Đằng sau những trang văn trên blog

TP – Mạng Internet hiện đang nổi lên như một phương tiện kiếm tìm độc giả khá hiệu quả cho một số nhà văn, nhất là nhà văn trẻ – thế hệ 8x.

Đằng sau những trang văn trên blog ảnh 1 Trang blog của Cấn Vân Khánh

Đối với nhiều nhà văn, blog trở thành kênh xuất bản đầu tiên, nơi nhà văn chỉ chịu trách nhiệm với chính mình, nơi nhà văn hoàn toàn làm chủ quan hệ giữa mình và độc giả nhờ các tiện ích của blog.

Đủ kiểu “còm men”

“Còm men” (comment – bình luận) là từ quen thuộc với những ai dùng blog. Những comment (sau đây viết tắt CM) vào tác phẩm đưa lên blog luôn là mối quan tâm của nhà văn, trên nhiều blog luôn có lời kêu gọi hãy CM!

Thái độ với CM mỗi người khác nhau, có người coi nó là phương tiện khách quan để “đo” bạn đọc, nhưng có người rà soát những friend (người giao lưu và đọc thường xuyên blog của mình) không tích cực và remove (xóa bỏ) không thương tiếc.

Về vấn đề này, Di Li (chủ nhân 2 blog Di Li và Regina Bella) thẳng thắn: một điều rất rõ ràng là nhiều độc giả biết đến tôi và tác phẩm của tôi qua blog chứ không phải qua các kênh thông tin khác. Đây là một điều rất tốt đối với người sáng tác.

Cấn Vân Khánh (chủ nhân Cấn Vân Khánh’s blog) – người thường xuyên đưa các dự định sáng tác và hoạt động văn học nói chung của mình lên blog cho biết thường dành thời gian trả lời những comment hỏi han, trao đổi về các chi tiết trong truyện.

Vũ Quỳnh Hương (chủ nhân blog Nếu yêu thì phải nói) không nhận mình là nhà văn mạng, tuy nhiên bản thảo tiểu thuyết đầu tay của chị “Trái tim của sói” vẫn post lên blog và qua đó chị có khá nhiều bạn đọc khi sách chưa in.

Cư dân mạng còn nhớ nhà văn 8x Nguyễn Thuý Quỳnh đã làm mưa làm gió trên mạng với bản thảo “Cuộc rượu Chả Sất lúc 4 giờ” với những chuyện hư hư thực thực không thể phân biệt hư cấu, giả tưởng hay hồi ức có thật.

Hà Kin – một nhà văn mạng, nổi lên với cuốn “Chuyện tình New York”, gặp “sự cố” bản quyền khi một đoạn thơ cô đưa vào sách bị tác giả thực sự của đoạn thơ phản ứng.

Điều đáng lưu ý trong chuyện này là thái độ của bạn đọc trên mạng: tại chính blog của Hà Kin, có hàng trăm CM dồn dập với những thái độ ngược nhau và không ít những cuộc tranh cãi diễn ra.

Một chuyện khác không kém phần thú vị, không thuộc lĩnh vực sáng tác nhưng cũng rất liên quan đến nhà văn: Khi nhà văn Đoàn Minh Phượng (chủ nhân blog 2 4 6) được tin mình được giải thưởng Hội Nhà văn VN 2007 với tiểu thuyết “Và khi tro bụi”, chị khá phân vân và đã viết một entry thể hiện tâm trạng này. Entry này lập tức nhận được hàng chục CM với đủ loại ý kiến.

Giao lưu hay “khoe”?

Không chỉ là những hiểu biết mang tính công việc, tất cả những nhà văn có blog đều đưa hết các thông tin về tác phẩm của họ và cả thông tin cá nhân.

Có thể nói, cách giao lưu này khác hẳn với quan niệm cũ “hữu xạ tự nhiên hương”, khiến một số người phản ứng là “khoe khoang” (!). Nhưng chính các nhà văn 8x thì quan niệm, đây là việc làm có tính thân thiện, theo phong cách trẻ trung, cởi mở.

Đã có nhiều người nhấn mạnh đến tính chất “xã giao” của những bình luận trên mạng. Thậm chí, có người nhận định: người viết nhiều khi tập trung tâng bốc, nâng đỡ nhau, làm cho người ta ngộ nhận!

Nhưng cũng cần lưu ý, chính sự không quen biết trước (giữa tác giả và người đọc) đã cho phép xuất hiện những nhận xét trái chiều, mà sự vô tư có thể cao hơn trong quan hệ thân thiết truyền thống.

