Dân tộc là gì? Đặc điểm, đặc trưng cơ bản của dân tộc ở Việt Nam

Chúng ta thường dùng khái niệm dân tộc như Việt Nam có 54 dân tộc Anh Em. Vậy, khái niệm dân tộc dưới góc độ pháp lý được định nghĩa như thế nào ? Quy định pháp luật về dân tộc và các khía cạnh liên quan như chính sách đoàn kết dân tộc, hỗ trợ phát triển các dân tộc thiểu số … Luật Minh Khuê phân tích cụ thể:

 

1. Khái niệm về dân tộc (cách hiểu về dân tộc):

Dân tộc (tộc người, ethnie) là hình thái đặc thù của một tập đoàn người, xuất hiện trong quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội, được phân biệt bởi 3 đặc trưng cơ bản là ngôn ngữ, văn hoá và ý thức tự giác về cộng đồng, mang tính bền vững qua hàng nghìn năm lịch sử; ví dụ: dân tộc (hay tộc người) Việt, dân tộc (hay tộc người) Tày, dân tộc (hay tộc người) Khơ Me… Hình thức và trình độ phát triển của tộc người phụ thuộc vào các thể chế xã hội ứng với các phương thức sản xuất.

Dân tộc (nation) – hình thái phát triển cao nhất của tộc người, xuất hiện trong xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa (hình thái của tộc người trong xã hội nguyên thủy là bộ lạc, trong xã hội nô lệ và xã hội phong kiến là bộ tộc). Dân tộc đặc trưng bởi sự cộng đồng bền vững và chặt chẽ hơn về kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, các đặc điểm về văn hóa và ý thức tự giác tộc người.

So với bộ tộc thời phong kiến, dân tộc trong thời kì phát triển tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa có lãnh thổ ổn định, tình trạng cát cứ bị xoá bỏ, có nền kinh tế hàng hóa phát triển, thị trường quốc gia hình thành thống nhất, các ngữ âm, thổ ngữ bị xoá bỏ, tiếng thủ đô được coi là chuẩn và ngày càng lan rộng ảnh hưởng, sự cách biệt về văn hóa giữa các vùng, miền và giữa các bộ phận của tộc người bị xóa bỏ phần lớn, ý thức về quốc gia được củng cố vững chắc.

Cộng đồng dân tộc thường được hình thành hoặc từ một bộ tộc phát triển lên; hoặc là kết quả của sự thống nhất hai hay nhiều bộ tộc có những đặc điểm chung về lịch sử – văn hóa.

Ngoài những nét giống nhau trên, giữa dân tộc tư bản chủ nghĩa và dân tộc xã hội chủ nghĩa có những nét khác biệt nhau, do đặc điểm của phương thức sản xuất và thể chế xã hội. Ở dân tộc tư bản chủ nghĩa, xã hội phân chia đối kháng giai cấp giữa tư sản và vô sản, Nhà nước là của giai cấp tư sản, bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản. Còn ở dân tộc xã hội chủ nghĩa, xã hội không còn đối kháng giai cấp, quyền lực nhà nước thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Dân tộc (quốc gia dân tộc; ví dụ: dân tộc Việt Nam) là cộng đồng chính trị – xã hội, được hình thành do sự tập hợp của nhiều tộc người có trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau cùng chung sống trên một lãnh thổ nhất định và được quản lí thống nhất bởi một nhà nước. Kết cấu của cộng đồng quốc gia dân tộc rất đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của từng nước. Một quốc gia dân tộc có tộc người đa số và các tộc người thiểu số. Có tộc người đã đạt đến trình độ dân tộc, song nhiều tộc người ở trình độ bộ tộc. Với cơ cấu tộc người như vậy, quan hệ giữa các tộc người rất đa dạng và phức tạp. Nhà nước phải ban hành chính sách dân tộc để duy trì sự ổn định và phát triển của các tộc người, sự ổn định và phát triển của đất nước. Cũng có trường hợp, một quốc gia chỉ gồm một tộc người (Triều Tiên).

(Nội dung trên được đưa ra bởi: Từ điển luật học xuất bản năm 2010)

Khái niệm dân tộc trong tiếng Việt có thể đề cập đến các nghĩa sau:

+ Dân tộc (cộng đồng): theo nghĩa rộng là cộng đồng người có chung nền văn hóa, nhóm sắc tộc, ngôn ngữ, nguồn gốc, lịch sử; đôi khi bao gồm nhiều nhóm sắc tộc. Dân tộc trong trường hợp quốc gia dân tộc còn được gọi là quốc dân.

+ Sắc tộc: chỉ nhóm xã hội được phân loại dựa trên nhiều nét chung như di sản văn hóa, nguồn gốc, lịch sử, ngôn ngữ hoặc phương ngữ.

Một số định nghĩa khác về dân tộc:

Dân tộc có thể chỉ một cộng đồng người chia sẻ một ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc, nguồn gốc, hoặc lịch sử. Tuy nhiên, nó cũng có thể chỉ những người có chung lãnh thổ và chính quyền (ví dụ những người trong một quốc gia có chủ quyền) không kể nhóm sắc tộc.

Trong trường hợp gắn liền với một quốc gia dân tộc, dân tộc còn được gọi là quốc dân. “Dân tộc” mang nhiều nghĩa và phạm vi nghĩa của thuật ngữ thay đổi theo thời gian.

Hầu hết mọi dân tộc sống trong một lãnh thổ cụ thể gọi là quốc gia. Một số dân tộc khác lại sống chủ yếu ngoài tổ quốc của mình. Một quốc gia được công nhận là tổ quốc của một dân tộc cụ thể gọi là “nhà nước – dân tộc”. Hầu hết các quốc gia hiện thời thuộc loại này mặc dù vẫn có những tranh chấp một cách thô bạo về tính hợp pháp của chúng. Ở các nước có tranh chấp lãnh thổ giữa các dân tộc thì quyền lợi thuộc về dân tộc nào sống ở đó đầu tiên. Đặc biệt ở những vùng người châu Âu định cư có lịch sử lâu đời, thuật ngữ “dân tộc đầu tiên” dùng cho những nhóm người có chung văn hóa cổ truyền, cùng tìm kiếm sự công nhận chính thức hay quyền tự chủ.

Khái niệm dân tộc, sắc tộc thường có nhiều cách sử dụng không thống nhất trên toàn thế giới:

Thường thì những thuật ngữ như dân tộc, nước, đất nước hay nhà nước được dùng như những từ đồng nghĩa. Ví dụ như: vùng đất chỉ có một chính phủ nắm quyền, hay dân cư trong vùng đó hoặc ngay chính chính phủ. Chúng còn có nghĩa khác là nhà nước do luật định hay nhà nước thực quyền. Trong tiếng Anh các thuật ngữ trên không có nghĩa chính xác mà thường được dùng uyển chuyển trong cách nói viết hàng ngày và cũng có thể giải nghĩa chúng một cách rộng hơn.

Khi xét chặt chẽ hơn thì các thuật ngữ “dân tộc”, “sắc tộc” và “người dân” (chẳng hạn người dân Việt Nam) gọi là nhóm thuộc về con người. “Nước” là một vùng theo địa lý, còn “nhà nước” diễn đạt một thể chế cầm quyền và điều hành một cách hợp pháp. Điều rắc rối là hai tính từ “quốc gia” và “quốc tế” lại dùng cho thuật ngữ nhà nước, chẳng hạn từ “luật quốc tế” dùng trong quan hệ giữa các nhà nước hoặc giữa nhà nước và các cá nhân, các công dân.

Cách dùng các thuật ngữ trên cũng rất đa dạng ở từng nước. Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland được công nhận ở tầm quốc tế là nhà nước độc lập, nghĩa là có một đất nước và dân cư mang quốc tịch Anh. Nhưng theo thông lệ nó được chia thành bốn nước gốc là Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland; ba nước trong số này không phải là nhà nước độc lập. Tình trạng này xét theo cách nào cũng gây ra tranh cãi, chẳng hạn nhiều phong trào ly khai của xứ Wales và Scotland bắt nguồn từ đấy đã ít nhiều công nhận Cornwall là một đất nước riêng biệt bên trong nước Anh. Cách dùng thuật ngữ “dân tộc” không chỉ gây nhập nhằng mà còn là chủ đề nhiều tranh cãi chính trị có thể gây ra bạo lực.

Thuật ngữ “dân tộc” thường dùng một cách ẩn dụ để chỉ những nhóm người có chung đặc điểm hay mối quan tâm.

(Nguồn: https://vi.wikipedia.org)

 

2. Một số khái niệm đã được định nghĩa liên quan đến dân tộc trong các văn bản pháp luật Việt Nam

STT
Thuật ngữ
Mô tả
Nguồn

1
Công tác dân tộc
Công tác dân tộc là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Nghị định 05/2011/NĐ-CP

3
Dân tộc đa số
Dân tộc đa số là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia.
05/2011/NĐ-CP

3
Dân tộc thiểu số
Dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
05/2011/NĐ-CP

4
Dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt
là những dân tộc có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo ba tiêu chí sau: a) Tỷ lệ hộ nghèo trong đơn vị thôn, bản chiếm trên 50% so với tỷ lệ hộ nghèo của cả nước; b) Các chỉ số phát triển về giáo dục đào tạo, sức khoẻ cộng đồng và chất lượng dân số đạt dưới 30% so với mức trung bình của cả nước; c) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chất lượng thấp, mới đáp ứng mức tối thiểu phục vụ đời sống dân cư.
05/2011/NĐ-CP

5
Dân tộc thiểu số rất ít người
Dân tộc thiểu số ít người là dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
05/2011/NĐ-CP

6
Dân tộc thiểu số tại chỗ
Là đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn gốc, tổ tiên sinh sống lâu đời trên địa bàn

15/2008/QĐ-UBND

(Hết hiệu lực)

Tỉnh Đắk Lắk

7
Đề tài có nội dung chủ yếu nghiên cứu về một chủ đề khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc
bao gồm các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đề tài khoa học xã hội và nhân văn. Đề tài có thể độc lập hoặc thuộc dự án, chương trình.

01/2013/TT-UBDT

(Hết hiệu lực)

8
Đồng bào dân tộc có trình độ văn hoá thấp
Được hiểu là những người thuộc thành phần dân tộc thiểu số, không biết viết, không biết đọc, không biết nói tiếng Việt; những người biết nói tiếng Việt nhưng nói chậm, biết nói nhưng không biết viết chữ Việt
06/2011/QĐ-UBND
Tỉnh Yên Bái

9
Mạng Ủy ban Dân tộc
Là tên viết tắt của hệ thống mạng thông tin của Ủy ban

466/QĐ-UBDT

(Hết hiệu lực)

10
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Ủy ban Dân tộc
là những vấn đề khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc cần giải quyết, được xác định, thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý khoa học và công nghệ và những quy định tại Thông tư này;

01/2013/TT-UBDT

(Hết hiệu lực)

11
Trường phổ thông dân tộc bán trú
là trường chuyên biệt, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này bao gồm trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 25% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú.

85/2010/QĐ-TTg

(Hết hiệu lực)

12
Trường phổ thông dân tộc bán trú
Là trường chuyên biệt, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho địa phương, bao gồm: trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 25% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số và có từ 50% trở lên số học sinh ở bán trú, các tỷ lệ này ổn định

19/2012/QĐ-UBND

(Hết hiệu lực)

Tỉnh Đắk Lắk

13
Vùng dân tộc thiểu số
Vùng dân tộc thiểu sốlà địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định số 05/2011/NĐ-CP

Nguồn: Thư viện pháp luật

 

3. Đặc điểm các dân tộc ở Việt Nam

Nước ta là quốc gia đa dân tộc và có nhiều đặc điểm quan trọng, nổi bật. Trong đó cần chú ý các đặc điểm sau:

– Các dân tộc sinh sống trên đất nước ta có truyền thống đoàn kết.

– Các dân tộc ở Việt Nam cư trú xen kẽ nhau.

– Các dân tộc ở Việt Nam trình độ phát triển kinh tế – xã hội không đều nhau.

– Sự phân bố dân cư không đều; trên vùng núi, biên giới, chủ yếu là các dân tộc thiểu số đang sinh sống.

 

4. Thế nào là công tác dân tộc ? Các nguyên tắc cơ bản của dân tộc?

“Công tác dân tộc” là những hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng phát triển, đảm bảo sự tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tại Điều 3 Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc quy định các nguyên tắc cơ bản sau:

– Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

– Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

– Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

– Các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong công tác dân tộc ở Việt Nam là gì ?

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

– Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, chia rẽ, phá hoại đoàn kết các dân tộc.

– Lợi dụng các vấn đề về dân tộc để tuyên truyền xuyên tạc, chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

– Lợi dụng việc thực hiện chính sách dân tộc, quản lý nhà nước về công tác dân tộc để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

– Các hành vi khác trái với quy định của Chính phủ.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến dân tộc như: Xác định lại dân tộc, đăng ký lại dân tộc, chế độ chính sách nhà nước áp dụng đối với các dân tộc thiểu số… vui lòng liên hệ trực tiếp với luật sư qua tổng đài bằng cách gọi số: 1900.6162 để được tư vấn và giải đáp. Trân trọng./.