Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo hiện nay
Đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Các thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò noi theo và để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người”, mỗi nhà giáo phải luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào ngành sư phạm.
Ảnh minh họa: internet
Ở Việt Nam, nghề giáo luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người dạy học được gọi là thầy giáo, cô giáo và được coi là “kỹ sư tâm hồn”, không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách người học. Xã hội càng tôn trọng nghề dạy học càng đòi hỏi rất cao năng lực và phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Do tính chất đặc biệt của nhà giáo nên xã hội luôn mong muốn và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp của họ.
Nhà giáo được xã hội tôn vinh bởi sứ mệnh trồng người cao cả. Các nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn xưa và nay đều đánh giá rất cao vai trò của nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục, phát triển xã hội. Luôn coi trọng phẩm chất đạo đức của nhà giáo, coi đó là thành tố cơ bản, nền tảng trong nhân cách nhà giáo. Ở phương Đông cổ đại, Nho giáo coi mối quan hệ thầy trò là một trong ba mối quan hệ then chốt của xã hội: quân – thần, sư – đệ, phụ – tử và yêu cầu “thầy ra thầy”, “trò ra trò”. Triết gia Hy Lạp cổ đại Platon cho rằng: người thợ giày tồi thì quốc gia không quá lo lắm, dân chúng sẽ phải xỏ những đôi giày xấu. Nhưng người thầy mà dốt nát, vô luân thì đất nước sẽ xuất hiện những người kém cỏi xấu xa. Nghề dạy học lấy con người làm đối tượng để tác động, làm biến đổi và phát triển nhận thức, tư tưởng, tình cảm của người học. Các giá trị văn hóa của nhân loại qua bàn tay của người thầy được kết tinh và truyền thụ cho các thế hệ kế tiếp để đào tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Thành quả của quá trình lao động sư phạm là đào tạo ra những con người mới với nhân cách hoàn chỉnh. Đạt được mục tiêu đó, vai trò của nhà giáo rất quan trọng, họ vừa là người thiết kế, vừa là người thi công trong quá trình dạy học. Đạo đức của họ là tấm gương sống để người học noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”(1).
Ph.Ăngghen khi bàn về đạo đức nghề nghiệp đã viết: “Trong thực tế, mỗi giai cấp và ngay cả mỗi nghề nghiệp đều có đạo đức riêng của mình”(2). Trong lao động sản xuất, trong hoạt động nghề nghiệp cần có những quy tắc, chuẩn mực đạo đức cùng với pháp luật để điều chỉnh hoạt động của các thành viên. Theo đó, đạo đức nghề nghiệp là những quy tắc, chuẩn mực phản ánh mối quan hệ giữa con người với công việc, con người với con người nhằm điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của những người hoạt động trong một lĩnh vực nghề nghiệp dựa trên sức mạnh của dư luận xã hội và lương tâm của mỗi người nhằm đáp ứng với đòi hỏi đặc thù do tính chất, đặc điểm nghề nghiệp đặt ra. Do đặc trưng nghề nghiệp khác nhau nên bên cạnh những chuẩn mực đạo đức chung, mỗi nghề nghiệp lại có những quy tắc, chuẩn mực đạo đức đặc trưng, nhất là những hoạt động nghề nghiệp có tính chất chuyên môn hóa cao. Những nghề nghiệp liên quan đến con người càng cần những yêu cầu về đạo đức cao hơn. Chẳng hạn như nghề y – nghề trị bệnh cứu người đòi hỏi đạo đức của người thầy thuốc phải là “Lương y như từ mẫu”. Đối với nghề giáo cũng vậy, đạo đức nghề nghiệp của người thầy luôn phải được đề cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: đối với người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung, một tấm gương sáng còn hơn trăm bài diễn thuyết. Hoạt động dạy học được tiến hành bằng nhiều phương thức, trong đó có một phương thức rất đặc biệt là lấy nhân cách tác động đến nhân cách, dùng nhân cách người thầy để cảm hóa học trò. Do vậy, nhà giáo phải là tấm gương mẫu mực, luôn nêu gương về đạo đức để những giá trị tốt đẹp của người thầy được nhân lên trở thành phổ biến ở người học. Đạo đức của họ gắn với đặc trưng của nghề dạy học mang tính mô phạm, chuẩn hóa rất cao, vừa dạy người, vừa dạy chữ, dạy nghề.
Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng trong nhân cách nhà giáo. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của họ được duy trì thành nền nếp trong nhà trường dựa trên hệ thống các khuôn phép, quy tắc đạo đức nhằm định hướng, điều chỉnh nhận thức, đánh giá thái độ, hành vi của nhà giáo phù hợp với yêu cầu mô phạm của nghề dạy học. Với nghề dạy học, người dạy muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải luôn tinh thông về nghề nghiệp, tiêu biểu về tri thức khoa học, tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống. Như vậy, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo không phải là thành tố biệt lập mà có quan hệ mật thiết với các thành tố khác trong nhân cách của nhà giáo luôn gắn bó hữu cơ với năng lực, tài nghệ sư phạm của nhà giáo.
Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cao nhất của nhà giáo là yêu nghề, yêu người. Những năm 60 của thế kỷ trước, Trường Bắc Lý ở nước ta đã vang lên thông điệp: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Thông điệp này đã nói lên chiều sâu về phẩm chất đạo đức của nhà giáo, có phẩm chất này nhà giáo sẽ có các phẩm chất cao quý nhất của đạo làm thầy. Tình yêu nghề, yêu người của nhà giáo càng sâu sắc thì càng tác động mạnh mẽ đến người học, trở thành những tấm gương cho người học noi theo và là một thành tố quan trọng để quá trình giáo dục đạt kết quả cao. Nội dung cốt lõi của chuẩn mực đạo đức này là sự toàn tâm, toàn ý với người học và nghề dạy học. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quyết tâm dạy thật tốt, có ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên, miệt mài với từng bài giảng, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và vận dụng sáng tạo trong hoạt động sư phạm, như Bác Hồ nói: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
Tình yêu nghề của nhà giáo còn thể hiện ở niềm tin sư phạm sâu sắc, tôn trọng, yêu mến, nhân ái, độ lượng, bao dung người học. Nhà giáo biết vui với cái vui, cái thành đạt của người học, song cũng biết buồn với cái buồn, cái thất bại của người học. Khi người học tiến bộ, nhà giáo cảm thấy phấn khởi, song khi người học làm điều sai thì người dạy cũng phải thấy trong đó có phần lỗi của mình, không vội trách người học mà trước hết bản thân mình phải có sự day dứt. Đây là động lực giúp nhà giáo vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức, sư phạm và tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Coi sự nghiệp trồng người mà mình được tham gia là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của nhà giáo.
Trong thời đại kinh tế tri thức, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin truyền thông đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Sự đổi mới này trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo giờ đây phải miệt mài lao động để cô đọng hệ thống kiến thức, đảm bảo những kiến thức này là cơ bản nhất, hiện đại nhất, hữu ích nhất cho người học. Họ vừa phải biết giảng giải cho người học, vừa phải biết thiết kế bài học, hướng dẫn người học thi công, vừa phải biết dẫn dắt để người học lĩnh hội, giác ngộ, vừa phải biết đưa người học thành người hợp tác, cộng tác với thầy giáo, cô giáo, với bạn để tìm ra chân lý và thực hành chân lý một cách sáng tạo theo những kiến thức đã được tiếp nhận. Nhiệm vụ này rất nặng nề, nhưng nhà giáo không phải là thợ giảng mà phải là nhà giáo dục để hoàn thiện nhân cách người học. Ở đó, đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, động lực để nhà giáo hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”(3).
Nghề dạy học là một nghề lao động đặc biệt, đòi hỏi phải đầu tư thời gian và công sức nhiều, nhưng không phải là nghề có thu nhập cao. Trong nền kinh tế thị trường, việc trả công cho các ngành nghề được tính theo hao phí sức lao động và hiệu quả làm việc. Giữa các nghề có sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực. Nghề nào có thu nhập cao hơn sẽ thu hút nguồn nhân lực có chất lượng hơn. Trong những năm vừa qua, mặc dù ngành giáo dục đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng đời sống của nhà giáo vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 vừa qua, nhiều trường sư phạm có điểm trúng tuyển rất thấp. Ngành sư phạm chưa thu hút được nhân tài có nguyên nhân quan trọng là chế độ đãi ngộ với nhà giáo còn kém hấp dẫn.