Trong các blog của nhà văn mạng, xuất hiện không ít những CM  phê phán kiểu: “không tin nổi”, “xin lỗi nhưng tôi không thích”, “sến quá”… thậm chí xuất hiện những CM thô tục, phi văn chương – văn hoá (vì nhiều lý do, xin không trích dẫn ra ở đây).

Trần Thu Trang (chủ nhân blog Thiếu Iot và trang web sachcuatrang.com) đang hoàn tất bản thảo một cuốn sách gồm những entry được chị đặt tên là “thư hàng tuần”.

Tại blog của Trang, người ta đọc được entry trong đó có đoạn: Sau một tuần bình chọn kịch liệt, cuốn sách dành cho “thư hằng tuần và hơn thế nữa” sắp xuất bản nay mai sẽ được đặt theo tên mà số đông độc giả của tôi ưa thích: “99 tuần buôn chuyện”… Rồi, tiếp theo là đến cái bìa. Vô cùng thương tiếc báo tin cho các bạn, ảnh bìa sẽ là ảnh tác giả.

Kết thúc, chị đưa ra một loạt 4 ảnh bản thân và đề nghị người đọc bình chọn (vote). Có 112 lượt bình chọn, nếu ai có gợi ý về “Phong cách khác” được mời CM và đã có 62 bình luận trong 10 ngày sau. Trong blog của Trần Thu Trang, phần “tag cloud” (chia các entry ra từng loại khác nhau) có hẳn 2 phần riêng: “trưng cầu ý kiến” và “thi bình luận”.

Di Li trong quá trình viết tiểu thuyết trinh thám kinh dị “Trang trại” thì có sáng kiến mở cuộc thi đoán tình huống trên blog, đặt giải thưởng hẳn hoi.

Nguyễn Hòa Bình cũng đang viết một tiểu thuyết mang tên “Tâm” đăng từng kỳ trên blog. Chị “rao” trên blog: Tiểu thuyết của tôi có kết cấu riêng, bạn có thể đọc từ bất cứ chỗ nào tới chỗ nào, không theo trình tự thông thường! Cách thức này khiến đa số bạn đọc ngỡ ngàng, nhưng tác giả cũng nhận được khá nhiều CM ủng hộ khuyến khích.

Như vậy, có thể nhận thấy, Internet đưa lại một lượng bạn đọc đáng kể, trong thời gian ngắn sau khi tác phẩm được đưa lên mạng. Bạn đọc này không nhất thiết phải là người quen biết tác giả và họ có thể ở rất xa tác giả về địa lý. Đây là điều khác hẳn với cách giao lưu truyền thống.

Văn chương trên mạng và những mời gọi thị trường

“Chuyện tình New York” thoạt đầu là những entry nặng tự sự được đăng nhiều kỳ trên Ha Kin’s blog từ đầu năm 2007. Cuốn tiểu thuyết kinh dị của Trung Quốc “Kỳ án ánh trăng” (Quỷ Cổ Nữ – đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam) được viết thành từng phần post dần lên mạng, được mọi người đóng góp ý kiến.

Khi mới viết được một nửa “Kỳ án ánh trăng” đã có 10 triệu người truy cập vào xem, nhiều NXB đã tìm đến ký hợp đồng với hai vợ chồng tác giả cuốn sách này.

Tình hình khá giống với nhiều tác phẩm trên mạng Hoa ngữ mà Trang Hạ – nhà văn và là blogger nổi tiếng đã gây cơn sốt với truyện dịch “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” cũng từ mạng Hoa ngữ nói: Lúc đầu nó không phải là các sáng tác văn học, nhưng vì đăng tải trên mạng, được bạn đọc quan tâm, lưu truyền, dần dần được coi là những tác phẩm.

Trong trường hợp này, blog vẫn giữ chức năng ban đầu là nhật ký cá nhân, nhưng blogger đã bất ngờ được thăng hạng thành nhà văn.

Hà Kin tiết lộ: Giờ tôi hiểu rất rõ ràng, nếu biết sử dụng blog đúng cách, đó quả là một nguồn lợi ghê gớm, cả về tinh thần lẫn vật chất, Trần Thu Trang thì sòng phẳng: Internet mang đã cho tôi những cơ hội mà nếu xét theo cách truyền thống, tôi phải mất nhiều năm mới có được.

Rõ ràng, thành công nhanh chóng của Hà Kin là mong ước cho nhiều người viết thời đại Internet.

Lê Anh Hoài