Đại Đức Thích Trúc Thái Minh: Tích cực ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và đồng bào miền Trung
Năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết, tất cả Tăng Ni và các đạo tràng Phật tử, các câu lạc bộ của chùa đã đóng góp, ủng hộ kinh phí cùng với xã hội để tham gia phòng, chống đại dịch COVID, ủng hộ đồng bào bão lũ miền Trung với số tiền khoảng 6 – 7 tỷ đồng.
Phóng viên: Xin Đại Đức cho biết, trải qua biết bao sóng gió trong năm 2019, đến thời điểm này, hoạt động của nhà chùa có gì thay đổi?
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh: Đúng là năm 2019 đối với chùa Ba Vàng là một năm vô cùng sóng gió. Thầy nghĩ sóng gió ấy có thể do một số người chưa hiểu về Thầy, chưa hiểu về chùa và cũng có thể do một số người chưa hiểu lắm về lĩnh vực tâm linh. Vì tâm linh là một lĩnh vực, một phạm trù rất phức tạp, phải thật sự là những người đi sâu, thể nghiệm mới có thể hiểu và tin về nó được. Vấn đề tâm linh là vấn đề khó. Và Thầy nghĩ chúng ta nên phân định rất rõ giữa phạm trù tâm linh và mê tín. Tâm linh với mê tín hoàn toàn khác nhau. Tâm linh cũng là một thực tại khách quan, Thầy nghĩ là một lĩnh vực mà chúng ta cần phải nghiên cứu và tìm hiểu về nó, nhất là trong thế kỉ 21 này.
Sau cơn sóng gió đó, đến nay Thầy mới nhận ra được rằng, lúc sóng gió, chùa rất gian nan, vất vả, ảnh hưởng rất lớn đến việc tu học của Tăng Ni, Phật tử. Trong gian nan như vậy nhưng Thầy lại thấy được sự đoàn kết, yêu thương của Phật tử, của nhân dân đối với chùa, với chư Tăng. Họ là những người gắn bó, đồng hành, đồng cam cộng khổ với các Thầy từ ngày đầu tiên bắt tay xây dựng ngôi chùa Ba Vàng này. Họ bên cạnh các Thầy, họ hiểu được những hoạt động của chùa, hiểu được tấm lòng của các Thầy; cho nên, họ rất thương, rất yêu quý chùa, yêu quý chư Tăng. Điều này thể hiện rõ nét nhất chính là trong lúc chùa gặp hoạn nạn như vậy. Thầy cảm nhận được sự yêu thương, sự đoàn kết, sự một lòng, nhất tâm đoàn kết của họ đối với chùa. Còn đến nay, mọi hoạt động của chùa đã trở lại bình thường, ổn định và vẫn tiếp tục phát triển.
Đối với Tăng chúng của chùa, sau năm 2019, Thầy cũng động viên chư Tăng tu hành miên mật và nghiêm khắc hơn. Hiện nay, Tăng chúng của chùa tu hành rất nghiêm khắc. Phật tử cũng tu học nề nếp hơn và đoàn kết hơn sau khi sóng gió xảy ra.Đó là những điều rất quý báu mà Thầy thấy được khi chùa xảy ra hoạn nạn.
Phóng viên: Thưa Đại Đức, được biết năm 2020 mặc dù dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài nước diễn biến rất phức tạp, Đại Đức và nhà chùa đã không đứng ngoài cuộc mà tham gia tích cực sâu rộng vào đời sống chúng sinh…
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh: Năm 2020 đúng là năm khó khăn của toàn cầu khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm ở Vũ Hán. Phải nói rằng, đây là điều thực sự lo ngại. Thầy nghĩ đất nước Việt Nam chúng ta, đặc biệt nhất, tỉnh Quảng Ninh là nơi có nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất thế giới; vì Quảng Ninh có đường biên với Trung Quốc rất dài, có nhiều cửa khẩu, còn có cả đường hàng không, đường biển, khách đi du lịch từ Trung Quốc sang Quảng Ninh rất đông. Với thực trạng như vậy, trên cương vị là một vị tu sĩ đệ tử Phật, Thầy rất lo lắng cho sức khỏe của Phật tử, của nhân dân.
Thầy đã phổ biến cho tất cả Tăng Ni, Phật tử của chùa phát nguyện tụng trì bài kinh Paritta có tính chất hộ trì để an lành này, và chính bản thân Thầy cũng đích thân trì tụng. Mình cầu nguyện, có sức lan tỏa và Thầy rất tin lời Phật dạy, tin kinh Phật dạy. Đó là về mặt tâm linh.
Thầy vẫn hướng dẫn và nhắc nhở tín đồ Phật tử thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của nhà nước và chính quyền các cấp. Tại chùa, Thầy trang bị máy sát khuẩn cho du khách khi về thăm chùa, rồi phát khẩu trang miễn phí, nước rửa tay sát khuẩn,… Đối với Tăng Ni, Phật tử thường trực ở chùa, Thầy hướng dẫn mọi người rèn luyện, tập thể thao, ăn uống, vệ sinh sinh hoạt,… để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng phòng, chống dịch và không chủ quan.
