Đánh giá kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục

Đánh giá kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục

Sáng 19/3, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về kết quả, tình hình triển khai các giải pháp sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) theo Chương trình hành động số 21 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 36 của UBND tỉnh về xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế đối với hệ thống cơ sở giáo dục công lập đến năm 2021 (gọi tắt là Đề án 21). Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND kết luận tại hội nghị.

Đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kết luận hội nghị.

 

Báo cáo Sở Nội vụ nêu rõ: Năm 2019 là năm thứ 6 tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ tinh giản bộ máy, biên chế, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đối với ngành GD&ĐT, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm học 2018-2019 tiếp tục sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất các trường và đã giảm 6 trường, 41 điểm trường, 33 lớp; chuyển đổi mô hình một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ra ngoài công lập; thực hiện lộ trình từ tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn đối với các trường công lập có điều kiện, khả năng tự chủ; cơ cấu lại trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên theo hướng chuyển nhiệm vụ dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề ở một số địa bàn có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng chí Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT, phát biểu tại hội nghị.

 

Về tình hình triển khai xây dựng Đề án 21 đối với hệ thống cơ sở giáo dục công lập đến năm 2021 có 1 địa phương không đề xuất giảm trường, lớp; 9 địa phương đề xuất giảm 38 trường trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập; 5 địa phương đề xuất tăng 506 giáo viên, nhân viên do số lượng học sinh tăng…

Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương liên quan đã nêu rõ kế hoạch triển khai Đề án 21 của đơn vị mình. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, bất cập và đề xuất liên quan đến quy mô trường, lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từ bậc học mầm non đến THPT do số lượng học sinh tăng…

Đại biểu các địa phương phát biểu tại hội nghị trực tuyến.

Quang cảnh hội nghị.

 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy chỉ đạo các địa phương rà soát nội dung Đề án 21 và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh. Đồng thời tiếp tục quản lý khai thác, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, hợp đồng, giáo viên; thực hiện cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo hướng tinh giản để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, hướng tới mục tiêu cao nhất là vì học sinh. Các địa phương quản lý, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tăng cường xã hội hóa, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ngành Giáo dục cần xây dựng đề án và lộ trình cụ thể chuyển đổi mô hình hoạt động một số đơn vị sự nghiệp công lập ở địa bàn thuận lợi, có khả năng, điều kiện thực hiện xã hội hóa sang mô hình ngoài công lập theo hướng chất lượng cao.