Dầm mưa, chống vắt, mới đào được củ sen trắng ngần dưới lớp bùn sâu

Tháng 7, 8 là thời điểm người dân ở xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc đi đào củ sen ngoài đồng. Công việc mới nhìn thoạt tưởng chừng đơn giản nhưng để có được củ sen trắng muốt, người nông dân phải đổ mồ hôi nước mắt, vất vả mưu sinh, cực nhọc.. 

Vợ chồng anh Khắm, chị Nhung (Bản Lành, xã Hoà Cư) dầm mưa đào sen dưới ruộng. Theo lời chị Lộc Thị Nhung, cứ vào tầm tháng 7 hàng năm, vợ chồng anh chị lại tất bật, chân lấm tay bùn thu hoạch củ sen. Nghề này vất vả nhưng vì phải mưu sinh nên vợ chồng chị  đành phải đeo bám.

 Vừa mò mẫm ngụp tay trong đống bùn tìm củ sen anh Khắm (chồng chị Nhung) vừa kể chuyện: “Ruộng này so với nhiều ruộng khác là nông hơn rồi, ngập đến gần đầu gối thôi. Nhiều ruộng khác bùn sâu người xuống đã ngập đến bắp chân, đến hông rất khó di chuyển. Nhiều người mới tập làm chưa quen, cứ hụp lặn mãi mấy lượt mới móc được 1-2 củ, hai con mắt gặp nước bùn bẩn đỏ hoe”.

Theo anh Khắm, phải dùng mọt chiếc xẻng tự chế để đào, đồng thời vừa đào vừa dùng gáo để tát cho cạn nước, mới nhìn thấy củ sen lộ ra. Nhiều khi nhìn thấy củ rồi nhưng phải mất khá nhiều thời gian sau mới lôi được lên, vì nếu lôi nhanh gãy củ, bùn chui vào trong, đoạn đó phải cắt bỏ đi.

Sen sẽ được đào có chọn lọc, người thu chỉ đào lấy những củ to, còn những củ bé sẽ được giữ lại dưới lớp bùn sâu để làm giống cho vụ sau.

Khổ nhất là mấy chị em phụ nữ, mỗi lần đi móc củ sen tóc phải quấn chặt trên đầu, áo, quần bó sát nếu không cẩn thận lũ đỉa mén chui vào hút máu. Chị Nhung cho biết: “Không chỉ có vậy, chị em tôi còn bị muỗi, dĩn cắn ngứa ngáy khắp người. Ngâm mình trong nước bùn dơ dễ “dính” bệnh ghẻ lở ngoài da, bệnh phụ nữ…”.

Với kinh nghiệm hơn 4 năm làm nghề trồng và đào củ sen chị Nhung chia sẻ: Cái nghề này nhìn thì thấy có vẻ đơn giản, chỉ cần vài động tác “khom xuống, đào đào rồi móc lên” nhưng không phải ai cũng làm được. Người đào củ sen phải tinh mắt mới biết được củ sen non hay già và phải biết nhẹ nhàng, khéo tay, nếu không sẽ bị dập, bị gãy bùn bám vào trong, chẳng ai mua. 

Trung bình một người đào được 15-20kg/ buổi với giá bán trung bình 25.000 -30.000 đồng tính ra người dân ở đây cũng kiếm được 500.000 -600.000 đồng một ngày. Sau khi đào về, rửa sạch sẽ, phải cắt bỏ bớt hai đầu và các nhánh lởm chởm để sao cho đẹp mắt.

Những củ sen to tròn trắng giòn được rửa sạch để chuẩn bị xuống phố.

“Nhiều hôm mang xuống chợ phố bán, người mua cứ kì kèo giá cả. Họ nói củ này trồng dễ mà đào cũng dễ, chỉ cần nhổ là lên mà sao bán đắt vậy. Họ đâu biết phải vất vả ngụp lặn trong bùn để bới, để dò từng củ đâu”, chị Nhung chia sẻ.

Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng các bà, các chị vẫn dầm mình đứng bán củ sen. Củ sen từ ẩn mình dưới lớp bùn được “khai quật”, rửa sạch và cuối cùng được đưa xuống phố trong diện mạo đẹp đẽ nhất.

Hiện tại gia đình anh Khắm có hơn 4 sào ruộng trồng sen, trung bình một sào chị thu khoảng hơn 1.5 – 3 tạ củ. Gia đình anh chị đã bắt đầu thu hoạch từ giữa tháng 7 đến nay vẫn chưa được 1/2 diện tích. Chị Nhung cho biết đầu mùa chị bán với giá 60.000 – 70.000 đồng/kg, nhưng hiện tại bắt đầu vào mùa, nhiều nhà cùng mang ra phố bán nên giá lại giảm xuống còn 25.000 -30.000 đồng/kg. “Đầu mùa bao giờ giá cũng đắt gấp đôi, nhưng tháng rồi mưa quá không đi đào được. Giống sen này chỉ cho thu củ, cũng có bán hoa nhưng một sào chỉ cho khoảng 20 bông. Trồng cây này năng suất gấp nhiều lần trồng lúa nhưng thu hoạch rất vất vả” -chị Nhung cho biết.

Vất vả là vậy nhưng nhờ cây sen mà mỗi năm gia gia đình chị Nhung, anh Khắm và các hộ dân thôn Bản Lành, các bản lân cận đều có một khoản thu nhập từ 20 triệu đồng đến vài chục triệu đồng từ nghề trồng sen bán củ.