Đào tạo bác sĩ thể thao, mã ngành mới nhiều hứa hẹn – tapchithethao

Trước thực trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trong lĩnh vực thể thao, đặc biệt là người được đào tạo chuyên môn và cấp chứng chỉ hành nghề bài bản, chính quy, Trường ĐH Y dược ĐH Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Thể thao Việt Nam (TTVN) thành lập bộ môn Y học thể thao với quyết tâm góp phần đào tạo được các bác sĩ thể thao trẻ và giỏi chuyên môn trong thời gian tới.

Từng bước xây dựng hệ thống đào tạo bác sĩ thể thao

Y học thể thao là một trong những bộ phận quan trọng nhất, không thể tách rời trong “hệ sinh thái” thể thao ở mọi quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, y học thể thao được hình thành đã có những đóng góp cụ thể cho nền thể thao nước nhà nhưng vẫn gặp không ít thách thức để phát huy hết tiềm năng và tiếp cận với trình độ thế giới.

Để y học thể thao có bước phát triển đột phá, Việt Nam cần có hệ thống đào tạo nhân lực chất lượng cao và trao cho đội ngũ y, bác sĩ danh xưng xứng đáng.

Chính vì vậy, từ năm 2018, các cơ sở đào tạo thể thao đầu ngành như Đại học TDTT Bắc Ninh, Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh đã mở mã ngành số 7729001 về y sinh học TDTT. Đây là ngành y tế đào tạo các bác sĩ, y sĩ chuyên môn về y tế vận động, giải quyết các vấn đề sức khỏe thể chất và việc điều trị cũng như phòng chống các chấn thương liên quan tới TDTT. Mục tiêu đặt ra là đào tạo các học viên có năng lực chuyên môn, thực hành chuyên môn và biết vận dụng kiến thức y sinh học trong học tập, nghiên cứu khoa học, biết kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện của người tập luyện TDTT; có kỹ năng về chăm sóc y tế cho vận động viên và người tập TDTT.

Dù vậy, theo ông PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam: “Để đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đào tạo từ 50 – 300 bác sĩ thể thao, thì dự kiến đối tượng tuyển sinh, đào tạo từ 3 nguồn: đào tạo chính quy 6 năm như bác sĩ khác từ thi tuyển học sinh tốt nghiệp PTTH; đào tạo chuyển tiếp từ bác sĩ tốt nghiệp (thêm 2 năm chuyên sâu Y học thể thao); chuyển tiếp từ cử nhân y sinh học TDTT (thêm 4 năm) và có thể tuyển sinh đào tạo BSCK1, thạc sĩ y học thể thao từ đối tượng đã tốt nghiệp bác sĩ. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Y dược phối hợp Bộ môn Y học thể thao thành lập Ban soạn thảo để xây dựng Đề án xin cấp mã ngành đào tạo bác sĩ Y học thể thao, trình Đại học Quốc gia phê duyệt, kiện toàn công tác tổ chức; xây dựng quy chế, nội quy, quy định làm việc, chuẩn bị cho tuyển sinh năm 2023”.

Theo đó, Đề án thành lập Bộ môn Y học thể thao đã được phê duyệt. Bộ môn Y học thể thao đã được thành lập tại trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội với 17 cán bộ, giảng viên là các GS, PGS, TS thuộc các tiểu chuyên ngành Y học thể thao, từ 3 miền Bắc- Trung – Nam thuộc các Trường Đại học TDTT, các bệnh viện Thể thao Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175, Viện ứng dụng y học Việt Nam, Viện Vật lý y sinh – Bộ Quốc phòng…

Cơ hội và thách thức của bác sĩ thể thao

Hiện nay, không khó để nhận thấy sự chênh lệch trong tương quan lực lượng giữa đội ngũ y, bác sĩ thể thao và đối tượng cần sự chăm sóc của họ. Với số lượng lên tới cả chục nghìn VÐV ở cấp tỉnh/thành, hàng nghìn VĐV cấp quốc gia của hơn 40 bộ môn, hiện chỉ có hơn 40 nhân viên làm việc trực tiếp cùng các đội tuyển (ÐT). Ngay ở SEA Games 30, Ðoàn thể thao Việt Nam có tổng cộng 650 VÐV thi đấu 43 môn nhưng chịu trách nhiệm chăm lo cho sức khỏe cả đoàn thì chỉ có vỏn vẹn 10 bác sĩ và 11 kỹ thuật viên (KTV) vật lý trị liệu.

