Đánh vần theo công nghệ giáo dục: Khái niệm ngữ âm mang tính nửa vời, chơi vơi
–
Thứ ba, 04/09/2018 08:53 (GMT+7)
Cách đánh vần theo sách của GS Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi.
Khi tìm hiểu tài liệu tiếng Việt của công nghệ giáo dục (CNGD) theo cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại và quan sát đoạn clip cô giáo dạy đánh vần lan truyền trên mạng, GS Nguyễn Văn Lợi đã có sự so sánh chi tiết.
Cụ thể, theo ông, cách đánh vần truyền thống chú ý đến các thao tác cụ thể, dạy cách viết, cách đọc âm/chữ và cách kết hợp các âm/chữ thành âm tiết (tiếng). Trong khi đó, cách đánh vần CNGD xuất phát từ các khái niệm của ngữ âm học như âm tiết, âm vị, âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, phân biệt âm và chữ… Từ đó dạy các học sinh dùng các chữ để viết các âm. Cách dạy đánh vần này dựa trên những quan niệm mang tính học phái về tâm lí học sư phạm.
Tuy nhiên, theo ông điều này sẽ làm khó học sinh.
Hình ảnh cắt từ clip cô giáo đánh vần theo công nghệ giáo dục lan truyền trên mạng xã hội.
Trong thực tế, việc học ngôn ngữ ở trẻ em chủ yếu là sự bắt chước các thao tác từ người lớn, chứ không phải từ các khái niệm trừu tượng. Tương tự như việc trẻ em người Việt ăn bằng đũa. Ít ai để ý rằng, dùng đũa và cơm vào miệng, gắp thức ăn có thể được giải thích bằng các khái niệm vật lí về đòn bẩy. Nhưng trong thực tế, trẻ em từ 2-3 tuổi tập ăn bằng đũa bằng cách bắt chước các thao tác của bố mẹ, anh chị. Không ai dạy trẻ em và cơm, gắp thức ăn bằng các khái niệm vật lí như cánh tay đòn, điểm tựa, lực đẩy…
Theo GS Lợi, việc dùng các khái niệm ngữ âm học dạy trẻ em đánh vần đẻ ra rất nhiều bất cập. Trước hết, bất cập ngay trong hệ thống khái niệm, thuật ngữ của cách dạy đánh vần theo CNGD.
Ông nhấn mạnh, các khái niệm ngữ âm được sử dụng mang tính nửa vời, chơi vơi giữa các khái niệm, thuật ngữ khoa học (vốn trừu tượng) với khái niệm, từ ngữ thông thường (để nhiều người có thể hiểu, kể cả các cô giáo và nhất là trẻ em 6 tuổi).
GS Hồ Ngọc Đại.
“Ví dụ cùng khái niệm (thuật ngữ) âm được dùng trong tài liệu, cần phải hiểu là âm vị hay âm tố (vốn rất khác nhau), cùng khái niệm chữ, nhưng phải phân biệt hình chữ (tiếp nhận bằng mắt) với tên gọi của chữ ( chữ A B C, tên gọi A, Bê, Xê), cần phân biệt con chữ, chữ cái (C, K, Q) với kí tự (NH, NGH, KH, QU…)”, GS Lợi phân tích.
Ông cho rằng, việc giới hạn ở một số khái niệm, thuật ngữ (gần với khái niệm, từ ngữ thông thường) đã khó hiểu đối đối với đa số phụ huynh; ngay cả các cô giáo cũng không hiểu rõ ngọn ngành để có thể làm chủ các tri thức khi dạy cho học sinh. “Đối với trẻ em lại càng khó. Làm thế nào trẻ em hiểu được chữ U trong từ CUA là để ghi yếu tố của nguyên âm đôi /UƠ/ (chứ không phải nguyên âm đôi /UA/ như cô giáo dạy trong clip), còn U trong QUA là để ghi âm đệm /W/”, GS Nguyễn Văn Lợi cho biết.