  ban hành Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 và Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2011 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 01 năm 2011 quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, đây là những bước đi rất cụ thể của Chính phủ về các hoạt động liên quan đến các vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm của Việt Nam, phù hợp với tình hình chung và yêu cầu mới khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

2. Thực trạng truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản

2.1. Khái quát thực trạng truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của Việt Nam

Các quy định về truy xuất đã cơ bản đầy đủ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế sản xuất kinh doanh nông sản tại Việt Nam (Luật ATTP – Điều 54, Điều 55; Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 và Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2011 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm nông lâm thủy sản; Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Các chính sách nhằm hỗ trợ triển khai các quy định về truy xuất nguồn gốc được ban hành kịp thời, như: Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên phạm vi toàn quốc (Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày 27/12/2013); Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ; các cơ sở được chứng nhận VietGAP, HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương đã thiết lập thủ tục và thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

+ Thứ nhất là nỗi lo ngại về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm.

Gần đây nhất, kết quả điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2017 của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, có tới 53% người tiêu dùng cho biết đang nghi ngờ nông sản tươi mình mua không đảm bảo chất lượng nhưng “vẫn phải” phải sử dụng vì chưa tìm được nguồn nông sản đủ tin tưởng hơn. Có khoảng 25% số người được hỏi nghi ngờ dư lượng chất cấm trong hầu hết các thực phẩm sử dụng hằng ngày. Do đó, việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn thực phẩm trên toàn chuỗi giá trị nông sản đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trong nước.

+Thứ hai là tính xác thực của thông tin trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm.

Người tiêu dùng trước kia mua sản phẩm tin vào người bán và cần ít thông tin về sản phẩm. Nay do sự mất an toàn, thiếu tin tưởng người bán thì họ cần nhiều thông tin hơn để biết sản phẩm đó đến từ đâu, ai sản xuất, có an toàn không. Người nông dân trước kia chỉ tập trung và sản xuất sản phẩm thì nay cần cung cấp thêm thông tin để gia tăng giá trị sản phẩm của mình. Tuy nhiên, hiện nay người sản xuất chưa có thói quen ghi chép nhật ký sản xuất cũng như việc xác thực được thông tin do người sản xuất cung cấp còn hạn chế. Nên hiệu quả của việc cung cấp thông tin sản phẩm để gia tăng giá trị còn thấp. Do vậy, sự sẵn sàng cho việc minh bạch hóa thông tin trong trồng trọt, sản xuất, nuôi trồng vẫn còn có những bất cập.

+ Thứ ba là sự phát sinh kinh phí – giá thành. Bài toán chi phí và giá thành cạnh tranh cũng nổi cộm khi áp dụng những quy định quốc tế và quốc gia về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc duy trì tài khoản, mua tem truy xuất đối với từng sản phẩm, từng loại sản phẩm cũng phát sinh kinh phí.

+ Thứ tư là mức độ thân thiện và thông minh của giao diện sản phẩm. Người tiêu dùng không trực tiếp “tiếp xúc” với công nghệ truy xuất nguồn gốc mà thông qua các ứng dụng của các bên liên quan. Mức độ thân thiện và mức độ đáp ứng nhu cầu, mong muốn của người dùng đối với các ứng dụng này sẽ quyết định việc liệu người nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể sử dụng nó một cách dễ dàng hay không

+ Thứ năm là công tác quản lý nhà nước

Hiện nay mới chỉ có Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT đề cập đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mục tiêu chỉ là nhằm thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn, chưa hướng đến minh bạch hóa và cung cấp thông tin cho các tác nhân liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng. Bộ Công Thương gần đây đã ban hành kế hoạch thực hiện “đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương theo Quyết định số 1978/QĐ-BCT ngày 28/7/2020.

Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận hoặc xác thực hệ thống. Chưa quy định về thông tin tối thiểu truy xuất thực phẩm nói chung, không quy định riêng cho từng nhóm sản phẩm. Chưa có quy định về các thông tin cần truy xuất (độ rộng) và mức độ truy xuất (độ sâu). Nên hiện nay, các thông tin sản phẩm cần phải truy xuất vẫn chưa có sự đồng nhất. Do đó, các giải pháp phần mềm truy xuất nguồn gốc hiện nay rất đa dạng và có nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau tùy thuộc vào đơn vị cung cấp giải pháp.

