Đánh giá thực trạng một số yếu tố tác động đến chất lượng môn giáo dục thể chất của sinh viên Trường Đại học Thương mại
TÓM TẮT:
Nghiên cứu tiến hành hệ thống một số cơ sở lý luận liên quan đến chất lượng giáo dục cũng như những lý luận liên quan đến chất lượng giáo dục. Từ cơ sở lý luận đó, tác giả đã đánh giá thực trạng một số yếu tố tác động đến chất lượng môn giáo dục thể chất (GDTC) của sinh viên Trường Đại học Thương mại. Qua việc khảo sát 3.500 sinh viên đang theo học tại Nhà trường, tác giả đã nhận định được các yếu tố chính tác động đến chất lượng môn GDTC của Nhà trường. Đây là cơ sở khái quát bước đầu để có thể tiếp tục nghiên cứu đưa ra những giải pháp trong các công trình nghiên cứu tiếp theo.
Từ khóa: thực trạng, giáo dục thể chất, sinh viên, chất lượng.
Mục Lục
1. Cơ sở lý luận về giáo dục thể chất và các yếu tố liên quan
1.1. Một số khái niệm
* Chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục đã được đề cập rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong hoạt động chuyên môn của ngành Giáo dục và hiện cũng còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Chất lượng giáo dục là chất lượng con người được đào tạo từ các hoạt động giáo dục. Chất lượng ở đây phải được hiểu theo hai mặt của một vấn đề: Các phẩm chất của con người gắn liền với người đó, còn giá trị của con người thì phải gắn liền với đòi hỏi của xã hội. Theo quan niệm hiện đại, chất lượng giáo dục phải bảo đảm hai thuộc tính cơ bản: tính toàn diện và tính phát triển.
* Giáo dục thể chất
GDTC là một loại hình giáo dục mà nội dung chuyên biệt là dạy học động tác, giáo dục các tố chất thể lực, lĩnh hội các tri thức chuyên môn về thể dục, thể thao (TDTT) và hình thành nhu cầu tập luyện tự giác ở con người.
Theo Nôvicốp A.D và Matvêep L.P, GDTC là một quá trình giải quyết những nhiệm vụ giáo dục – giáo dưỡng nhất định mà đặc điểm của quá trình này là có tất cả các dấu hiệu chung của quá trình sư phạm với vai trò chỉ đạo của nhà sư phạm, tổ chức hoạt động tương ứng với các nguyên tắc sư phạm [4].
Theo Luật Thể dục, thể thao, Điều 20 quy định: GDTC là môn học chính khóa thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện [5].
Như vậy, GDTC bao gồm dạy học động tác và giáo dục các chỉ tiêu thể lực (TCTL). Dạy học động tác là nội dung cơ bản của của quá trình giáo dưỡng thể chất. Đó là quá trình tiếp thu có hệ thống những cách thức điều khiển động tác, vốn kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho cuộc sống và những tri thức chuyên môn. Còn giáo dục các TCTL là sự tác động hợp lý tới sự phát triển tố chất đảm bảo năng lực vận động. Trong hệ thống giáo dục, nội dung đặc trưng này của GDTC gắn liền với trí dục, đạo đức, mỹ dục và giáo dục lao động.
Theo quan điểm cá nhân trong nội dung nghiên cứu này: GDTC là môn học chính khóa thuộc chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cho người học thông qua các bài tập và trò chơi vận động, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
* Chất lượng giáo dục thể chất
Chất lượng GDTC được hiểu là chất lượng con người được đào tạo ra từ các hoạt động GDTC, ở đây được hiểu là chất lượng cả mặt GDTC và giáo dưỡng thể chất. Việc đánh giá chất lượng GDTC của sinh viên được tiến hành với các nội dung sau:
Kiến thức lý luận về GDTC được qui định theo chương trình.
Kỹ năng thực hiện kỹ thuật các môn thể thao.
