Đảng Cộng sản Việt Nam: Điều kiện cầm quyền và nhận diện những nguy cơ để tự chỉnh đốn, đổi mới
1. Ở Việt Nam, từ trước tới nay chưa có một đảng phái yêu nước nào ngay từ khi ra đời đã được tổ chức chặt chẽ, khoa học như Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam. Đây là điều kiện khách quan, lịch sử để Đảng trở thành một đảng cầm quyền
Trước khi Đảng ta ra đời, ở Việt Nam đã có một số tổ chức chính trị yêu nước xuất hiện, dưới các tên khác nhau như hội, đoàn, xã, hay đảng…[1]. Điều này chứng tỏ phong trào yêu nước Việt Nam đang ở bước chuyển quan trọng để đi vào đấu tranh chính trị ngày càng có tổ chức hơn. Nhưng do nhiều nguyên nhân, không một tổ chức chính trị nào có đủ năng lực và uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Việt Nam trước khi có ĐCS vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng về đường lối, cả dân tộc như không có đường ra.
Sau 10 năm đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy con đường để đưa dân tộc thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng đó. ĐCS Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện theo các nguyên tắc đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đã vượt qua được mọi sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, càng đấu tranh càng mạnh và giành thắng lợi ngày càng to lớn, càng được nhân dân tin cậy, bảo vệ và ủng hộ.
Hàng loạt các đảng phái thân Nhật xuất hiện trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, như: Đại Việt quốc gia xã hội Đảng, Đảng Phụng sự quốc gia, Đại Việt quốc gia liên minh (ở Bắc kỳ); Đảng Việt Nam quốc gia độc lập, Nhật – Việt phòng vệ đoàn (ở Nam kỳ)… Các đảng phái này đều được thành lập một cách vội vã, để rồi tan vỡ rất nhanh chóng. Sau Cách mạng Tháng Tám lại có một vài đảng phái phản động như: Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh; Việt Nam cách mạng đồng minh Hội của Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng, hoàn toàn sống nhờ ngoại bang, vì vậy khi không còn dựa được vào ngoại bang thì sự tồn tại của chúng cũng chấm dứt.
2. Vai trò lãnh đạo của Đảng được nhân dân thừa nhận là điều kiện tiên quyết để thành đảng cầm quyền
Vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam được nhân dân Việt Nam thừa nhận hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bởi mấy lẽ sau đây:
Một là, ĐCS Việt Nam ra đời sau khi đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt: học thuyết, đường lối, tổ chức, cán bộ, tuyên truyền tổ chức đưa phong trào công nhân và phong trào yêu nước từ tự phát đến tự giác ngày càng cao, thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Điều này đã được Nguyễn Ái Quốc thực hiện sau khi Người đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đặc biệt từ năm 1925 trở đi với việc tổ chức Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên; mở các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu; viết tác phẩm Đường Cách mệnh; đưa đảng viên, cán bộ thâm nhập vào phong trào công nhân, gửi người đi học ở Quảng Châu và Mát-xcơ-va cả về chính trị và quân sự để chuẩn bị cán bộ cho các bước phát triển của cách mạng sắp tới.
Hai là, ngay sau khi ra đời, Đảng đã sớm xác định được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn. Với Chính cương, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và được Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 thông qua, những vấn đề cơ bản về đường lối và phương pháp cách mạng như: mục tiêu cách mạng, con đường đi từ cách mạng tư sản – dân quyền kiểu mới, cách mạng thổ địa đến cách mạng XHCN, xây dựng Đảng của giai cấp công nhân, liên minh công – nông, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, phương pháp đấu tranh giành chính quyền… đều đã được xác định phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Ba là, Đảng đã xây dựng được một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, và chuẩn bị một đội ngũ cán bộ, đảng viên đến với các tầng lớp nhân dân để tuyên truyền, giáo dục, tổ chức nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng; đồng thời cũng thu hút ngày càng nhiều những người ưu tú trong mọi giai tầng xã hội tham gia Đảng, làm cho lực lượng của Đảng ngày càng lớn mạnh.
Bốn là, thông qua phong trào cách mạng của quần chúng, Đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, luôn gắn bó với quần chúng, sẵn sàng hy sinh, xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, giữ được uy tín với nhân dân, được nhân dân tin cậy và thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng.
Vai trò lãnh đạo của ĐCS Việt Nam được nhân dân thừa nhận bởi nhiều lẽ, nhưng trước hết vì Đảng đã đưa ra được đường lối cách mạng đúng đắn, đáp ứng không chỉ những đòi hỏi bức thiết trước mắt, mà còn những yêu cầu cơ bản và lâu dài của nhân dân. Đảng tổ chức nhân dân thực hiện đường lối ấy đem lại lợi ích cho dân, giành thắng lợi cho độc lập dân tộc. Quan hệ Đảng với Nhân dân là quan hệ máu thịt – Nhân dân tìm thấy ở Đảng người dẫn đường trong đấu tranh cách mạng; Đảng tìm thấy ở Nhân dân chỗ dựa vững chắc, lực lượng vô địch trong hai cuộc cách mạng nối tiếp nhau, từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng XHCN trong cả nước. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định như một tất yếu lịch sử. ĐCS Việt Nam không tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng với bất cứ đảng phái nào khác; ngược lại các đảng phái chính trị đã có ở Việt Nam cũng không đủ vị thế và uy tín để tranh giành quyền lãnh đạo với ĐCS.