Điều này cho thấy nhu cầu phát triển đội ngũ bác sĩ thể thao mới trẻ và tâm huyết với thể thao nước nhà là rất lớn. Không những phục vụ trực tiếp cho thể thao Việt Nam, các bác sĩ thể thao còn vô vàn cơ hội khác khi phong trào tập luyện TDTT của nhân dân ngày càng lớn.

Trên thực tế, công việc của bác sĩ thể thao thường rất vất vả. Nếu không tâm huyết, thực sự khó có thể gắn bó lâu dài với ngành đặc thù này. Hàng ngày, đội ngũ y tế phải theo sát quá trình tập luyện, ghi chép lại tình hình chấn thương lẫn thể lực của các VÐV nhằm đưa ra những tư vấn sát sao về chế độ ăn uống và dinh dưỡng. Họ cũng phải xoa bóp cho VÐV trước và sau khi tập luyện, đưa VÐV đi thử doping nếu giành huy chương hay hướng dẫn họ cách sử dụng máy vật lý trị liệu vào buổi tối. Với số lượng hạn chế, trung bình mỗi bác sĩ phải gồng mình đảm trách hơn bốn phân đội, dẫn tới tình trạng quá tải, vất vả và căng thẳng. Số lượng bác sĩ thể thao tăng lên có thể giải quyết được phần nào điều này, song vẫn là vất vả và khắc nghiệt.

Trên thế giới, mỗi đội tuyển thể thao muốn hoạt động trơn tru phải sở hữu đội ngũ y tế thể thao bắt buộc, bao gồm cả huấn luyện viên (HLV) thể chất, bác sĩ thể thao, bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật, săn sóc viên hay KTV (phụ trách massage, trị liệu), chuyên gia dinh dưỡng và cả tâm lý… Rõ ràng, không ÐT nào ở Việt Nam có đủ khả năng sở hữu đầy đủ các thành phần này. Chính vì vậy, cùng một lúc họ sẽ phải kiêm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ. Điều này chỉ được giải quyết khi khái niệm y học thể thao được cụ thể hóa, chuyên nghiệp hóa.

Cần một hệ sinh thái Y học thể thao

Bác sĩ thể thao không thể đảm nhiệm được toàn bộ công tác chăm sóc sức khỏe VĐV mà chỉ là trung tâm của một hệ sinh thái có tên là Y học thể thao. Đây là một ngành y học liên quan đến thể chất, điều trị và phòng ngừa chấn thương liên quan đến thể thao và tập thể dục.

Y học thể thao điều trị và chăm sóc dự phòng cho các vận động viên, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Mục tiêu của y học thể thao là giúp mọi người tập thể dục an toàn và hiệu quả để đạt được mục đích tập luyện. Thông thường, y học thể thao kết hợp giáo dục y tế tổng quát với các nguyên tắc cụ thể của khoa học thể thao, tập thể dục sinh lý, chỉnh hình, cơ sinh học, thể thao dinh dưỡng và thậm chí cả thể thao tâm lý học.

Nói chung, trên thể thao thế giới, một đội y học thể thao hoàn chỉnh đi kèm một đội tuyển hiện nay bao gồm các chuyên gia y tế và phi y tế, bao gồm: Bác sĩ thể thao; Bác sĩ phẫu thuật; Nhà tâm lý học thể thao; Vật lý trị liệu; Huấn luyện viên thể lực cá nhân; Chuyên gia dinh dưỡng.

Ở Việt Nam, khái niệm về khoa y học thể thao vẫn được coi là khá mới mẻ ở Việt Nam, và thường bị đánh đồng cùng các khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Ðiều này vô hình chung trở thành rào cản trong hành trình nâng cấp, phát triển năng lực của y học thể thao, của các bác sĩ thể thao. Bởi vậy, có lẽ vẫn cần nhiều thời gian nhằm thay đổi tư duy đồng bộ để “nghề bác sĩ thể thao” phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn với sự phát triển chung của thể thao nước nhà.

Minh Thiên