Thực hiện các chỉ tiêu thể lực theo nội dung tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo năm học. Trong đó, nội dung thực hiện các CTTL theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể là một yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng trong việc nâng cao thể lực và chất lượng GDTC trong các trường.
1.2. Những yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục thể chất
* Đặc điểm tự ý thức của sinh viên
Một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng nhất của lứa tuổi sinh viên là phát triển tự ý thức. Đó là ý thức và sự tự đánh giá của sinh viên về hành động, kết quả tác động của mình, tư tưởng, tình cảm, tác phong đạo đức, hứng thú, động cơ của hành vi, hoạt động, là sự đánh giá toàn diện về bản thân và vị trí trong cuộc sống.
Tự ý thức bao gồm cả tự quan sát bản thân, tự phân tích, tự trọng, tự đánh giá, tự kiểm tra hoạt động và nhân cách của mình. Tự ý thức được xem như là một loại đặc biệt của ý thức trong đời sống cá nhân, có chức năng tự điều chỉnh hành động và thái độ đối với bản thân, [7], [8], [9].
* Hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên
Hoạt động học tập ở đại học là hoạt động tâm lý của sinh viên được tổ chức một cách độc đáo, nhằm mục đích có ý thức là chuẩn bị cho sinh viên trở thành người chuyên gia phát triển toàn diện và có trình độ nghiệp vụ cao.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có ý nghĩa khá quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên tiếp cận và giải quyết một số vấn đề khoa học và thực tiễn, [7], [8], [9].
* Động cơ học tập của sinh viên
Bất cứ hoạt động nào cũng được thúc đẩy, kích thích bởi động cơ. Động cơ là cái vì nó mà người ta hoạt động để đạt mục đích đã định. Vì vậy, hoạt động học tập của sinh viên cũng được kích thích, thúc đẩy bởi động cơ nào đó.
Động cơ học tập của sinh viên cũng được xem là sự vật, hiện tượng kích thích, thúc đẩy sinh viên học tập để nắm vững tri thức, kỹ năng nghề nghiệp và phát triển nhân cách.
Những sự vật, hiện tượng có thể trở thành động cơ học tập, bắt nguồn từ 2 nguồn gốc:
Nguồn gốc bên ngoài: Đó là gia đình, nhà trường, xã hội, địa vị cá nhân. Những mong đợi của gia đình, xã hội, kỳ vọng của người thân đối với sinh viên.
Nguồn gốc bên trong: Xuất phát từ nhu cầu hiểu biết hoàn thiện tri thức, hứng thú học tập,…
Những sự vật, hiện tượng này kết hợp với nhau, tác động kích thích sinh viên học tập được gọi là động cơ học tập của sinh viên. Dựa vào mục đích học tập của sinh viên, các nhà nghiên cứu cho thấy, ở sinh viên hiện nay có rất nhiều động cơ học tập. có thể chia làm 5 loại như: Động cơ xã hội, động cơ nghề nghiệp, động cơ nhận thức, động cơ tự khẳng định mình, động cơ vụ lợi.
Động cơ xã hội: Sinh viên thể hiện ý thức về các nhu cầu, lợi ích của xã hội, về các mục đích và chuẩn mực xã hội.
Động cơ nghề nghiệp: Sinh viên mong muốn nắm được nghề nào đó, hứng thú với nghề đã chọn và có khả năng sáng tạo nghề nghiệp.
Động cơ nhận thức: Thể hiện ở chỗ sinh viên có nhu cầu học tập
để nâng cao sự hiểu biết, hoàn thiện bản thân,…
Động cơ tự khẳng định mình: Sinh viên có ý thức về năng lực của mìnhvà muốn thể hiện được khả năng đó trong quá trình học tập.
Động cơ vụ lợi: Sinh viên học tập để mong có địa vị xã hội, có mức lương cao… Những động cơ này kích thích, thúc đẩy sinh viên tích cực học tập, ở những sinh viên khác nhau thì sự thể hiện các động cơ này ở những mức độ cũng khác nhau [7].
* Động cơ tham gia thể thao của con người
Bản thân vận động là một nhu cầu của sự sống, bởi bản chất của sự sống là sự vận động. Vì vậy, bảo vệ, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ là một ước muốn, một nhu cầu tiềm ẩn trong mỗi con người. Ước muốn này đặc biệt rõ ở những người có tuổi, những người có vấn đề về sức khỏe.
Mong muốn có một thể hình đẹp là một ước muốn của mọi cá nhân, điều này đặc biệt rõ ở nam và nữ thanh niên.
Nhu cầu thưởng thức sự hấp dẫn, vẻ đẹp của môn thể thao, thỏa mãn cảm giác dễ chịu do môn thể thao mang lại.
Do khác nhau về giới tính, lứa tuổi, điều kiện kinh tế, lối sống mà hứng thú, sở thích và động cơ tập luyện của mọi người cũng rất đa dạng: Người lớn tuổi: tập dưỡng sinh, thái cực quyền…; Thanh niên: các môn võ, môn bóng,..; Nữ thanh niên: nhịp điệu, khiêu vũ,…
Sở thích của thanh thiếu niên thì đa dạng hơn, nhưng nhìn chung các em không thích những môn có tính đơn điệu [7].
Động cơ tham gia thể thao là một mặt ý thức của người tập trong đó phản ánh tư tưởng, tình cảm thúc đẩy họ tham gia tập luyện. Động cơ miêu tả trạng thái kích thích bên trong, điều khiển và chỉ đạo hành vi [10].
Schiffman & Kanuk (2001) đề xuất một định nghĩa chung cho động cơ tham gia thể thao phản ánh quá trình với 5 giai đoạn: nhu cầu về sự thừa nhận; giảm bớt căng thẳng; trạng thái nỗ lực; sự mong muốn; mục tiêu hướng tới hành vi [10].
2. Thực trạng các điều kiện đảm bảo cho hoạt động GDTC của Trường Đại học Thương mại
Số lượng đội ngũ giảng viên TDTT của Khoa Giáo dục thể chất từ năm 2015 đến đến nay luôn duy trì lượng giáo viên cơ hữu là 10 giảng viên, trình độ giảng viên ngày càng tăng và được chuẩn hóa về trình độ. Từ năm 2018 đến nay, 100% giáo viên có trình độ thạc sỹ, giảng viên bộ môn Thể dục tham gia công tác giảng dạy tại Trường đều có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, yêu nghề. Tuy nhiên, với xu thế ngày càng phát triển của Nhà trường, lực lượng giảng viên môn GDTC của Trường Đại học Thương mại còn mỏng, toàn bộ số lượng giảng viên của bộ môn được phân công đảm nhiệm giảng dạy học phần GDTC cho sinh viên toàn trường. Do vậy, việc nâng cao chất lượng GDTC tại trường còn gặp nhiều khó khăn.
Cơ sở vật chất, dụng cụ học tập là nhu cầu thiết yếu nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy trong môn học GDTC, đây luôn là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả, chất lượng đào tạo. Nếu được đáp ứng đầy đủ trang thiết bị đúng và đủ chuẩn sẽ tạo điều kiện tốt cho giảng viên phát huy hết năng lực chuyên môn.
Trong những năm vừa qua, Nhà trường luôn quan tâm và trang bị cơ sở vật chất, các trang thiết bị – dụng cụ học tập GDTC, TDTT cho giảng viên và sinh viên sử dụng, song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế giảng dạy. Mặc dù cơ sở vật chất phục vụ công tác GDTC được Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm đầu tư, tuy nhiên, để phục vụ giảng dạy cho sinh viên toàn trường (gần 20.000 sinh viên) thì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Do vậy, việc tổ chức giảng dạy các môn thể thao tự chọn cũng còn gặp nhiều hạn chế, chỉ có thể tổ chức giảng dạy một số môn ít hoặc không sử dụng dụng cụ. Như vậy, có thể thấy khả năng của Nhà trường chưa theo kịp sự phát triển về quy mô đào tạo, số lượng của sinh viên theo từng năm học.
