Đắk Lắk: Tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hệ thống trường mầm non ngoài công lập tại Đắk Lắk phải đóng cửa thời gian dài, điều này khiến hầu hết các trường học gặp khó khăn khi duy trì cơ sở lẫn ổn định nguồn lao động trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch.

Giáo viên Trường Mầm non Tây Nguyên vệ sinh trường lớp, đồ chơi của trẻ trong thời gian nghỉ dịch. Ảnh: ĐL

Một trong những cơ sở giáo dục mầm non tư thục có quy mô lớn ở TP Buôn Ma Thuột là Trường Mầm non Tây Nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề khi không thể hoạt động thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Nguyên Đồng Thị Thuận cho biết, toàn trường có 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên với gần 400 học sinh, hoạt động từ năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều thời điểm trường không thể đón học sinh và mất nguồn thu, nhất là từ tháng 4-2021 đến nay nhà trường đóng cửa vì dịch bệnh. Việc mất nguồn thu do học sinh nghỉ học khiến nhà trường phải “oằn mình” với các khoản vay vốn đầu tư ban đầu, chưa kể  chi phí bảo dưỡng cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học.

Không chỉ khó khăn ở phía nhà trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên cũng vất vả cầm cự trong thời gian này. Một số giáo viên đã xin nghỉ để tìm công việc khác, một số trở về địa phương phụ giúp gia đình, làm nương rẫy trong thời gian chờ trẻ quay lại trường. Dịch bệnh khiến hệ thống trường mầm non ngoài công lập “lao đao”, do đó bên cạnh việc đẩy nhanh thủ tục để giải ngân sớm các gói hỗ trợ của Chính phủ, cô Đồng Thị Thuận kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành Giáo dục quan tâm, tạo điều kiện để các trường mầm non tư thục vực dậy khi dịch bệnh được kiểm soát và học sinh trở lại trường.

Cô Trần Thị Hải, giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, gần 10 năm gắn bó với nghề, dù có những thời điểm rất khó khăn cô cũng không từ bỏ nghề, nhưng dịch COVID-19 khiến mọi thứ thay đổi. Bản thân cô phải nghỉ việc không lương trong suốt thời gian dài và chưa biết ngày trở lại trường. “Để duy trì cuộc sống tôi đã tìm công việc tạm thời là bán hàng online. Mặc dù bán hàng online không đem lại nguồn thu nhập ổn định, nhưng cố gắng cầm cự qua ngày với hy vọng sớm được trở lại với công việc giảng dạy”, cô Trần Thị Hải chia sẻ.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 83 cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có 70 trường mầm non, nhóm trẻ. Hầu hết các cơ sở mầm non ngoài công lập đều gặp khó khăn tương tự, nhất là cơ sở nhỏ, tài chính hạn hẹp đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Giáo viên, nhân viên cơ sở mầm non ngoài công lập hầu như không có bất cứ khoản thu nhập nào trong thời gian nghỉ giảng dạy do dịch bệnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, việc các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gặp khó khăn do dịch sẽ ảnh hưởng nhất định đến vấn đề dạy và học đối với ngành Giáo dục, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh quay lại trường. Ngành sẽ có những giải pháp cụ thể để ổn định tình hình dạy, học trên địa bàn. Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho cơ sở giáo dục và người lao động, Sở đã thống kê số lượng thầy, cô giáo, cơ sở giáo dục ngoài công lập để hướng dẫn làm thủ tục hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ.

T.N