Đặc thù nghề giáo mầm non

Đặc thù nghề giáo mầm non

Giáo viên mầm non là người dạy trẻ những bài học đầu tiên, ươm mầm nhân cách cho trẻ. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, giáo viên cần có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và lòng yêu trẻ. 

Giờ học của cô và trò Trường mầm non Quảng Chu Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Quảng Chu (Chợ Mới).

Đi sớm, về muộn là đặc thù của giáo viên mầm non. Giáo viên đến trường từ rất sớm, 6h30 đón trẻ và khép lại một ngày làm việc là khi trả hết trẻ cho phụ huynh. Công việc tất bật, vất vả nhưng các cô giáo luôn tươi vui, ân cần, chu đáo chăm sóc, giáo dục trẻ vào nền nếp, giúp trẻ phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ từ những ngày đầu tiên đến lớp.

Cô giáo Hoàng Kim Minh- Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Chu (Chợ Mới) cho biết: Giáo viên mầm non là một nghề đặc thù, trước tiên các cô giáo phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ, cần mẫn và dịu dàng. Cô giáo vừa là người thầy, vừa là người mẹ. Ngoài chăm sóc, giáo dục trẻ, cần giúp trẻ hình thành nhân cách biết yêu thương, tự lập, tự tin, dạy trẻ từng câu nói, lời chào…Hiện Trường Mầm non Quảng chu có hơn 200 trẻ, ngoài trường chính, có hai điểm trường. Toàn trường có 18 cán bộ trong biên chế. Nhà trường có 10 lớp, độ tuổi từ 3 đến dưới 6 tuổi, đa số trẻ ăn bán trú.

Cô giáo Triệu Thị Ngân, Trường Mầm non Quảng Chu chia sẻ: Thông thường, sau khi đón trẻ, giáo viên hướng dẫn các bé tập thể dục rồi dọn bàn ghế cho bé ăn sáng. Chuyện ăn của trẻ cũng muôn vàn vất vả, mỗi lớp 30 trẻ, phải trực tiếp bón, dỗ dành cho bé ăn. Dạy trẻ rửa tay trước và sau khi ăn, thực hiện vệ sinh theo nếp… Giáo viên trong nhà trường chủ yếu là phụ nữ nhưng tất cả công việc như trang trí lớp, đóng đinh, trèo thang căng dây, buộc dây, treo khẩu hiệu, thay bóng điện, sửa điện, khuân vác các vật dụng, dựng sân khấu, đấu loa đài, điều khiển âm thanh… đều do các cô đảm nhiệm.

Trang trí lớp đòi hỏi nhiều kỹ năng và sáng tạo Trang trí lớp đòi hỏi nhiều kỹ năng và sáng tạo.

Cô giáo Hà Thị Nhung, giáo viên Trường Mầm non Quang Thuận (Bạch Thông) chia sẻ: Nhà tôi ở thành phố Bắc Kạn, mỗi ngày đi và về gần 20 km, hai con tôi đang học tiểu học, do đặc thù công việc phải đi sớm để kịp đón trẻ, việc đưa đón con đi học đều do chồng và người thân giúp. Chia sẻ về nghề, cô giáo Nhung cho biết thêm: Cùng với công việc chăm sóc, giáo dục trẻ, giáo viên mầm non phải chuẩn bị giáo án, đồ dùng học tập, tìm hiểu cách làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho các bé. Cả ngày các cô ở trên lớp, chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

Cũng theo nhiều giáo viên mầm non, các cô giáo được ví như “làm dâu trăm họ”, bởi áp lực từ nhiều phía.  Chuyện nghỉ trưa với giáo viên mầm non cũng là chuyện “xa xỉ”, khi các bé ngủ giáo viên lại tranh thủ làm đồ chơi, đồ dùng học tập phục vụ các giờ học có chủ đích: Âm nhạc, thể dục, văn học… Để đảm bảo an toàn cho từng đó bé trong lớp học, trong khi trẻ hiếu động, số lượng giáo viên ít, các cô luôn phải quát sát, mỗi ngày phải nói rất nhiều, không ít cô ảnh hưởng đến sức khỏe. Hầu hết các cô giáo mầm non không có bữa cơm trưa bên gia đình.

Với các cô giáo mầm non, rất cần sự chia sẻ, động viên của các bậc phụ huynh, người thân để yên tâm công tác. Đồng thời, mong muốn các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện, để đời sống giáo viên được đảm bảo…/.

Trần Tuyến