Danh sách các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Hệ thống pháp luật là gì? Ngành luật là gì? Danh sách các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam?
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam có rất nhiều ngành luật và trong từng ngành luật thì sẽ điều chỉnh rất nhiều mối quan hệ xã hội khác nhau. Vậy trong hệ thống pháp luật Việt Nam có bao nhiêu ngành luật và những ngành luật đó điều chỉnh những mối quan hệ xã hội nào.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Hiến pháp 2013
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1. Hệ thống pháp luật là gì?
1.1. Khái niệm:
Hệ thống pháp luật là tổng thể những quy phạm pháp luật có mối liên hệ và hợp thành một chỉnh thể thống nhất với nhau được phân chia thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được quy định bởi tính chất, nội dung, mục đích và cơ cấu các quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh.
1.2. Đặc điểm:
– Có sự thống nhất, nhất quán trong hệ thống: Hệ thống pháp luật là những thuộc tính của pháp luật, sự thống nhất nội tại, sự liên hệ ràng buộc, các mối quan hệ chặt chẽ giữa các hiện tượng pháp luật… và còn có điều kiện đánh giá về tính toàn diện, đồng bộ, phù hợp… của các quy định pháp luật, của nguồn pháp luật…
– Có sự phân chia hệ thống pháp luật thành các bộ phận cấu thành: Giữa các thành tố của hệ thống pháp luật Việt Nam luôn có một mối liên hệ rất khăng khít, thống nhất và phù hợp với nhau. Có thể thấy sự thống nhất nội tại là một nguyên tắc rất quan trọng của hệ thống pháp luật Việt Nam, điều này được biểu hiện ở sự gắn bó khăng khít với nhau giữa các quy định của pháp luật, các nguồn pháp luật và các thành tố khác của hệ thống pháp luật nước ta. Hệ thống pháp luật Việt Nam vừa đa dạng lại vừa phức tạp nhưng chúng lại thống nhất trong một chỉnh thể. Sự thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam được thể hiện trong từng thành tố của hệ thống pháp luật.
– Thể hiện tính khách quan của hệ thống pháp luật: Hệ thống pháp luật Việt Nam được hình thành một cách khách quan, chúng hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước, nhũng thay đổi phù hợp với hoàn cảnh của từng thời điểm, đặc biệt hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ không phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể ban hành pháp luật.
Xem thêm: Hệ thống pháp luật là gì? Những điểm hạn chế của hệ thống pháp luật Việt Nam
2. Ngành luật là gì?
Ngành luật là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định.
Hiện nay, xuất phát từ việc các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp hơn dẫn đến việc điều chỉnh bằng quy định pháp luật chặt chẽ, chính xác hơn. Số lượng quy phạm pháp luật ngày một nhiều hơn và các ngành luật mới lần lượt được hình thành, bao gồm: Ngành luật hiến pháp, ngành luật hành chính, ngành luật tài chính, ngành luật hôn nhân và gia đình, ngành luật đất đai, ngành luật dân sự, ngành luật lao động, ngành luật hình sự, ngành luật kinh tế, ngành luật tố tụng dân sự, ngành luật tố tụng hình sự, ngành luật quốc tế.
Xem thêm: Civil Law là gì? Khái quát về hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (Civil Law)
3. Danh sách các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam:
3.1. Ngành luật Hiến pháp?
Hiến pháp hay được gọi là Luật Nhà nước, đây là Luật gốc của Việt Nam và cũng là ngành luật quan trọng nhất của Việt Nam. Hiến pháp được coi là ngành luật chủ đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tất cả các ngành luật khác đều được hình thành trên cơ sở những nguyên tắc của luật Nhà nước và không trái với Hiến pháp.
Những chế định chủ yếu: Chế độ chính trị, chế độ kinh tế, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…
Ngành Luật Hiến pháp có một vị trí đặc biệt. Ngành Luật Hiến pháp không chỉ là một ngành luật độc lập mà còn có vị trí là ngành luật chủ đạo của toàn hệ thống. Vị trí chủ đạo cũng là nội dung của mối quan hệ giữa ngành Luật Hiến pháp với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ba khía cạnh thể hiện “Vị trí chủ đạo” của ngành Luật Hiến pháp:
– Quy phạm pháp luật của ngành Luật Hiến pháp làm nền tảng hình thành các ngành luật khác;
– Ngành Luật Hiến pháp làm nền tảng hình thành các ngành luật khác;
– Ngành Luật Hiến pháp thay đổi dẫn đến các ngành luật khác cũng phải thay đổi.
3.2. Ngành luật dân sự:
Luật dân sự là ngành luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản dưới hình thức hành hoá tiền tệ và một số quan hệ nhân thân dựa trên nguyên tắc: tự định đoạt, bình đẳng quyền khởi tố dân sự và trách nhiệm vật chất của các bên tham gia quan hệ đó.
Nội dung luật dân sự bao gồm các chế định quy định về: quyền sở hữu, hợp đồng dân sự, quyền thừa kế, quyền tác giả, quyết phát minh sáng chế.
3.3. Ngành luật tài chính:
Luật tài chính là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối, sử dụng quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước. Bao gồm các chế định sau: luật ngân sách Nhà nước, chế định thu, chi ngân sách Nhà nước, chế định về tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm thương mại, tín dụng và thanh toán.
Các chế định chủ yếu: Lập và phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước, quản lý quỹ ngân sách nhà nước…
3.4. Ngành luật đất đai:
Luật đất đai là ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật, là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai, khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là chủ sở hữu duy nhất, mặt khác cũng quy định chế độ quản lý, sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Các chế định chủ yếu: Quản lý nhà nước về đất đai, Chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…
3.5. Ngành luật hành chính:
Luật hành chính là ngành luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các Quốc hội xã hội hình thành trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành điều hành của Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội.
Hệ thống luật hành chính Việt Nam bao gồm hai phần: phần chung và phần riêng.
Nguồn chủ yếu của luật hành chính: Luật tổ chức Chính phủ 2001, Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2011, Luật tố tụng hành chính 2010…
3.6. Ngành luật lao động:
Luật lao động là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động. Các quy phạm pháp luật lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động góp phần thúc đẩy sản xuất xã hội.
Các chế định chủ yếu: Chế định hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, tiền lương…
3.7. Ngành luật hôn nhân và gia đình:
Luật hôn nhân và gia đình là ngành luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản phát sinh do việc kết hôn giữa nam và nữ: điều kiện kết hôn, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái với mục đích đảm bảo hôn nhân tự do, tiến bộ, đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ lợi ích của bà mẹ trẻ em, chăm sóc, giáo dục con cái.
Các chế định chủ yếu: Chế định kết hôn, Chế định quan hệ giữa vợ và chồng, Chế định quan hệ giữa cha mẹ và con…
3.8. Ngành luật hình sự:
Luật hình sự là ngành luật bao gồm các quy phạm pháp luật quy định hành vi nào là tội phạm, mục đích hình phạt, điều kiện áp dụng hình phạt và mức độ hình phạt đối với người có hành vi phạm tội.
Những chế định chủ yếu: Chế định tội phạm, Chế định hình phạt, các tội phạm cụ thể…
3.9. Ngành luật tố tụng hình sự:
Luật tố tụng hình sự là ngành luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong việc điều tra, xét xử là kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử những vụ án hình sự.
Các chế định chủ yếu: Chế định nguyên tắc cơ bản, Chế định cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, Chế định chứng cứ…
3.10. Ngành luật tố tụng dân sự:
Luật tố tụng dân sự là ngành luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ giữa các cơ quan xét xử, viện kiểm sát nhân dân các cấp, đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình điều tra, xét xử các vụ tranh chấp dân sự. Các quy phạm pháp luật của tố tụng dân sự quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục xét xử và những vấn đề khác nhằm giải quyết đúng đắn việc tranh chấp dân sự.
Những chế định chủ yếu: Chế định nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, người tham gia tố tụng, các biện pháp khẩn cấp tạm thời…
3.11. Ngành luật kinh tế:
Luật kinh tế là tổng thể các quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của các loại doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế, về phá sản doanh nghiệp, về giải quyết các tranh chấp kinh tế.
Những chế định chủ yếu: Chế độ pháp lý về doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác, Chế độ pháp lý về hợp đồng trong kinh doanh, Chế độ pháp lý về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại…
3.12. Ngành luật quốc tế:
Luật quốc tế là tổng thể các quy phạm pháp luật được hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa các quốc gia với nhau nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các nước trong quá trình đấu tranh và hợp tác lẫn nhau. Luật quốc tế bao gồm hai bộ phận: Công pháp quốc tế và Tư pháp quốc tế.
Công pháp quốc tế (Luật quốc tế) là tập hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về chính trị hoặc các khía cạnh chính trị của quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học – kỹ thuật, văn hoá giữa các quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế liên chính phủ, hoặc các chủ thể khác của pháp luật quốc tế.
Tư pháp quốc tế: là tập hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Quan hệ dân sự ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm quan hệ dân sự (theo nghĩa hẹp), quan hệ kinh doanh, thương mại, quan hệ lao động, quan hệ hôn nhân và gia đình.