Các CSDL về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay còn rời rạc chưa có sự đồng bộ hóa, chưa có sự kiểm tra chéo thông tin, chưa có kết nối thông tin giữa các CSDL. Đặc biệt, chưa có quy định để các cơ quan QLNN được quyền truy cập CSDL phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, định hướng và dự báo thị trường.

+ Truy xuất điện tử, tem điện tử để triển khai truy xuất chưa có chuẩn hóa nên khó khăn cho việc lựa chọn triển khai, tăng chi phí dẫn đến giá thành sản phẩm nông sản cao, đặc biệt là sản phẩm rau, trái cây; khó áp dụng đối với sản phẩm tươi sống, không yêu cầu bao gói, ghi nhãn.

3. Giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc

+ Quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, và đưa ra các chính sách hiệu quả trong việc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc

Đẩy mạnh việc triển khai các nội dung đề án Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên phạm vi toàn quốc (Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL) và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tạo ra nhiều các mô hình liên kết sản xuất nông sản an toàn, liên kết chuỗi (liên kết dọc, liên kết ngang) nhằm thuận lợi thực hiện các quy định về truy xuất.

Phối hợp giữa các Bộ có liên quan đề xuất triển khai xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền và kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia về ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước và triển khai nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ (Blockchain, IoT, AI, Big data và các công nghệ mới phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới) theo Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc ban hành theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Hoàn chỉnh lại bộ máy tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc, tránh gây khó khăn, quản lý chồng chéo cho doanh nghiệp. Tất cả các quy định liên quan tới pháp luật thì quy trình, mọi thứ đều phải chuẩn và thống nhất để tránh sự chồng chéo. Ví dụ như trong suốt thời gian vừa qua chúng ta có rất nhiều quy định chồng chéo giữa các đơn vị thực hiện kiểm tra, xét duyệt thủ tục với nhau. Việc có một sự thống nhất sẽ giảm phiền hà, giảm khối lượng công việc cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.Ngay cả bản thân các bộ ngành cũng đã không có một sự thống nhất. Ví dụ như phần xuất khẩu chẳng hạn, hàng tạm nhập tái xuất qua Việt Nam và hàng giả xuất xứ Việt Nam. Đó là tổn hại lớn đối với sản xuất trong nước làm cho nông nghiệp Việt Nam, những nhà đầu tư sản xuất của Việt Nam gặp khó khăn. Nếu quản lý truy xuất nguồn gốc không chặt trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thì sẽ đem lại nhiều rủi ro lớn, và có thể nhiều doanh nghiệp dẫn đến phá sản.

+ Phải có một quy định rõ ràng thống nhất.Trên thực tế có nhiều đơn vị đang làm truy xuất nguồn gốc, nhưng mỗi đơn vị có một hướng khác nhau, chưa có quy định rõ ràng thống nhất về truy xuất nguồn gốc. Thời gian tới cần phải xác định rõ thế nào là truy xuất nguồn gốc thật, các yếu tố nào cần để thực hiện truy xuất nguồn gốc chuẩn, quy trình kiểm gia giám sát lại việc truy xuất nguồn gốc. Chính phủ cần có quy định nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng về truy xuất nguồn gốc, đánh giá lại xem đơn vị nào đang xây dựng phù hợp với quy định và có đủ năng lực xây dựng các giải pháp truy xuất nguồn gốc.

+ Cần ban hành quy định cụ thể về các đơn vị có năng lực kiểm tra, đánh giá về truy xuất nguồn gốc cũng như thực hiện đúng quy trình đánh giá về truy xuất nguồn gốc. Khi tất cả mọi quy định đều rõ ràng, bắt buộc mọi người làm theo, có sự giám sát của cơ quan nhà nước thì lúc đó việc thực hiện truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam sẽ diễn ra thuận lợi, sản phẩm làm ra sẽ có giá trị cao do chất lượng đã được chứng minh. Điều này còn làm nên thương hiệu hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng trên toàn cầu.

+ Giải pháp tem chống hàng giả. Công tác chống hàng giả đang được áp dụng công nghệ cao nhằm cho ra đời những công cụ chống hàng giả thông minh hơn và toàn diện hơn. Trong đó sử dụng các loại tem chống hàng giả tích hợp nhiều công nghệ hiện đại vào việc truy xuất thông tin sản phẩm.Tem chống hàng giả QR Code tem được ứng dụng công nghệ cao như quét mã code, tem chống hàng giả SMS gửi tin nhắn theo cú pháp cho sẵn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc tích hợp này giúp người tiêu dùng tìm hiểu về quá trình tạo ra sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác và tiện lợi hơn.

