Dân tộc là gì? Việt Nam có bao nhiêu dân tộc?

Dân tộc là gì? Việt Nam có bao nhiêu dân tộc?

Dân tộc là hình thái đặc thù của một nhóm người, xuất hiện trong quá trình phát triển tự nhiên, xã hội. Cộng đồng dân tộc thường được phát triển từ bộ tộc lên hoặc là sự thống nhất của nhiều bộ tộc có chung đặc điểm về lịch sử, văn hóa. Vậy, khái niệm dân tộc dưới góc độ pháp lý được định nghĩa như thế nào? Hiện nay Việt Nam ta có bao nhiêu dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ của đất nước? Nếu quý khách hàng đang có nhu cầu muốn tìm hiểu về vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây của Luật Minh Gia.

1. Dân tộc là gì?

Định nghĩa dân tộc có thể được định nghĩa dưới nhiều nghĩa khác nhau:

– Dưới góc độ chủ nghĩa xã hội khoa học, định nghĩa dân tộc được hiểu như sau:

Dân tộc chỉ một cộng đồng người có mối liên hệ chặt chẽ và bền vững, có sinh hoạt kinh tế chung, có ngôn ngữ riêng và những nét văn hóa đặc thù; xuất hiện sau bộ lạc, bộ tộc. Với nghĩa này, dân tộc là một bộ phận của quốc gia – quốc gia nhiều dân tộc

– Theo cách hiểu thông thường, định nghĩa dân tộc được hiểu là:

Dân tộc chỉ cộng đồng người ổn định hợp thành nhân dân một nước, có lãnh thổ, quốc gia, nền kinh tế thống nhất, quốc ngữ chung và có ý thức về sự thống nhất quốc gia của mình, gắn bó với nhau bởi lợi ích chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa và truyền thống đấu tranh chung trong suốt quá trình lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước. Với nghĩa này, dân tộc là toàn bộ nhân dân của quốc gia đó – quốc gia dân tộc.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, định nghĩa dân tộc được quy định tại Từ điển luật học xuất bản năm 2010: Dân tộc là cộng đồng chính trị – xã hội, được hình thành do sự tập hợp của nhiều tộc người có trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau cùng chung sống trên một lãnh thổ nhất định và được quản lí thống nhất bởi một nhà nước.

2. Những đặc trưng chủ yếu của dân tộc

– Có chung một phương thức sinh hoạt kinh tế.

Đây là đặc trưng quan trọng nhất của dân tộc. Các mối quan hệ kinh tế là cơ sở liên kết các bộ phận, các thành viên của dân tộc, tạo nên nền tảng vững chắc của cộng đồng dân tộc.

– Có thể sinh sống tập trung trên một lãnh thổ của một quốc gia, hoặc sinh sống đan xen với nhiều dân tộc anh em.

Đặc trưng này muốn chỉ vận mệnh dân tộc một phần rất quan trọng gắn với việc xác lập và bảo vệ lãnh thổ đất nước.

– Có trang phục truyền thống, ngôn ngữ riêng và có chữ viết riêng (trên cơ sở ngôn ngữ chung của quốc gia) làm công cụ giao tiếp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

– Dân tộc là một cộng đồng về văn hóa, tâm lý, tính cách…

Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Văn hóa dân tộc mang nhiều sắc thái của các địa phương, các sắc tộc, các tập đoàn người song nó vẫn là một nền văn hóa thông nhất không bị chia cắt được hình thành trong quá trình lâu dài của lịch sử.

Mỗi dân tộc có tâm lý, tính cách riêng. Để nhận biết tâm lý, tính cách của mỗi dân tộc phải thông qua sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần của dân tộc đó.

3. Việt Nam có bao nhiêu dân tộc

Theo thông tin được cập nhật đến tháng 3/2021 trên Cổng thông tin điện tử Ủy ban dân tộc, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Tổng cục thống kê Việt Nam thì số lượng các dân tộc ở Việt Nam hiện nay là 54 dân tộc anh em.

Các dân tộc phân bố ở 63 tỉnh thành trên cả nước, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa và phong tục riêng. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm khoảng 85% dân số và 53 dân tộc còn lại chiếm khoảng 15% dân số cả nước.

Về địa bàn sinh sống của 54 dân tộc thì người Kinh cư trú trải dài khắp mọi miền của đất nước, tập trung tại khu vực đồng bằng, đô thị, hải đảo. Các đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống tại vùng núi, trung du…

Danh sách cụ thể 54 dân tộc sinh sống tại Việt Nam:

1. Ba Na: cư trú tập trung tại khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên, là tộc người có dân số đông nhất.

2. Chăm: sinh sống tập trung ở vùng duyên hải miền Trung Việt Nam, có nền văn hóa rực rỡ với sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Bộ phận cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh Châu Đốc,Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới.

3. Co: sinh sống tại khu vực bắc Tây Nguyên, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ me, tương đối gần gũi các dân tộc khác trong vùng bắc Tây Nguyên và lân cận như: Hrê, Xơ Đăng, Ba Na… Chữ viết ra đời từ thời kỳ trước năm 1975 trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh. Hiện nay chữ viết này không không phổ biến nữa.

4. Cống: có nguồn gốc là tộc người di cư trực tiếp từ Lào sang.

5. Giáy: di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 200 năm.

6. Hre: sinh sống lâu đời ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.

7. La Chí: có lịch sử cư trú lâu đời tại khu vực Hà Giang, Lào Cai.

8. Lô Lô: sinh sống tại vùng cực bắc của Hà Giang.

9. Mnông: tập trung sinh sống ở vùng miền Trung Tây Nguyên.

10. Nùng: di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 200 -300 năm.

11. Pu Péo: sinh sống tại cực bắc của Việt Nam. Họ đã từng sinh sống lâu đời ở miền cực bắc Việt Nam. Các dân tộc láng giềng đều thừa nhận người Pu Péo là một trong những cư dân khai khẩn ruộng nương đầu tiên ở vùng cực bắc.

12. Sán Dìu: di cư đến nước ta khoảng 300 năm nay.

13. Thái: có cội nguồn ở khu vực Đông Nam Á lục địa và có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.

14. Xơ Đăng: sinh sống tập trung lâu đời ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên và vùng lân cận thuộc miền núi của Quảng Nam, Quảng Ngãi.

15. Bố Y: nguồn gốc di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 150 năm.

16. Chơ Ro: cư trú ở khu vực miền núi Nam Đông Dương

17. Cơ Ho: sinh sống ở khu vực Tây Nguyên.

18. Dao: có nguồn gốc từ Trung Quốc, di cư sang Việt Nam từ suốt thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XX.

19. Kháng: tập trung ở miền Tây Bắc, là một trong số các dân tộc cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc nước ta.

20. La Ha: cư trú ở khu vực Tây Bắc nước ta, khi làm lễ cúng Mường, người Thái vẫn còn tục đặt cỗ “trâu trắng” để tế thần Im Poi – một thủ lĩnh nổi tiếng của người La Ha vào đầu thế kỷ XI.

21. Lự: có mặt tại khu vực Điện Biên nước ta từ thế khỷ XII đến XII.  Tại đây họ đã xây thành Xam Mứn (Tam Vạn) và khai khẩn nhiều ruộng đồng. Vào thế kỷ chiến tranh người Lự phải phân tán đi khắp nơi, một bộ phận nhỏ chạy lên sinh sống ở vùng núi Phong Thổ, Sìn Hồ.

22. Mông: Nhóm địa phương: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Đỏ, Mông Đen, Mông Xanh, Na Mỉeo.

23. Ơ Đu: hiện nay tập trung sinh sống ở hai bản Xốp Pột và Kim Hòa, xã Kim Đa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ở Lào họ hợp với nhóm Tày Phoọng cư trú ở tỉnh Sầm Nưa.

24. Raglay: sinh sống lâu đời ở vùng miền Nam Trung Bộ nước ta.

25. Si La: dân tộc có nguồn gốc di cư từ Lào sang.

26. Thổ: địa bàn cư trú là giao điểm của các luồng di cư xuôi ngược. Do những biến động lịch sử ở những thế kỷ trước, những nhóm người Mường từ miền Tây Thanh Hóa dịch chuyển vào phía Nam gặp gỡ người Việt từ các huyện ven biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương ngược lên hòa nhập với cư dân địa phương có thể là gốc Việt cổ ở đây. 