2.1. Thực trạng các yếu tố tác động đến sinh viên đối với môn GDTC
Để đánh giá thực trạng nhận thức của sinh viên đối với môn học, tác giả đã tiến hành khảo sát sinh viên của Nhà trường về nhận thức đối với môn học. Tác giả sử dụng phương pháp điều tra xã hội học với số lượng phiếu phát ra là 4.000 phiếu và kết quả thu về được 3.563 phiếu, trong đó có 63 phiếu không hợp lệ và bị loại. Kết quả như sau: (Bảng 1)
Bảng 1: Kết quả khảo sát nhận thức của sinh viên về
giáo dục thể chất
STT
Nội dung
Số lượng
Tỷ lệ %
1
Nhận thức của em về mô học giáo dục thể chất
Rất cần thiết
830
23,71
Cần thiết
1286
36,74
Bình thường
1080
30,86
Không cần thiết
300
8,57
Rất không cần thiết
4
0,11
2
Mức độ hài lòng của sinh viên đối với môn học GDTC
Rất hài lòng
923
26,37
Hài lòng
1420
40,57
Bình thường
834
23,83
Không hài lòng
319
9,11
Rất không hài lòng
4
0,11
3
Mức độ rèn luyện thể thao của sinh viên như thế nào
Thường xuyên
1467
41,91
Thỉnh thoảng
1249
35,69
Không luyện tập
784
22,40
4
Mức độ hài lòng của sinh viên đối với cơ sở vật chất phục vụ luyện tập
Rất hài lòng
650
18,57
Hài lòng
870
24,86
Bình thường
1730
49,43
Không hài lòng
194
5,54
Rất không hài lòng
56
1,6
Nguồn: Kết quả khảo sát
Qua Bảng 1 cho thấy, nhận thức của sinh viên về mức độ cần thiết đối với môn GDTC tương đối cao, đạt mức 60,46%, thông qua đó cũng cho thấy những hữu ích của môn học này đối với việc đảm bảo chất lượng trong quá trình học tập nghiên cứu tại Trường Đại học Thương mại. Mặc dù chỉ có 0,11% trên tổng số sinh viên được khảo sát cho rằng môn học này là rất không cần thiết, nhưng đây cũng là vấn đề đáng được quan tâm, cần phải tuyên truyền nhiều hơn về những tác dụng tích cực của môn học này.
Về mức độ hài lòng đối với môn học GDTC, có đến 66,94% số lượng sinh viên được khảo sát đánh giá là hài lòng với môn học này. Tuy nhiên, vẫn còn 9,22%, sinh viên đánh giá không hài lòng hoặc rất không hài lòng đối với môn học này. Điều đó cho thấy cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, chất lượng cơ sở vật chất cũng như chất lượng giờ giảng để giảm thiểu những đánh giá không tốt của sinh viên.
Về mức độ hài lòng đối với cơ sở vật chất phục vụ học tập và rèn luyện, có gần 50% số lượng sinh viên khảo sát chỉ đánh giá ở mức độ hài lòng. Mặc dù thời gian vừa qua, Nhà trường đã quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho môn học, tuy nhiên, mỗi cán bộ, giáo viên bộ môn cũng cần nỗ lực nghiên cứu, đề xuất những môn học phù hợp với điều kiện thực tế mà vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên.
