Đặc trưng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là sự thoả thuận bằng văn bản giữa bên bảo hiểm với bên tham gia bảo hiểm, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm cam kết sẽ bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba thay cho bên được bảo hiểm nếu có sự kiện bảo hiểm, bên tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm.
Mục Lục
1. Khái niệm về hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là hợp đồng về bảo hiểm trách nhiệm dân sự hay chính là sự thoả thuận bằng văn bản giữa bên bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm) với bên tham gia bảo hiểm (tổ chức, cá nhân), theo đó doanh nghiệp bảo hiểm cam kết sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với người thứ ba thay cho bên được bảo hiểm nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, còn bên tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự mang những đặc điểm chung của hợp đồng bảo hiểm, đồng thời có những đặc trưng riêng.
2. Phân loại hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Căn cứ vào tính ý chí của chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm thì bảo hiểm trách nhiệm dân sự được chia thành hai loại là hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện.
Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh trách nhiệm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chia thành hai loại là hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự phát sinh theo hợp đồng và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự phát sinh ngoài hợp đồng.
Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm cụ thể, hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chia thành các loại là: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, bảo hiểm trách nhiệm của chủ đóng tàu, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách, bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ sử dụng lao động đối với người lao động, bảo hiểm trách nhiệm của chủ nuôi chó, các loại bảo hiểm trách nhiệm khác.
3. Chủ thể của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm gồm: Bên nhận bảo hiểm (bên bán bảo hiểm) và bên tham gia bảo hiểm (bên mua bảo hiểm).
Bên nhận bảo hiểm.
Bên nhận bảo hiểm là bên đã nhận phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm và cam kết nhận rủi ro bảo hiểm về phía mình. Theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm thì bên nhận bảo hiểm chỉ có thể là một tổ chức có tư cách pháp nhân và được phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm, được gọi là doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên tham gia bảo hiểm.
Bên tham gia bảo hiểm là bên đã nộp cho bên nhận bảo hiểm một khoản tiền là phí bảo hiểm. Khác với bên nhận bảo hiểm, bên tham gia bảo hiểm là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi có nhu cầu bảo hiểm về một đối tượng bảo hiểm nhất định hoặc trong trường hợp pháp luật buộc phải tham gia bảo hiểm về một trách nhiệm dân sự nhất định. Nếu bên tham gia bảo hiểm là cá nhân thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự. Năng lực hành vi dân sự là khả năng tự có của chủ thể trong việc thực hiện kiểm soát và làm chủ hành vi của mình. Chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm bao gồm: cá nhân, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình…
4. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự hiểu theo nghĩa chung nhất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người tham gia bảo hiểm. Điều bắt buộc đối với một người trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc người đó phải bằng tài sản của mình gánh chịu việc bù đắp những thiệt hại về vật chất và tổn thất tinh thần do hành vi của mình gây ra cho người khác. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có đủ bốn yếu tố:
– Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật.
Hành vi gây thiệt hại trái pháp luật là những hành vi xâm phạm tới tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác được thực hiện không phù hợp với quy định của pháp luật. Những hành vi có gây ra thiệt hại cho người khác nhưng được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật thì người thực hiện những hành vi đó không phải bồi thường. Ví dụ: hành vi gây thiệt hại trong các trường hợp trong giới hạn phòng vệ chính đáng, trong giới hạn của tình thế cấp thiết, do sự kiện bất ngờ.
– Có thiệt hại xảy ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng nhằm mục đích khắc phục một phần hoặc toàn bộ tổn thất tài chính cho người bị thiệt hại. Do đó, chỉ khi có thiệt hại xảy ra thì mới phải bồi thường; vì vậy cần phải xác định xem có thiệt hại xảy ra hay không và thiệt hại là bao nhiêu. Thiệt hại là những tổn thất xảy ra được tính thành tiền , bao gồm: những mất mát, hư hỏng, huỷ hoại về tài sản, nguồn thu nhập bị mất, chi phí nhằm ngăn chặn, khắc phục những hậu quả xấu về tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tinh thần.
– Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Một người chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra là hậu quả trực tiếp do hành vi trái pháp luật của họ gây ra, hay hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra hậu quả đó.
– Có lỗi của người gây thiệt hại.
Thiệt hại xảy ra có thể do hành vi cố ý hoặc vô ý gây ra, cũng có thể do nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do cây cối, súc vật gây ra. Song với bản chất của bảo hiểm là chỉ bảo hiểm rủi ro nên phạm vi bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm chỉ bao gồm các thiệt hại do hành vi vô ý; do súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra; không bảo hiểm với những thiệt hại do hành vi cố ý gây ra. Vậy đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chỉ là trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do hành vi vô ý gây ra.