Đảng ta đã lãnh đạo qua hai thời kỳ: 15 năm đầu (1930-1945) là thời kỳ chưa giành được chính quyền; 75 năm trở lại đây (1945-2020) là thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân xóa bỏ được chính quyền thực dân, phong kiến để xây dựng chính quyền nhân dân, từ đó Đảng trở thành đảng cầm quyền.
Lãnh đạo là “’đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện”, còn cầm quyền có nghĩa là “nắm giữ chính quyền”. Khái niệm đảng lãnh đạo là để chỉ vai trò, sứ mệnh của ĐCS Việt Nam từ khi thành lập đến nay, có nghĩa là trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Khái niệm đảng cầm quyền là để chỉ vị trí của Đảng khi đã giành được chính quyền, cũng có nghĩa là Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền. Bằng chính quyền, thông qua chính quyền và các đoàn thể nhân dân, Đảng lãnh đạo toàn xã hội. Khái niệm đảng cầm quyền đã được V.I.Lê-nin nêu ra; sau này Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng đã sử dụng các khái niệm như:“Đảng giành được chính quyền”, “Đảng nắm chính quyền”, “Đảng cầm quyền” khi đề cập đến vai trò của Đảng đối với xã hội.
3. Nhận diện rõ nguy cơ phái sinh để Đảng thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới
Sự lãnh đạo của Đảng trước khi có chính quyền khác rất nhiều so với khi đã có chính quyền. Trước khi có chính quyền, Đảng không có quyền lực nào đối với dân, đối với xã hội. Trong điều kiện hoạt động bất hợp pháp, mọi đường lối của Đảng có đến được với dân hay không chủ yếu là do các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trực tiếp tuyên truyền, phổ biến thuyết phục đến các hội, quần chúng cốt cán của Đảng, thậm chí đến từng người dân, từ đó tổ chức nhân dân thực hiện đường lối của Đảng. Đảng phải được dân tin, dân yêu, dân nuôi, dân bảo vệ; mọi sự xa rời nhân dân đều có thể dẫn đến tổn thất cho cách mạng.
Khi đã có chính quyền thì chính quyền là công cụ mạnh mẽ để đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng, Đảng lãnh đạo chính quyền (Nhà nước) thể chế hóa mọi đường lối, chính sách của Đảng thành Hiến pháp, pháp luật, thành các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và tổ chức quần chúng thực hiện. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực đều là của nhân dân, nhân dân uỷ nhiệm Nhà nước thực thi quyền lực của nhân dân trong toàn xã hội. Do vậy, cần cảnh giác với nguy cơ những người nắm quyền lực Nhà nước vốn là đại biểu được nhân dân bầu ra nhưng có thể lợi dụng biến quyền lực đó thành quyền lực của mình. Nếu việc sử dụng quyền lực của Nhà nước có tính chất cưỡng chế cũng rất dễ làm cho không ít tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên coi nhẹ việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân trong công tác lãnh đạo của Đảng, hoặc làm chỉ có tính hình thức. Điều ấy chứng tỏ quyền lực nếu có sức mạnh to lớn trong việc cải tạo hiện thực, xây dựng xã hội mới, thì cũng có mặt trái dễ làm tha hóa con người, thậm chí làm tha hóa cả một đảng cầm quyền. Lord Acton – nhà sử học đồng thời là nhà triết học người Anh cuối thế kỷ XIX đã có câu nói nổi tiếng: “Quyền lực dẫn đến hư hỏng. Quyền lực tuyệt đối đẫn đến hư hỏng tuyệt đối” – Luận điểm ấy hoàn toàn có lý khi suy nghĩ về mặt trái của quyền lực.
Là người lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản thắng lợi và thành lập nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới, V.I.Lê-nin đã cảnh báo về những tệ nạn như quan liêu, dốt nát, kiêu ngạo cộng sản từ rất sớm và đòi hỏi ĐCS (b) Nga khi đã trở thành đảng cầm quyền phải kiên quyết chống lại những tệ nạn này. Là người lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Hồ Chí Minh đã vạch rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là ba thứ giặc nội xâm có thể biến một người có công trở thành kẻ có tội, thậm chí làm đổ vỡ cả sự nghiệp của một đảng cầm quyền. Đáng tiếc là những tệ nạn ấy đã diễn ra ở tất cả các nước XHCN, ở tất cả các ĐCS cầm quyền và đã trở thành một trong những nguyên nhân đưa đến sự tan rã của ĐCS và sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu cuối thế kỷ XX. Như vậy, việc xây dựng một ĐCS cầm quyền không phải chỉ có thuận lợi, mà còn không ít thách thức cần phải vượt qua, nguy cơ cần phải đẩy lùi. Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới để luôn luôn xứng đáng là một đảng cách mạng chân chính, như Hồ Chí Minh thường nhắc nhở.
Vấn đề chủ yếu đối với một ĐCS cầm quyền là làm sao giữ vững được vai trò cầm quyền của mình bằng đường lối cách mạng đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp và đặc biệt quan trọng là bằng sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng cũng như của cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, nguồn gốc tạo nên sức mạnh của Đảng.
(1). Duy Tân Hội (1904), Đông Kinh nghĩa thục (1907), Việt Nam quang phục Hội (1912), Tâm Tâm Xã (1923), Việt Nam nghĩa đoàn, Hội Phục Việt (1925), Đảng Thanh niên (1926), Việt Nam Quốc dân Đảng (1927)…
PGS, TS. Lâm Quốc Tuấn
Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh