Dân số (population) là gì ?

Dân số (population) là tổng số dân sống của một nước. Quy mô dân số bị quy định bởi tỷ suất sinh (tính bằng phần nghìn), tỷ suất chết và sự di cư trong quá khứ và hiện tại. Trong các nền kinh tế cổ truyền, dân số ổn định mặc dù tỷ lệ sinh cao, vì tỷ lệ chết cũng cao và không có các luồng di cư lớn. Khi các nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh, mức sống tăng nhanh, điều kiện sinh hoạt, y tế tốt hơn, dẫn tới tỷ suất chết giảm và dân số tăng nhanh. Hiện tượng này được gọi là bùng nổ dân số. Sự bùng nổ dân số có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng và mức sống. Tuy nhiên, chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn có thể làm giảm, thậm chí loại trừ tác động tiêu cực này. Khi chiến lược phát triển phù hợp giúp cho đất nước hoàn thành quá trình công nghiệp hoá, cả tỷ suất sinh và tỷ suất chết đều giảm, do đó dân số ổn định trở lại. Thực tế ở các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Nhật đã minh chứng cho nhận định này.

Debreu, Gerard (1921) là ai ?

Debreu, Gerard (1921) là người giật giải thưởng Nôben về kinh tế năm 1983 vì những đóng góp vào lý thuyết cân bằng tổng quát trong một nền kinh tế trừu tượng. Debreu đã quan tâm đến vấn đề trung tâm trong lý thuyết kinh tế: quá trình đạt tới trạng thái cân bằng tổng quát. Ở Pháp, ông cộng tác với Maurice Allais, người giật giải thưởng Nôben năm 1988. Ở Mỹ, Debreu hợp tác với Kenneth Arrow để nghiên cứu sự tồn tại của trạng thái cân bằng trong nền kinh tế cạnh tranh. Debreu còn đóng góp vào lý thuyết kinh tế trên những lĩnh vục khác như: lý thuyết phúc lợi, lý thuyết ích lợi, cách xác lập các hàm cầu. Những đóng góp này phần lớn mang tính chất trừu tượng và có bản chất toán học.