2.2. Thực trạng nhận thức của sinh viên về giáo dục thể chất (Bảng 2)
Bảng 2: Kết quả tự đánh giá của sinh viên về ý thức
luyện tập thể chất
TT
Nội dung
Có
Không
SL
%
SL
%
1
Sinh viên có tìm hiểu về tầm quan trọng của môn GDTC
2.676
76,46
824
23,54
2
Sinh viên tự giác rèn luyện trong các buổi học để có thể hoàn thành tốt nhất môn học
2.716
77,6
784
22,4
3
Ngoài giờ học sinh viên có tham ra luyện tập theo các bài học của môn GDTC
1.784
50,97
1716
49,03
4
Sinh viên có tham gia cá câu lạc bộ để có thể rèn luyện thể chất ngoài giờ học
823
23,51
2677
76,49
5
Sinh viên nhận được những tác động tích cực mang lại từ các môn học GDTCđối với quá trình học tập nghiên cứu tại trường
2.343
66,94
1157
33,06
Nguồn: Kết quả khảo sát
Số liệu từ Bảng 2 cho thấy, ý thức của sinh viên tương đối tốt khi tích cực tìm hiểu về môn học cũng như tác động của môn học GDTC đối với qua trình học tập của sinh viên. Điều này cho thấy công tác truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học này đang được Nhà trường thực hiện tương đối tốt, lượng thông tin đến được với sinh viên tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cần nỗ lực hơn nữa để sinh viên thấy được những tác động tích cực, giảm thiểu số lượng sinh viên cho rằng môn học này không tác động tốt đối với thể chất của sinh viên (33,06%) như hiện nay.
3. Kết luận
Qua đánh giá thưc trạng các yếu tố tác động cũng như nhận thức của sinh viên đối với môn học GDTCcủa sinh viên Trường Đại học Thương mại cho thấy, mặc dù đã có nhiều thành công nhưng vẫn còn đó những hạn chế cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu GDTC đối với sinh viên trong quá trình học tập. Cần tạo điều kiện tốt hơn cho sinh viên có những phương thức phù hợp để giải tỏa những áp lực gặp phải trong quá trình học tập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Quyết định số 14/2001 ngày 03/5/2001, V/v Ban hành qui chế về công tác giáo dục thể chất và Y tế trường học trong nhà trường các cấp.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Thông tư số 25/2015/TT-BGD&ĐT ngày 25 tháng 10 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học.
- Lưu Quang Hiệp và cộng sự (2002), Y học Thể dục, thể thao, NXB Thể dục, thể thao, Hà Nội.
- Novicov A.D, Matveev L.P.(1979), Lý luận và phương pháp giáo dục thể chất, NXB Thể dục, thể thao, Hà Nội.
- Quốc hội (2006), Luật Thể dục, Thể thao, số 77/2006/QH11, được thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 19/11/2006.
- Thủ tướng Chính phủ (2015), Nghị định số 11/2015/NĐ-CP ngày 31/01/2015 quy định “Chương trình giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường”.
- Nguyễn Văn Thàng (2007), Tâm lý học đại học (Bài giảng dành cho cán bộ giảng viên các trường đại học, cao đẳng về chứng chỉ lý luận dạy học đại học).
- Phạm Ngọc Viễn (2007), Giáo trình tâm lý học thể dục, thể thao, NXB Thể dục, thể thao, Hà Nội.
- Trương Quốc Uyên (2005), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thể dục thể thao, NXB Thể dục, thể thao, Hà Nội.
- Stephen J.Virgilio, 1997, Fitness Education for Children, A team approach Publisher Human Kinetics, New York.
Assessing the factors affecting the quality of physical education of Thuongmai University
Master. Dinh Tra Giang
Thuongmai University
Abstract:
This study reviews some theoretical bases relating to the educational quality. Based on these theoretical bases, this study assesses the factors affecting the quality of physical education of Thuongmai University. By surveying 3,500 students studying at Thuongmai University, this study identifies some major factors affecting the university’s physical education quality. This study is served as the initial stage for further studies.
Keywords: current situation, physical education, students, quality.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]