27. Xtiêng: tập trung sinh sống ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên và miền đông Nam Bộ.

28. Brâu: di cư vào Việt Nam cách đây khoảng 100 năm, tập trung sinh sống ở lực vực các con sông Xê Xan, Mê Kông. Hiện nay, đại bộ phận cộng đồng này vẫn quần cư trên lưu vực các dòng sông Xê Xan (Xê Ca Máng) và Nậm Khoong (Mê Kông). Người Brâu có truyền thuyết Un cha đắc lếp(lửa bốc nước dâng) nói về nạn hồng thủy.

29. Chu-ru: tổ tiên là bộ phận trong khối cộng đồng Chăm, sau đó chuyển lên núi sống độc lập.

30. Cờ Lao: di cư tới nước ta cách đây khoảng 150 – 200 năm.

31. Ê-Đê: cư trú tạo miền trung Tây Nguyên. Cho đến nay vẫn tồn tại truyền thống mẫu hệ ở nước ta.  Cho đến nay, cộng đồng ê Đê vẫn còn là một xã hội đang tồn tại những truyền thống đậm nét mẫu hệ ở nước ta.

32. Hà Nhì: có mặt tại khu vực Tây bắc nước ta từ thế kỷ thứ VIII.

33. Khmer: tập trung cư trú tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

34. La Hủ: Người La Hủ chủ yếu làm nương du canh với nhịp độ luân chuyển cao. Gần đây họ chuyển dần sang trồng lúa trên ruộng bậc thang. Người La Hủ nổi tiếng về nghề đan lát (mâm cơm, ghế mây), rèn

35. Mạ: tộc người cư trú lâu đời ở khu vực Tây Nguyên nước ta.

36. Mường: sinh sống lâu đời ở vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ…

37. Pà Thẻn: di cư đến nước ta các đây khoảng 200-300 năm với câu chuyện vượt biển cùng người Dao

38. Rơ măm: Đầu thế kỷ XX dân số của tộc này còn khá đông, phân bố trong 12 làng, ở lẫn với người Gia Lai, hiện dân tộc này chỉ tập trung sinh sống trong một làng.

39. Tà ôi: sinh sống tập trung ở vùng Trường Sơn

40. Kinh: dân tộc chiếm số đông, sinh sống trải dài ở mọi miền Tổ Quốc. Tổ tiên người Việt từ rất xa xưa đã định cư chắc chắn ở Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, người Việt luôn là trung tâm thu hút và đoàn kết các dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

41. Bru-vn-Kiều: thuộc nhóm dân cư có nguồn gốc sinh sống lâu đời nhất ở vùng Trường Sơn.

42. Chứt: địa bàn cư trú tập trung ở huyện của tỉnh Quảng Bình là Bố Trạch, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

43. Cơ Tu: sinh sống lâu đời ở khu vực miền núi tây bắc tỉnh Quảng nam, tây nam Thừa Thiên Huế.

44. Gia Rai: là nhóm cư dân sinh sống ở vùng núi Tây Nguyên.

45. Hoa:: Người Hoa di cư đến Việt Nam vào những thời điểm khác nhau từ thế kỷ XVI, và sau này vào cuối thời Minh, đầu thời Thanh, kéo dài cho đến nửa đầu thế kỷ XX.

46. Khơ Mú: Khơ Mú là một trong những cư dân đã cư trú lâu đời nhất ở miền Tây Bắc Việt Nam. Nguồn gốc di cư từ Lào sang nên tập trung cư trú tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, do chuyển cư từ Lào sang.

47. Lào: có nguồn gốc di cư từ Lào sang nước ta.

48. Mảng: cư trú tập trung tại tỉnh Lai Châu.

49. Ngái: có nhiều nguồn gốc khác nhau và di cư đến Việt Nam thành nhiều đợt, từ thời kỳ Trung và Cận đại.

50. Phù Lá: là nhóm cư dân sinh sống ở vùng Tây Bắc từ rất sớm.

51. Sán Chay: di cư từ Trung Quốc sang cách đây khoảng 400 năm.

52. Tày: có mặt tại nước ta từ rất sớm, cuối thiên niên kỷ thứ nhất TCN

53. Xinh Mun: sinh sống lâu đời ở khu vực Tây Bắc nước ta.

54. Gié- Triêng: Người Gié-Triêng là cư dân gắn bó rất lâu đời ở vùng quanh quần sơn Ngọc Linh.