+ Quy trình truy xuất nguồn gốc để phù hợp với những thông lệ và quy định củ aEU. Quy trình truy xuất nguồn gốc để phù hợp với những thông lệ quốc tế đặc biệt là cơ sở dữ liệu GS1 toàn cầu là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ là người thực hiện những điều đó và cùng các cơ quan nhà nước, ví dụ phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ đã có bộ tiêu chuẩn cho GS1 toàn cầu. Nhưng ngược lại GS1 còn liên quan tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. GS1 của Việt Nam có thể đàm phán với các thị trường nhưng Bộ NN&PTNT là đơn vị cấp mã vùng trồng trọt chẳng hạn thì phải có sự thống nhất, thống nhất ngay từ quy định văn bản. Về vấn đề này phía Bộ NN&PTNT cần có sự hợp tác với GS1 Việt Nam để đưa ra quy định thống nhất, giúp thị trường Việt Nam tránh được những thiệt hại trong quá trình xuất khẩu nông sản. Đặc biệt về Luật Trồng trọt bắt đầu từ 1/1/2020 thi hành trong đó  đặc biệt lưu ý điều 64 của Luật này quy định về quản lý và truy xuất mã vùng đối với nông sản sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam cần đáp ứng quy định của thị trường EU, nhưng ngược lại cũng phải chú ý điều 78 của Luật quy định về truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Việt Nam. Tất cả những qui định này cho thấy Việt Nam cũng bình đẳng như đối tác, là yêu cầu quy định đối với sản phẩm tương đương trong quản lý sản phẩm xuất nhập khẩu.

+ Sự thay đổi trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Bản thân cụm từ truy xuất nguồn gốc đã nằm trong một chuỗi từ sản xuất cho tới tiêu thụ cuối cùng. Tuy nhiên với mỗi công đoạn truy xuất nguồn gốc thì tại mỗi Bộ ngành lại có những phần quản lý khác nhau. Ví dụ, khi truy xuất nguồn gốc nông sản cần chứng minh mã vùng, mã xưởng thì phía Bộ Công Thương cho rằng tất cả văn bản có rồi nhưng những cái đó lại dùng cho truy xuất nguồn gốc thực phẩm tiêu dùng trên thị trường chứ chưa phải yêu cầu mà thị trường nhập khẩu nước ngoài quan tâm.

Thực tế, việc truy xuất hàng hóa chung theo luật đã có, song áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng điện tử vẫn mang tính chất tự nguyện, động viên doanh nghiệp áp dụng. Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc một cách hiện đại, tự động đang là đòi hỏi ngày càng cấp thiết, đồng thời giúp nâng cao uy tín, giá trị cho doanh nghiệp. Trong chuỗi giá trị thực phẩm “từ nông trại đến bàn ăn” (farm to fork), doanh nghiệp thực phẩm phải có trách nhiệm kiểm soát thực phẩm đó tại từng điểm trong toàn chuỗi: từ nông trại, vận chuyển, chế biến, bán lẻ hay bất cứ hoạt động nào khác. Mặt khác, mỗi doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có nghĩa vụ phải có một nhân viên giám sát an toàn thực phẩm để giám sát dây chuyền hoạt động tuân theo một kế hoạch quản lý rủi ro phù hợp với hoạt động đó.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần thay đổi tư duy để nghiêm túc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp đang có đòi hỏi ngày càng cao hơn nữa về việc truy xuất nguồn gốc và yêu cầu phải cập nhật kịp thời từng giây, từng phút để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Sử dụng công nghệ thông tin để truy xuất bằng điện tử là giải pháp thay thế hữu hiệu, nhưng để thay đổi thói quen của người nông dân trong một sớm một chiều sẽ không dễ dàng. Đây là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp phải thay đổi phương thức truy xuất nguồn gốc để phù hợp với yêu cầu mới. Nếu tất cả doanh nghiệp xuất khẩu làm được, nếu hàng hóa nội địa cũng làm được thì sẽ mang lại một tầm cao mới cho hàng hóa Việt Nam trên thế giới.

Lê Văn Hóa

Trung tâm Tư vấn, Đào tạo Công nghiệp và Thương mại – VIOIT