Đánh nhau bị xử phạt bao nhiêu tiền, có bị phạt tù không ?

Thưa luật sư, xin hỏi: Hành vi đánh nhau có vi phạm pháp luật không ? Hình phạt như thế nào ? Cảm ơn!

Trả lời:

Đối với hành vi cố ý đánh người hay cố ý gây thương tích cho người khác, tùy vào tỷ lệ thương tật của người bị hại để xem xét người này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không hay chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định của Điều 134, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích như sau:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đối với trường hợp này, để đủ khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự, tỷ lệ thương tật của người bi hại sẽ là trên 11%, hoặc dưới 11% nhưng có dùng hung khí nguy hiểm, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân… ( tức là có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này.

Nếu như tỷ lệ thương tật thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 điều 134 thì việc khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Nếu người bị hại rút đơn bãi nại, vụ án sẽ được đình chỉ nhưng chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015,còn đối với khoản 2, 3, 4 điều 134 Bộ luật hình sự thì khởi tố sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.

Nếu như chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hình chính theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau”;

Như vậy, mức phạt tối đa đối với hành vi đánh nhau 1.000.000 đồng nếu có tình tiết tăng nặng. Còn đối với trường hợp không có tình tiết tăng nặng mức phạt sẽ là 750.000 đồng.

 

Thưa luật sư, năm 2014 em bị 1 tiền sự đánh nhau có tổ chức tới nay 2016 làm thế nào mới xoá được có cần giấy tờ gì xoá không luật sư ?

>> Trong trường hợp này, bạn bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh nhau. Như vậy đối với trường hợp này, thời hiện để xóa tiền sự này là một năm kể từ ngày bạn tiến hành nộp phạt theo quy định tại khoản 1 điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

“Điều 6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau:

Vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính là hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:

Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;

c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt”.

Xóa tiền án trong trường hợp này bạn sẽ đương nhiên được xóa mà không cần phải làm đơn. Nếu như bạn muốn làm đơn, bạn có thể làm đơn gửi ra cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với bạn để xin xác nhận được xóa tiền án khi hết một năm kể từ ngày bạn tiến hành nộp phạt theo quy định.

 

Thưa luật sư, hiện tại tôi có một đứa con trai hơn 2 tuổi ngoài giá thú với một người đàn ông đã có gia đình,khi biết đứa con này là con ông ta, tôi cũng muốn cho cháu nhận cha,nhưng lúc cháu ốm đau hay muốn đi chơi ông ta thường viện cớ bận đánh cờ,chơi bida để thoái thác, vợ ông ta ghen đến nhà tôi đánh tôi trước mặt cháu mà ông ta cũng đứng nhìn, giờ ông ta không có con trai nên ông ta muốn nhận con. Tôi thấy ông ta k thật sự yêu thương con, ông ta còn có gia đình vợ con đầy đủ cũng chẳng quan tâm con tôi, có chăng giống như vố thí tình cảm và cũng không muốn con tôi phải chứng kiến cảnh đánh nhau,chửi nhau, tôi muốn cắt đứt quan hệ hoàn toàn với nhà ấy. Giờ ông ta đưa đơn lên toà rồi. Xin hỏi tôi phải làm sao? có điều luật nào bảo vệ mẹ con tôi khỏi sự quấy nhiễu của họ không? Xin cảm ơn luật sư rất nhiều!

Trong trường hợp này, phía bên kia khởi kiện ra Tòa về vấn đề gì thì chị cũng không nêu rõ. Nếu như ông ấy khởi kiện tranh chấp liên quan đến quyền nuôi con phải chứng minh được mình là cha đẻ của đứa bé và phải chứng minh được khả năng kinh tế, khả năng chăm sóc cháu hơn chị thì ông này mới được quyền nuôi con. Còn nếu như người này có hành vi vi phạm pháp luật, chửi bới gây phiền nhiễu cho gia đình chị, chị có quyền làm đơn gửi ra chính quyền địa phương để đề nghị họ giải quyết cho chị.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.6162 hoặc liên hệ văn phòngđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.