Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non
Đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non
BHG – Trẻ em được ví như “mầm non, cây non”, chính vì vậy để các em phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần, cần phải được sống trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Các em học sinh Trường Mầm non Hoa Hồng (thành phố Hà Giang) rửa tay phòng dịch bệnh
Bắt đầu vào đầu năm học mới, việc đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là học sinh mầm non được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Trẻ mầm non hiếu động, thích khám phá, trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế nên nguy cơ xảy ra tai nạn với trẻ là rất cao, nếu như thiếu sự quan tâm, định hướng đúng đắn của người lớn hoặc các điều kiện cơ sở vật chất để chăm sóc giáo dục trẻ không đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất cũng như tinh thần cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).
Hiện nay toàn tỉnh có 212 trường mầm non công lập, 23 nhóm trẻ tư thục, 1 trường mầm non tư thục. Sở GD&ĐT đã ban hành các quyết định, kế hoạch kiểm tra thực hiện công tác đảm bảo an toàn cho trẻ, phối hợp kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới, kết hợp thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nhiệm vụ đối với phòng GD&ĐT và các trường mầm non. Tăng cường tuyên truyền “Phòng chống bạo hành trẻ” tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường cũng như các bậc cha mẹ trẻ, tuyên truyền qua các hội nghị, họp phụ huynh, bảng tuyên truyền trong các nhóm lớp, tài liệu tuyên truyên, loa phát thanh của xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, trong dịp nghỉ dịch Covid-19, các cơ sở GDMN tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý và tổ chức các hoạt động vui chơi tại nhà cho trẻ, tư vấn việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số cơ sở GDMN thiếu diện tích, khuôn viên nhỏ hẹp, các trường mầm non chưa có kênh thông tin về bạo hành trẻ giữa nhà trường và gia đình, cộng đồng. Hệ thống trường, đường giao thông chưa thuận lợi, trẻ em là học sinh dân tộc thiểu số sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo, một số gia đình chưa có sự quan tâm, phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Sở GD&ÐT còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm; công tác đảm bảo an toàn cho trẻ; hướng dẫn, phối hợp với cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở GDMN. Thực hiện theo quy định của ngành, hầu hết các cơ sở GDMN chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Các trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn nghỉ bán trú, bảo đảm tuyệt đối an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ trong bối cảnh dịch Covid-19; đảm bảo cung ứng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Các bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc “một chiều”, đảm bảo chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định.
Cô Nguyễn Thị Thái Khang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Hà Giang cho biết: Ngay từ đầu năm học, trường rất chú trọng trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ, thành lập Hội đồng Ban Chỉ đạo về đảm bảo an toàn trong nhà trường; tuyên truyền tới phụ huynh nâng cao nhận thức an toàn cho các con; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng, chống bạo lực học đường. Ngoài ra, tổ chức tập huấn cho giáo viên trong nhà trường, đảm bảo một môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
Cùng với việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, đây là giải pháp cơ bản để có được đội ngũ giáo viên có trình độ, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Bài, ảnh: Khánh Huyền