5. Đặc trưng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Đối tượng trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm về bồi thường thiệt hại, là loại bảo hiểm không thể xác định được giá trị đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. “ Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm dân sự của người tham gia bảo hiểm đối với bên thứ ba theo quy định của pháp luật ”. (Điều 52 Luật kinh doanh bảo hiểm). Khác với hợp đồng bảo hiểm tài sản có đối tượng là tài sản cụ thể, hợp đồng bảo hiểm con người là bảo hiểm đối với một người cụ thể; đối tượng của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người tham gia bảo hiểm đối với bên thứ ba. Đó là thiệt hại có thể xảy ra trong tương lai, trong phạm vi, giới hạn bảo hiểm và thuộc trách nhiệm bồi thường của bên tham gia bảo hiểm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại mang tính trừu tượng chúng ta không nhìn thấy, không cảm nhận được bằng các giác quan và thực tế chúng không tồn tại hiện hữu trong không gian tại thời điểm giao kết hợp đồng. Chỉ khi nào người tham gia bảo hiểm gây thiệt hại cho người khác và phải bồi thường thì mới xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại là bao nhiêu. Thường đối với các hợp đồng bảo hiểm tài sản ta có thể xác định được mức tổn thất tối đa của tài sản khi giao kết hợp đồng, còn với các hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì không thể xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối đa là bao nhiêu. Mức trách nhiệm bồi thường được xác định theo thoả thuận của các bên và các quy định của pháp luật, trên cơ sở mức độ lỗi của người gây thiệt hại và thiệt hại thực tế của người thứ ba. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có các đi kiện sau: có hành vi gây thiệt hại của người tham gia bảo hiểm đối với người thứ ba; có lỗi của người gây thiệt hại; có thiệt hại thực tế đối với bên thứ ba; thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi gây thiệt hại và ngược lại hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự lỗi của người tham gia bảo hiểm khi thực hiện hành vi gây thiệt hại là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của người tham gia bảo hiểm, đồng thời cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Trên thực tế lỗi trong trách nhiệm dân sự là lỗi suy đoán, nên người gây thiệt hại bị suy đoán là có lỗi khi thực hiện hành vi gây thiệt hại, trừ trường hợp họ chứng minh được thiệt hại xảy ra trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Căn cứ vào mức độ lỗi để xác định người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, một phần hoặc liên đới bồi thường, từ đó doanh nghiệp bảo hiểm xác định trách nhiệm bồi thường của mình.
Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm khi có yêu cầu bồi thường của người thứ ba.
Nếu đã phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng người thứ ba không đòi người tham gia bảo hiểm phải bồi thường, thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng không phải chịu trách nhiệm đối với người tham gia bảo hiểm. Việc bồi thường thiệt hại có thể là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cũng có thể là bồi thường thiệt hại theo hợp đồng. Đối với việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người thứ ba có thể là bất kì tổ chức hoặc cá nhân nào bị thiệt hại. Còn bồi thường thiệt hại theo hợp đồng thì người thứ ba được xác định cụ thể là người có một quan hệ hợp đồng đối với người tham gia bảo hiểm và bị thiệt hại từ hợp đồng đó do hành vi của người tham gia bảo hiểm gây ra. Hợp đồng bảo hiểm chỉ tồn tại giữa người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, người thứ ba không có quyền trực tiếp yêu cầu doanh nghiệp trả tiền bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu pháp luật không có quy định khác thì người thứ ba chỉ có quyền đòi bồi thường đối với người tham gia bảo hiểm, trên cơ sở đó doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho người tham gia bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường cho người thứ ba thuộc về người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm có thể thoả thuận về việc doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường trực tiếp cho người thứ ba bị thiệt hại. Trong một số trường hợp, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; khắc phục kịp thời thiệt hại vật chất góp phần bình ổn tài chính đối với người bị thiệt hại, pháp luật quy định người thứ ba có thể trực tiếp khiếu nại đến doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu bồi thường.
Trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự có thể giới hạn trách nhiệm bảo hiểm hoặc không giới hạn trách nhiệm bảo hiểm. Để đảm bảo lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời nâng cao ý thức của người tham gia bảo hiểm, các danh nghiệp bảo hiểm thường đưa ra các giới hạn trách nhiệm xác định mức bồi thường tối đa của doanh nghiệp bảo hiểm đối với những hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự cụ thể. Khi gây thiệt hại, mức trách nhiệm bồi thường của người tham gia bảo hiểm có thể là rất lớn, song mức trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ trong phạm vi số tiền bảo hiểm mà các bên đã thoả thuận. Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự có một số nghiệp vụ bảo hiểm không xác định số tiền bảo hiểm mà trách nhiệm dân sự phát sinh bao nhiêu doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bồi thường bấy nhiêu. Trường hợp này số tiền bảo hiểm được hiểu là toàn bộ thiệt hại xảy ra. Điều khoản số tiền bảo hiểm được đặt ra nhằm mục đích giới hạn phạm vi trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, để đảm bảo kinh doanh có lãi thì doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán để giới hạn phạm vi trách nhiệm của mình trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự cụ thể. Đối với một số trường hợp ngoại lệ, khi doanh nghiệp bảo hiểm ký hợp đồng với người tham gia bảo hiểm, trong hợp đồng không xác định số tiền bảo hiểm cụ thể thì khi rủi ro xảy ra doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ bảo hiểm đối với toàn bộ thiệt hại.