Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa

Trong nhiều vấn đề được luận giải, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định và làm rõ: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đây là một trong những luận điểm khái quát cốt lõi về bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và xây dựng nền dân chủ XHCN ở nước ta hiện nay.

Ngay từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định con đường mà cách mạng Việt Nam phấn đấu là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đó chính là con đường mang đến độc lập, tự do, công bằng, dân chủ, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã, đang và sẽ tiếp tục nhất quán, kiên trì xây dựng. Kế thừa và phát triển các quan điểm tiến bộ về dân chủ trong lịch sử tư tưởng nhân loại, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tác phẩm của Tổng Bí thư đã luận giải, làm sáng rõ, phát triển, hoàn thiện lý luận, thực tiễn vấn đề dân chủ trong xã hội XHCN mà nhân dân ta hướng tới, được thể hiện khái quát ở những nội dung cụ thể sau đây: Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng ta, đó là “Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam” và “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

Đất nước ta đang tập trung phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có đặc trưng cơ bản và thuộc tính quan trọng là “phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”. Đồng thời, chúng ta coi “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam”.

Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đều xuất phát từ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân và lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.Đồng thời “Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ”. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Theo đó, Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân và có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.

Với phương pháp khoa học biện chứng, tư duy hệ thống, trình bày logic, dung dị, Tổng Bí thư đã phân tích, hệ thống hóa, có những quan điểm, tư tưởng, nhận thức mới mang tính lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH, trong đó dân chủ xã hội là một trong những vấn đề cốt lõi, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội XHCN, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể Việt Nam, xây dựng một xã hội tất cả là nhằm mục tiêu phát triển con người, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, sự phát triển bền vững.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đề ra trong việc xây dựng CNXH nói chung và phát huy dân chủ XHCN nói riêng đã và đang từng bước được hiện thực hóa. Quần chúng nhân dân tại các địa bàn trong cả nước luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển và được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.Tuy nhiên, trong quá trình ấy, nước ta cũng thường xuyên phải đối mặt với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Phương thức, thủ đoạn của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, quyết liệt và trắng trợn hơn. Hoạt động có lúc âm thầm, lẩn khuất, có lúc công khai, thách thức, chủ yếu tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong nước, sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, hoặc thời điểm xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm. Các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị luôn triệt để lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”, “phòng, chống tham nhũng”… để can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước. Chúng ra sức nhào nặn, bóp méo thông tin, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận các giá trị lý luận – thực tiễn và thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nói xấu chế độ XHCN, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền… Cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận diện, tăng cường đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.