Dahomey Amazons – Đội quân nữ chiến binh huyền thoại của Tây Phi

Chú thích ảnh
Đội quân nữ chiến binh Dahomey Amazons. Ảnh: National Geographic

Tàn tích của đế chế này nằm ở Cộng hòa Benin ngày nay, chiếm một phần nhỏ bờ biển giữa Nigeria và Togo. Dù là sứ mệnh chinh phục các bộ tộc lân cận hay chống lại các lực lượng thực dân châu Âu, những nữ chiến binh này vẫn luôn gây ra nỗi khiếp hãi đối với kẻ thù. Trong trận chiến cuối cùng chống thực dân Pháp vào năm 1892 trước khi vương quốc này trở thành thuộc địa của Pháp, chỉ có 17 trong số 434 nữ chiến binh sống sót trở về.

Những nữ chiến binh mạnh mẽ

Cho đến nay, có khá nhiều truyền thyết về nguồn gốc của quân đoàn nữ Dahomey Amazons. Một tài liệu lịch sử cho biết vốn dĩ họ là những thợ săn voi phục vụ dưới thời Vua Houegbadja, vị vua thứ ba của Dahomey, kéo dài từ khoảng năm 1645 đến năm 1685. Được biết đến với cái tên Gbeto trong tiếng Fon, cổng thông tin Lịch sử Phụ nữ Châu Phi của UNESCO viết rằng những người phụ nữ này săn mọi thứ, bao gồm voi – loài động vật có giá trị nhất và khó giết nhất lúc bấy giờ. Những con voi gần như bị xóa sổ hoàn toàn khỏi khu vực vào giữa thế kỷ 19. Gbeto sau đó được sáp nhập vào đội quân nữ binh. Họ mặc áo cánh nâu và quần lửng đến đầu gối màu nâu-xanh.

Câu chuyện phổ biến nhất về nguồn gốc của các nữ chiến binh Dahomey có lẽ là một nhóm cận vệ được thành lập theo lệnh của Nữ hoàng Hangbe – con gái của Vua Houegbadja. So với cận vệ nam, cận vệ nữ có một số lợi thế như có thể tuần tra dinh thự hoàng gia vào ban đêm – nơi đàn ông bị cấm bước vào theo quy tắc. Việc Hangbe tập hợp một đội quân nữ sẵn sàng chết để bảo vệ bà và vương quốc là một thành tựu ấn tượng trong xã hội Dahomey lúc bấy giờ.

Nữ vương Hangbe lên ngôi vào đầu thế kỷ 18 sau cái chết đột ngột của người anh trai sinh đôi, Akaba. Sau một thời gian ngắn cai trị, bà bị Agaja – người em trai khao khát quyền lực tin rằng chỉ có đàn ông mới được nắm giữ ngai vàng – phế truất. Mọi dấu vết về triều đại của bà đã bị Agaja xóa sổ.

Dưới thời trị vì của Vua Ghezo từ năm 1818 đến năm 1858, những nữ cận vệ này chính thức trở thành một phần quân đội.

Bản thân những nữ chiến binh tự gọi mình là Mino, trong tiếng Fon có nghĩa là “mẹ của chúng ta”. Một số họ là vợ của vua. Đến giữa thế kỷ 19, quân đoàn này trở nên đông đảo với số lượng ước tính lên tới 6.000 nữ chiến binh, chiếm 1/3 đội quân của Vương quốc Dahomey. Họ sống độc thân, cống hiến cuộc đời của mình cho vương quốc và tránh xa những thứ gắn liền với chế độ phụ nữ truyền thống.

Chú thích ảnh
Mô phỏng buổi huấn luyện của nữ chiến binh Dahomey. Ảnh: National Geographic

Những người được tuyển vào quân đoàn đều phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt với các bài tập thể chất cường độ cao. Một trong những bài tập của họ là leo qua bức tường có nhiều gai nhọn. Họ được học các kỹ năng sinh tồn và trở nên chai sạn trước cái chết và bạo lực. Kỷ luật được áp dụng trong đội quân này cũng rất nghiêm ngặt. Những người phụ nữ này không được phép có con hay kết hôn, ngoại trừ kết hôn với vua. Việc kết hôn với nhà vua cũng đảm bảo lòng trung thành của những nữ chiến binh này.

Trở thành một nữ chiến binh là con đường để nhiều phụ nữ có được những gì trước đây họ không có: sự giàu có, địa vị và tầm ảnh hưởng.

Quân đoàn Dahomey Amazons cũng đóng một vai trò nổi bật trong Hội đồng, tổ chức thảo luận về chính sách của vương quốc. Từ những năm 1840 đến những năm 1870, họ ra mặt ủng hộ hòa bình với người Egbas và quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Anh, ủng hộ việc buôn bán dầu cọ, bày tỏ quan điểm khác biệt so với các chiến binh nam.