Đặc sắc Lễ hội đua voi Buôn Đôn tại Buôn Ma Thuột
Mục Lục
1Câu chuyện về sự ra đời của Lễ hội đua voi Buôn Đôn
Đến với thành phố Ban Mê, bạn không chỉ có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn ngon như Bánh đúc Bà Bột Buôn Ma Thuột, bánh canh lòng gà, mì bà Hường, bún riêu cua, bún đỏ… mà còn có thể tham gia trải nghiệm nhiều lễ hội văn hóa thú vị, trong đó có Lễ hội đua voi Buôn Đôn nổi tiếng.
Từ bao đời, người M’nông (Bunong) ở Buôn Đôn đã biết săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Con vật này không chỉ giúp người đồng bào kéo, chở hàng hóa mà còn được xem như một “tài sản lớn” trong gia đình, có vị trí quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần.
Theo tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, ông Y Thu K’ Nul (hay còn gọi là Khu Sa Nup, sinh năm 1827, mất năm 1938) là một trong những người M’nông đầu tiên gây dựng nên nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã bắt được gần 500 con voi rừng và thuần dưỡng chúng, do đó người dân tôn vinh ông là “Vua săn voi”.
Bắt nguồn từ Y Thu K’ Nul, săn và thuần phục voi dần trở thành truyền thống tại Buôn Đôn. Nơi đây dần dần được coi như thủ phủ của loài voi. Lễ hội đua voi Buôn Đôn từ đó cũng ra đời và trở thành một lễ hội nổi tiếng. Cuộc đua voi không chỉ thể hiện tinh thần thượng võ của người dân nơi đây mà còn nói lên nếp sống mạnh mẽ, truyền thống lâu đời của bản làng Tây Nguyên.
2Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội
Lễ hội đua voi Buôn Đôn thường diễn ra 2 năm 1 lần vào tháng 3 âm lịch, cùng với mùa của nhiều lễ hội độc đáo ở Tây Nguyên như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, lễ hội Pơ Thi (bỏ mã)… Đây vừa là thời điểm trước khi vào mùa vụ mới lại là lúc đất rừng khô ráo, trăm hoa đua nở, trời trong nắng dịu, cực kỳ thích hợp để vui chơi lễ hội.
Bởi vì cuộc đua voi diễn ra với quy mô rất lớn nên địa điểm tổ chức lễ hội chủ yếu lại tại một khu đất trống có chiều dài từ 400 đến 500 m, bằng phẳng, ít cây, đủ cho 5 đến 10 con voi lớn đứng dàn thành hàng ngang cùng tham gia. Nơi được chọn thường là các địa điểm như ở Vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc huyện Buôn Đôn và Ea Súp hoặc một cánh rừng thưa ven sông Sêrêpốk nằm ở phụ lưu sông Mekong.
Xem thêm: Tham gia Lễ cúng bến nước Buôn Ma Thuột nhiều cảm xúc
3Lễ hội có gì đặc sắc?
Vài tháng trước khi đến tháng 3 âm lịch – mùa lễ hội Tây Nguyên, người dân đồng bào M’nông sẽ lựa những chú voi lớn, khỏe mạnh, dẻo dai và thông minh. Bởi vì mỗi mùa Lễ hội đua voi Buôn Đôn chỉ có khoảng trên dưới 10 con voi được tham gia thi đấu, những người huấn luyện cần nhiều nhiều thời gian để chuẩn bị cho người bạn của mình có đầy đủ tiêu chí bước vào vòng trong.
Xong xuôi bước chọn lựa và chuẩn bị, họ đưa voi của mình vào rừng lớn kiếm thức ăn, đồng thời “bồi bổ” cho voi nào là mía, chuối, đu đủ… Gần ngày thi đấu, voi sẽ được nghỉ ngơi, tắm rửa và huấn luyện một số bài thuần dưỡng để tham gia các hoạt động trong lễ hội.
Các hoạt động trong Lễ hội đua voi Buôn Đôn bao gồm lễ cúng Nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn, xen kẽ là các phần thi như voi đá bóng, voi đua chạy, thi bơi. Tiếp theo là lễ mừng mùa, lễ tắm voi, đây là hai nghi lễ cuối cùng trong các hoạt động của voi tại lễ hội.
Vào ngày thi đấu, già làng sẽ thực hiện lễ cúng sức khỏe cho voi trước với 3 chén rượu cần, một con heo và một bầu nước. Voi sẽ được đặt cơm lên đầu, tưới rượu và máu để cầu phúc và cúng sức khỏe. Sau khi thực hiện xong nghi lễ, tất cả mọi người trong lễ hội sẽ cùng nhau ca hát, nhảy múa dưới tiếng nhạc cồng chiêng rộn ràng rồi chính thức bắt đầu Lễ hội đua voi Buôn Đôn.
Bước vào cuộc đua, trên lưng mỗi chú voi là 2 chàng quản tượng, mặc đồ truyền thống của dân tộc. Họ có nhiệm vụ điều khiển voi làm theo lệnh của nài voi. Voi sẽ được ra lệnh xếp nối nhau thành hàng và quỳ phục trước vạch xuất phát để chuẩn bị thi đấu. Sau hiệu lệnh là một hồi tù và ngân lên, người điều khiển sẽ thúc voi tiến lên phía trước đồng thời tăng tốc thật nhanh để về đích sớm. Tiếng voi chạy rầm rập hòa cùng tiếng cổ vũ, reo hò của khán giả tạo nên không khí náo nhiệt, hân hoan cả một vùng.
Bên cạnh thể hiện sức bền ở những đoạn đường thẳng, các chú voi còn phải di chuyển linh hoạt trên những con đường dốc ngoằn ngoèo đồng thời bơi qua những dòng sông lớn. Những người điều khiển voi phải rất điêu luyện trong việc thuần phục và hướng dẫn voi chạy đua về vạch đích.
Để voi chạy bên phải, người quản tượng ngồi trước sẽ gõ vào tai phải của voi và ngược lại. Trong khi người ngồi sau có nhiệm vụ đốc thúc voi tăng tốc bằng cách dùng chiếc búa gỗ quất vào mông voi. Cả 2 phải phối hợp thật ăn ý và nhuần nhuyễn với nhau để voi có thể hiểu được ý của những người điều khiển, từ đó chạy nhanh và đúng hướng.
Phần thưởng cho các chú voi sau cuộc thi là những bó mía ngọt lịm và nải chuối chín vàng. Riêng chú voi dẻo dai và khỏe mạnh giành được chức vô địch sẽ được trao vòng nguyệt quế cùng người quản tượng. Thêm vào đó, chú voi cũng được thưởng rất nhiều món ăn ngon khoái khẩu.
4Video thú vị về Lễ hội đua voi Buôn Đôn
Vậy là MIA.vn vừa giới thiệu đến bạn Lễ hội đua voi Buôn Đôn – một trong những lễ hội đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên với cuộc đua voi gay cấn, hấp dẫn. Nếu yêu thích các lễ hội mang đậm nét đẹp truyền thống văn hóa vùng miền, đừng ngần ngại đến Buôn Ma Thuột và tham gia ngay lễ hội này nhé bạn ơi! Ngoài ra, ở đây còn có các lễ hội khác như Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội Cà phê, lễ cúng Bến nước…, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm hết sức thú vị đấy.