Với truyền thống hiếu học và tinh thần “tôn sư trọng đạo”, người thầy và nghề dạy học ở nước ta luôn được tôn vinh. Trong thực tế có rất nhiều tấm gương các nhà giáo hết lòng yêu nghề. Họ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và được rất nhiều thế hệ học trò kính trọng. Có rất nhiều thầy, cô giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã vượt qua rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần để cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” vẻ vang. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua ngành giáo dục và xã hội không khỏi đau lòng trước hiện tượng có những giáo viên thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như bạo hành, lăng mạ học sinh, nhất là những vụ việc bạo hành trẻ em ở một số trường mầm non. Thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, đánh giá không khách quan người học… Những hiện tượng này tuy chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, nhưng dễ tạo nên bức xúc và phản cảm trong xã hội. Những sự việc này nếu không được nhìn nhận thấu đáo, khách quan sẽ dẫn đến đánh giá quy chụp nghề giáo và đội ngũ giáo viên hiện nay.
Để nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp của họ được tôn vinh cần phải có những giải pháp cơ bản. Trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với đội ngũ nhà giáo hiện nay. Gắn hoạt động này với các phong trào, cuộc vận động trong ngành giáo dục và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn, xử lý nghiêm những sai phạm của một số giáo viên vi phạm tư cách và đạo đức nhà giáo. Những biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài và thực chất để xây dựng hình ảnh nhà giáo mẫu mực, làm gương sáng cho học trò noi theo.
Thực hiện giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quốc sách ở đây không phải là lý thuyết hay khẩu hiệu mà phải biến thành chính sách và hành động thực tế. Do đó, cần nắm bắt, giải quyết tốt nguyện vọng và các lợi ích chính đáng, thiết thực của đội ngũ nhà giáo, để kịp thời động viên họ yên tâm công tác, ra sức học tập, phấn đấu trau dồi hơn nữa chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Quan tâm thực hiện tốt chế độ ưu đãi, khen thưởng, đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt đối với nhà giáo, nhất là những nhà giáo có trình độ, có học hàm, học vị cao, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Mặt khác, khi xem xét, giải quyết và bảo đảm các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo phải thực sự dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời, chính xác. Kiên quyết đấu tranh, lên án và khắc phục kịp thời mọi biểu hiện vi phạm trong thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục đối với các nhà giáo.
Để xứng đáng với sứ mệnh vẻ vang và cao cả trong sự nghiệp trồng người, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội, bản thân mỗi nhà giáo phải luôn có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm, trọng trách cao cả của họ trong xã hội. Tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống để mỗi nhà giáo thực sự là những tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho học sinh noi theo. Bởi lẽ, sự tôn vinh, kính trọng đối với nhà giáo không chỉ ở kiến thức uyên thâm hay ở tài nghệ sư phạm mà quan trọng hơn cả là ở sự mô phạm về phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò và sự mẫu mực trong lối sống, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo. Sự rèn luyện, phấn đấu này là thường xuyên, liên tục: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(4). Mặt khác, đội ngũ nhà giáo phải không ngừng học tập và tự học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, phải luôn tìm tòi, sáng tạo và đổi mới trong nghiên cứu, giảng dạy. Những thói quen theo kiểu lối mòn, nếp cũ không còn phù hợp cần được thay đổi, không được bằng lòng hay thoả mãn với trình độ hiện có của mình. Không được có thái độ coi thường, hạ thấp và xem nhẹ vấn đề học tập và tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, năng lực quản lý. Thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định(5), cũng như các quy định của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, nhà giáo phải luôn làm mới chính mình bằng những tri thức mới, những thông tin mới, bài giảng mới. Cần thuyết phục người học bằng chính sự uyên bác về kiến thức, trình độ chuyên môn và trí tuệ của mình. Các thầy, cô giáo cần có thái độ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những nhận thức, hành vi không đúng, những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo.
Các thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức để người học noi theo. Đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của đất nước. Mỗi nhà giáo phải luôn rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội.
ThS. Nguyễn Đình Dương – Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
————————–
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.77 – 78.
(2) C.Mác – Ph.Ăngghen, toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, H.1995, tr.425.
(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr.507.
(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.612.
(5) Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đạo đức nhà giáo.
tcnn.vn