Đáng lo ngại về các hội nhóm “độc hại” trên mạng xã hội: Hỏi nhau mua xyanua ở đâu?
Tìm kiếm sự đồng cảm
Chỉ cần gõ từ khóa “Hội những người muốn tự tử” trên ô tìm kiếm Facebook, bạn sẽ nhận được nhiều kết quả gồm các hội, nhóm có hàng nghìn đến chục nghìn thành viên. Đa phần, những thành viên đều thể hiện sự tuyệt vọng, bế tắc và đau buồn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một số người bày tỏ mong muốn được kết liễu cuộc sống để giải thoát.
“Không bạn bè, không gia đình, không hy vọng và không niềm tin. Tôi chỉ có đống nợ nần chồng chất. Ai đó vào chửi một thằng thất bại như mình đi để mình ra đi không hối tiếc gì nữa đi”, tài khoản D. viết. Phía dưới phần bình luận, bên cạnh những người đồng cảm, chia sẻ với D.
Một tài khoản tên D.G động viên: “Bạn ơi, cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra mà. Đừng tuyệt vọng như vậy”. Theo nhiều người lý giải, việc chia sẻ câu chuyện của bản thân. mình lên các hội, nhóm là một cách “tâm sự với người lạ”. Bởi lẽ, trong cuộc sống, họ không còn có thể tìm được sự đồng cảm nào khác.
Một tài khoản có tên T.H cũng bày tỏ: “Mình không muốn sống nữa. Người thân của mình không tin tưởng, hùa với người ngoài chỉ trỏ mình. Tại sao lúc thành công thì được tung hô, khi thất bại lại bị đạp xuống vực thẳm. Tuyệt vọng và chán nản quá”.
Tuy nhiên, đáp lại lời tâm sự của H., có khá nhiều người lại vào đùa cợt, hoặc khiến câu chuyện trở nên tiêu cực hơn. Cụ thể như: “Người thân như vậy thì chẳng đáng màng nữa, chấm dứt tại đây đi bạn”, “Mình từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, chỉ muốn đi đâu thật xa và không trở về nữa”…
Những bài đăng mang tính tiêu cực trong Hội những người muốn tự tử
Bên cạnh đó, một số thành viên đã đến các hội, nhóm nhờ tư vấn cách … quyên sinh. Thậm chí, có người còn chỉ dẫn cho chủ nhân topic cách mua xyanua (một loại chất độc) để ra đi nhẹ nhàng. Thậm chí, các thành viên còn bàn nhau về “cách chết” như uống liều lượng bao nhiêu, tìm xyanua ở đâu…
Có nhiều cách để sẻ chia
Chị Nguyễn Đào Ngọc B. (SN 1992) từng là một thành viên trong hội nhóm này cho biết: “Đã có lúc, tôi tìm đến các hội nhóm này để chia sẻ nỗi lòng, thực sự lúc đó đã quá tuyệt vọng rồi, chẳng ai thèm nghe mình nói cả. Như bao người, tôi dùng nick ảo để tâm sự mong muốn trút hết buồn phiền. Tuy nhiên, ngoài những lời động viên, cách các thành viên trong nhóm trả lời khiến mình cảm thấy câu chuyện như nặng nề hơn…”
Trao đổi với PV, Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An (Đại học Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Áp lực cuộc sống đã không còn xảy ra ở người lớn, mà thậm chí đã xuất hiện ở trẻ em. Đến với những hội, nhóm tiêu cực này, ban đầu ai cũng nghĩ rằng sẽ có thể tìm được người đồng cảm, chỗ để tâm sự. Tuy nhiên, những hình ảnh, câu chuyện, lời nói… tiêu cực cứ lặp đi lặp lại sẽ để lại sự ám ảnh. Vô hình trung, tâm lý đang bất an, bất ổn của bạn sẽ bị đả kích.
Khi bạn gặp tình huống tương tự trong cuộc sống, cách xử lí tiêu cực sẽ bộc lộ bên ngoài như một thói quen. Dần dà, nó sẽ ảnh hưởng đến thái độ sống, hành vi sống của mỗi người. Vì thế, việc tham gia những hội, nhóm này là vô cùng nguy hiểm.
Chuyên gia tâm lý nói thêm: Bất kì ai cũng có những áp lực cuộc sống cho riêng mình. Bạn có thể tìm đến chuyên gia tâm lý, hoặc đơn giản, chỉ cần ngồi chuyện trò cùng một người bạn thân để trút hết bầu tâm sự. Có người lắng nghe để bạn chia sẻ, những gánh nặng tâm lý sẽ vơi đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, tôi thấy đáng lo ngại, trong hội, nhóm này có nhiều em học sinh đang độ tuổi vị thành niên. Đây là độ tuổi dễ bị tác động, có những bất an, bất ổn và biến đổi tâm sinh lý. Các em có thể gặp áp lực gia đình, học tập, điểm số… mà không có nơi trút bầu tâm sự, không biết chia sẻ cùng ai nên tự mình bơi trong bể bơi thông tin. Phụ huynh bận rộn cuộc sống, không đủ thời gian quan tâm.
Ví dụ nhé, khi các em lên nhóm để chia sẻ, có một số người sẽ vào bình luận “cha mẹ thế này, thế kia là rất đáng trách”. Bị tác động như thế, các em có thể bị cơn đả kích nhấn chìm, suy nghĩ không chín chắn dẫn đến nhiều hệ lụy.
Trong giáo dục, yếu tố nhận thức là yếu tố nền tảng, cơ bản tác động đến thái độ và hành vi sống của con người. Các bạn nên nhận được sự quan tâm từ bậc làm cha, mẹ, hãy làm bạn cùng con, cho chúng cơ hội để được nói ra những gì để trong lòng. Đồng thời, nhà trường cũng nên tăng cường các chuyên đề ngoại khóa, giáo dục kĩ năng sống cho các em”.
Xem thêm video đang được quan tâm
Tiết Lộ Bất Ngờ Lý Lịch Ít Biết Của Bà Phương Hằng, Liên Quan Đến Đàn Em Trùm Năm Cam?