Còn đối với xã hội, phải nói rằng trong năm 2020, lo lắng về nạn dịch là nỗi lo lắng chung của cả xã hội, của cả thế giới. Thầy cũng vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện đối với xã hội: Thầy tổ chức phát khẩu trang, phát nước sát khuẩn miễn phí ở rất nhiều nơi trong các tỉnh thành trên cả nước, cứ nơi nào có Phật tử của chùa thì Thầy đều vận động Phật tử cùng nhau tổ chức phát tâm để phát khẩu trang miễn phí cho bà con nhân dân. Bên cạnh đó, các đạo tràng Phật tử của chùa lại cùng nhau ủng hộ gạo, ủng hộ thực phẩm cho những vùng khó khăn trong đại dịch COVID-19 này. Còn phía chùa, Thầy cũng đã tham gia đóng góp và ủng hộ rất nhiều cho các đơn vị vũ trang, lực lượng vũ trang biên phòng, cụ thể là đi ra tận biên giới động viên các chiến sĩ biên phòng, rồi mang khẩu trang, nước sát khuẩn, mang gạo, mang mỳ, mang thực phẩm, thức ăn,… lên đó để động viên các chiến sĩ giữ vững biên giới Tổ quốc, đặc biệt là ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19.
Đến cuối năm, khi xảy ra mưa lũ ở đồng bào miền Trung, chùa cũng tham gia ủng hộ rất tích cực. Thầy đã cùng với Mặt trận Tổ quốc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ Quốc của tỉnh Quảng Ninh, và thành phố Uông Bí để đóng góp, ủng hộ cho Mặt trận Tổ quốc phần ủng hộ cho đồng bào bão lũ. Nhân Lễ hội Hoa Cúc của chùa, Thầy vận động mọi người phát tâm ủng hộ cho đồng bào bão lũ miền Trung. Trong cuộc vận động hôm ấy, tất cả mọi người đóng góp ủng hộ được gần 1 tỷ đồng. Có thể nói, trong năm 2020, tất cả Tăng Ni và các đạo tràng Phật tử, các câu lạc bộ của chùa đóng góp, ủng hộ kinh phí cùng với xã hội để tham gia phòng, chống đại dịch COVID rồi ủng hộ từ thiện cho đồng bào bão lũ miền Trung, Thầy nghĩ kinh phí cũng khá nhiều, đến khoảng 6, 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong khi giảng bài trên truyền thông, Thầy cũng đều khuyến khích các Phật tử phải thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch, về vệ sinh, giãn cách,… và luôn luôn cảnh giác cao độ, khuyến khích mọi người phải cùng với nhà nước để thực hiện tốt việc phòng, chống dịch này. Thầy nghĩ đó là đóng góp nhỏ bé của Thầy đối với xã hội, đối với đất nước để giữ cho dịch không bùng phát.
Phóng viên: Ngoài những hoạt động được tổ chức thường quy hàng năm thì sang năm Tân Sửu và năm tiếp theo, Đại Đức và nhà chùa sẽ có những hoạt động gì mới?
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh:
Đối với việc tu học của Tăng chúng, thời gian tới, Thầy càng đẩy mạnh hơn nữa.
Và trong tình hình COVID vẫn còn phức tạp như hiện nay, chùa cũng tiếp tục triển khai chương trình tu học trực tuyến. Trong năm 2020 này, chùa đã tổ chức các chương trình tu học, sinh hoạt, các nghi lễ rất tốt. Và các đạo tràng Phật tử của chùa Thầy cũng cho sinh hoạt trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin mới và áp dụng cả kỹ thuật số vào trong công tác quản lý của chùa. Thầy nghĩ, trong thời đại bây giờ cũng phải vận dụng những tiến bộ của khoa học vào trong các công việc quản lý của chùa, trong việc sắp xếp các phận sự.
Tiếp nữa, năm 2021, Thầy nghĩ nhà chùa sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, với Ban Trị sự để triển khai các công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; vì chùa luôn luôn có hoạt động từ thiện xã hội và cùng với chính quyền làm sao giữ được an ninh trật tự của địa phương cũng như thúc đẩy, phát triển văn hóa du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Thực sự mà nói, chùa Ba Vàng là điểm du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh, du khách về chùa đông, điều đó góp phần thêm vào sự phát triển kinh tế du lịch cho tỉnh.
Bên cạnh đó, một điều Thầy nhắm tới thúc đẩy là việc hoằng pháp của chùa; vì việc hoằng pháp rất quan trọng. “Hoằng pháp” tức là đem được giáo lý, những điều Phật dạy đến mọi người.
Đó là những điều Thầy nhắm tới, không phải kế hoạch 1 năm, 5 năm mà có lẽ chương trình lâu dài của chùa sẽ là như vậy: Tăng Ni tu học cho thật tốt, thành tựu được đạo quả; Phật tử và quần chúng nhân dân phải được học giáo lý của Phật, trau dồi đạo đức, biết sống nhớ ơn, đền ơn, rồi quay về với cội nguồn, với những văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có quay về những điều đó, chúng ta mới yêu quê hương, yêu đất nước để xây dựng đất nước được; còn chúng ta hoàn toàn quên mất hết rồi thì làm sao có thể giữ gìn và phát triển đất nước tốt đẹp được.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thầy.